Công nghiệp địa phương: Đóng góp lớn cho tăng trưởng toàn ngành
Xin Thứ trưởng đánh giá về những đóng góp của khối CNĐP trong sự tăng trưởng chung toàn ngành năm 2015?
Trong năm 2015, tình hình sản xuất công nghiệp tại các địa phương giữ được mức tăng trưởng cao. Điển hình là: Quảng Nam (+34,66%), Tuyên Quang (+34,73%), Lào Cai (+25,85), Điện Biên (+23,64%), Bình Thuận (+22,68%), Ninh Bình (+20,7%), Hà Giang (+18,33%)... Sự tăng trưởng cao và ổn định của khối CNĐP đã góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành. Ước tính năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 10% so với cùng kỳ.
Năm 2015 cũng là năm khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) sản phẩm công nghiệp luôn dẫn đầu trong tất cả các nhóm ngành hàng. Ước cả năm 2015, KNXK cả nước tăng trên 9,5% so với cùng kỳ, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 78,8% tổng KNXK. Nhiều địa phương có đóng góp xuất khẩu lớn như: Bắc Ninh chiếm 14,86%, Bình Dương 11,4%, Đồng Nai 8,34%, Thái Nguyên 5,75%...
Bên cạnh đó, sản phẩm của khối CNĐP cũng góp phần không nhỏ bảo đảm nguồn cung hàng hóa tại các địa phương, góp phần ổn định ngành hàng, tạo cân đối cung- cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, đặc biệt là nhóm các sản phẩm công nghiệp phục vụ tiêu dùng và công nghiệp chế biến thực phẩm.
Ngoài ra, phát triển CNĐP còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và giải quyết các vấn đề xã hội; khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, duy trì và khôi phục các làng nghề truyền thống…
Vậy, đâu là điểm nhấn của khối CNĐP trong năm 2015, thưa Thứ trưởng?
Có 3 điểm nhấn nổi bật mà khối CNĐP trong năm 2015 đã thực hiện được.
Thứ nhất, sản xuất CNĐP đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước.
Thứ hai, công tác quản lý và phát triển cụm công nghiệp (CCN) đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến năm 2015, cả nước có khoảng 626 CCN đi vào hoạt động với 10.781 dự án, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 58%/cụm, giải quyết được 550.473 lao động làm việc tại các CCN. Trong năm 2015, các địa phương đã hoàn thành báo cáo rà soát quy hoạch CCN theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 2/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, Bộ Công Thương đã báo cáo tổng hợp kết quả rà soát và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với 63 tỉnh, thành phố. Để khắc phục những bất cập, hạn chế của Quyết định 105/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN; trong đó nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút mạnh mẽ đầu tư phát triển CCN vào khu vực nông thôn.
Thứ ba, hoạt động khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương được đẩy mạnh, tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế đóng góp phát triển CNĐP. Hoạt động khuyến công tập trung vào nhiều nội dung như: đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT); hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuât vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu thông qua tổ chức hội chợ triển lãm, tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các CCN... Đặc biệt, trong năm 2015, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức thành công bình chọn và lễ tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia cho 100 sản phẩm đặc sắc, nổi trội được lựa chọn từ 148 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực của năm 2014. Hoạt động này thực sự có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT, đã tạo ra phong trào thi đua phát triển sản phẩm tiêu biểu của mỗi vùng, mỗi địa phương, góp phần vào tăng trưởng chung của khối CNĐP.
Sản phẩm công nghiệp địa phương dần có vị thế trên thị trường |
Bước sang năm 2016 trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, theo Thứ trưởng, các doanh nghiệp trong khối CNĐP cần làm gì để phát triển bền vững?
Năm 2015, Việt Nam đã đàm phán xong hoặc ký kết 4 hiệp định quan trọng với các khu vực thị trường lớn, đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á- Âu và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc. Các hiệp định này mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác thương mại lớn, đồng thời, cũng đặt ra nhiều thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt. Đó là, cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, nhiều đối thủ hơn, trên bình diện rộng và sâu hơn; sự phân phối lợi ích cũng không đồng đều... Trong điều kiện tiềm lực đất nước còn hạn chế thì đây là những khó khăn không nhỏ. Tuy nhiên, nếu tận dụng được cơ hội sẽ tạo ra thế và lực mới để vượt qua và đẩy lùi thách thức, tạo ra cơ hội mới lớn hơn.
Do đó, để tự tin hội nhập, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật các thông tin cũng như tìm hiểu những cơ hội mà hiệp định mang lại để chủ động trong các hoạt động sản xuất- kinh doanh. Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất- kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, song song với việc tiếp tục củng cố vị trí tại các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa về nguồn nhân lực (lao động và nguồn vốn…), đầu tư thiết bị, công nghệ phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động cung ứng nguyên phụ liệu. Rà soát và có cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống các định mức chi phí trong quá trình sản xuất- kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết, tạo tiền đề cho việc hạ giá thành sản phẩm
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Xây dựng chiến lược là một trong những điểm mấu chốt, quan trọng để doanh nghiệp có thể tiếp cận các thị trường mới và giữ vững vị trí trên thị trường hiện tại. Chủ động tìm hiểu đối thủ cạnh tranh để tự đổi mới và đổi mới sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng. Cùng với đó là xây dựng thương hiệu, tăng cường công tác xúc tiến phát triển thị trường; thiết lập các kênh phân phối hiệu quả là cách thức để giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng, giảm bớt các khâu trung gian. |