Công nghiệp khuôn mẫu và cơ khí chính xác: Liên kết để phát triển
Thu hút đầu tư tăng nhanh
Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Tiến - Khoa Cơ khí Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, trong giá trị 1 tỷ USD của ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác tại Việt Nam các DN trong nước chiếm 42%, còn lại là nhóm DN đầu tư nước ngoài (FDI). Theo năng lực hiện có, các DN Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập.
Để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu |
Trải qua nhiều năm, lĩnh vực gia công cơ khí chính xác tại Việt Nam phát triển với tốc độ chậm nhưng 10 năm trở lại đây phát triển khá nhanh khi dòng đầu tư nước ngoài đổ về. Các DN tên tuổi như Canon, Panasonic, Honda, Piaggio ở phía Bắc hay Muto, Taekwang Vina tại phía Nam và một số công ty như Sonion, Tập đoàn Nidec và Samsung trong Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã thúc đẩy sự chuyển dịch về công nghệ gia công khuôn mẫu và gia công cơ khí chính xác tới cấp độ số hóa và tự động hóa cao.
Sự gia tăng đầu tư của các DN FDI cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển nhiều DN trong nước như Duy Tân, Viedam, Mida, Sakura ở TP. Hồ Chí Minh hay HTMP, TMT, An Phú Việt, Smart Việt Nam, Tập đoàn An Phát... ở phía Bắc.
Về ngành khuôn mẫu đến nay Việt Nam cũng đã có các DN có tên tuổi như Minh Nguyên, Duy Khanh, Lập Phúc, Duy Tân, Cát Thái, Minh Đạt, Phú Vinh… PGS.TS Nguyễn Tấn Tiến đánh giá mặt bằng chung của công nghiệp khuôn mẫu thế giới có 5 hạng mục bao gồm thiết kế, gia công, nhiệt luyện, xử lý bề mặt, lắp ráp và đo kiểm thì công nghệ sản xuất của các DN Việt Nam hiện nay ở tỷ lệ 70,36%.
Thúc đẩy hợp tác
Quyền Trưởng ban Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHPT) - bà Lê Bích Loan - cho biết, tại SHTP đến nay đã có những DN không chỉ cung ứng khuôn mẫu cho các DN FDI mà còn cho cả thị trường xuất khẩu. Mới đây, dự án Trung tâm Công nghệ của Makino Nhật Bản đã chính thức đi vào hoạt động mở ra cơ hội thúc đẩy các mối quan hệ đối tác phát triển trong lĩnh vực cơ khí chính xác, tự động hóa, hỗ trợ DN, các nhà sản xuất nội địa theo kịp sự hợp tác phát triển của ngành hướng tới tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong tương lai.
Ông Neo Eng Chong- Tổng giám đốc điều hành Makino châu Á - cho biết, Trung tâm Công nghệ Makino Việt Nam ra đời nhằm phục vụ chiến lược của Makino hướng tới việc tăng cường hỗ trợ khách hàng, cả trước và sau bán hàng, và chia sẻ chuyên môn trong lĩnh vực cơ khí chính xác với các giải pháp chìa khóa trao tay và chuyển giao kiến thức công nghệ cho các DN Việt Nam.
Theo bà Lê Bích Loan, các nước có nền công nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc đã hình thành mô hình liên kết tổ hợp để sản xuất khuôn mẫu chất lượng cao cho từng lĩnh vực công nghệ khác nhau nhưng phải theo hướng tự động hóa quá trình sản xuất để phát huy tối đa năng lực thiết bị của mình. SHPT sẽ là cầu nối kết nối DN với các tổ chức quốc tế hỗ trợ DN như JICA, JETRO, JBIC… và các tổ chức chuyên ngành khác tìm kiếm cơ hội hợp tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác phát triển. n
Trong 5 cấp độ năng lực công nghệ, các DN nội đã sản xuất những sản phẩm cấp 3 và 4, những sản phẩm trong nhóm cấp 1 và 2 vẫn phải nhập khẩu từ các tập đoàn lớn trên thế giới. |