Thứ sáu 03/01/2025 03:26

Công đoàn Dệt may Việt Nam: Xuất sắc vượt qua nhiệm kỳ đầy sóng gió

Trong bối cảnh chung của đất nước, nhiệm kỳ 2018 – 2023, Công đoàn Dệt may Việt Nam gặp không ít khó khăn, sóng gió nhưng đã xuất sắc vượt qua.

Đại hội Công đoàn Dệt may Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/10, với phương châm “Đổi mới – Dân chủ - Đoàn kết – Phát triển”.

Đại hội Công đoàn Dệt may Việt Nam lần thứ VI với phương châm “Đổi mới – Dân chủ - Đoàn kết – Phát triển”

Có 317 đại biểu đại diện cho tiếng nói của người lao động (NLĐ) ngành dệt may Việt Nam tham dự Đại hội.

Phát biểu khai mạc Đại hội, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam - nhấn mạnh: Đại hội Công đoàn Dệt may Việt Nam lần thứ VI phải hướng tới mục tiêu xây dựng, rèn cặp đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động ngang tầm yêu cầu của thời kỳ mới; giáo dục, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động thi đua học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ trên từng vị trí công tác; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tham gia xây dựng và giám sát thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ; ra sức xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền các cấp; đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Dệt may Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động

Công đoàn Dệt may Việt Nam hiện quản lý 116 công đoàn cơ sở, địa bàn trải dài trên cả nước, với tổng số 109.542 đoàn viên công đoàn/116.286 công nhân viên chức lao động. Độ tuổi trung bình của NLĐ trong ngành hiện nay là 35 tuổi.

5 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn thách thức chưa từng có trong tiền lệ: Thiên tai, đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang giữa các quốc gia, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, khủng hoảng kinh tế thế giới… Song cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động ngành Dệt may Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, để thực hiện thắng lợi những mục tiêu do Đại hội V Công đoàn Dệt may Việt Nam đề ra.

Cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022 đạt 193,8 tỷ USD, tăng bình quân 7,34 % mỗi năm; hoàn thành các nghĩa vụ với nhà nước về nộp ngân sách, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trích nộp bảo hiểm cho NLĐ; thu nhập bình quân đạt 7,45 triệu đồng/người/tháng năm 2018, đã tăng lên 9,03 triệu đồng/người/tháng năm 2022. Cả giai đoạn tăng 21,2%; bình quân mỗi năm tăng 4,2%. So với ngành dệt may các địa phương, thu nhập bình quân của NLĐ trong các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Dệt may Việt Nam đạt mức cao nhất.

Trong nhiệm kỳ qua, công tác thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tiếp tục được quan tâm. Ở cấp ngành, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã phối hợp với Hiệp Hội Dệt may Việt Nam thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành lần thứ IV và lần thứ V với nhiều nội dung có lợi cho NLĐ về tiền lương, mức ăn ca, các chế độ phúc lợi... Đã có 76 đơn vị tham gia (tương ứng với 84.564 đoàn viên, chiếm tỷ lệ 76,5% đoàn viên toàn hệ thống). Ở cấp doanh nghiệp, có 57 đơn vị sửa đổi, bổ sung và ký lại TƯLĐTT với một số điều khoản tiến bộ; đến nay số doanh nghiệp ký kết TƯLĐTT đạt 100%.

Bên cạnh đó, công đoàn còn tăng cường công tác giám sát thực hiện chế độ chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ; hướng dẫn công đoàn cơ sở tích cực, chủ động tham gia quản lý, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tham gia vào quá trình tuyển dụng, đào tạo, sắp xếp lao động, thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ theo quy định của pháp luật và TƯLĐTT...

Hàng năm, Công đoàn Dệt may Việt Nam cùng các công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn chăm lo toàn diện cho NLĐ. Nhiều mô hình chăm lo được thực hiện và tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, mang lại lợi ích thiết thực, như: Tổ chức Tháng Công nhân, “Tết Sum vầy - Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” với các nội dung: Hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gia đình chính sách, thương bệnh binh; hỗ trợ xây, sửa mái ấm công đoàn; chuyến xe, tấm vé nghĩa tình; bán hàng trợ giá...

Việc cải thiện chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ cũng được công đoàn quan tâm sát sao; thường xuyên kiểm tra, giám sát định suất, định lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả, có 78 đơn vị điều chỉnh mức ăn ca, hơn 90% đơn vị hỗ trợ tiền ăn cho NLĐ với mức từ 15.000 đồng trở lên/suất (không bao gồm chi phí chất đốt, phục vụ, dụng cụ...); một số đơn vị phục vụ giải khát những ngày nắng nóng, tổ chức ăn sáng miễn phí, có chế độ bồi dưỡng cho mẹ bầu và NLĐ ốm đau…

Từ những việc làm thiết thực, các chế độ chính sách trong hệ thống được đảm bảo; vấn đề phát sinh sớm được nhận diện, nắm bắt và xử lý kịp thời, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, đình công, ngừng việc tập thể; quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Nâng cao kỹ năng cho người lao động

Cùng với công tác chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho NLĐ, các cấp công đoàn ngành dệt may Việt Nam còn thực hiện tốt chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và NLĐ”. Từ năm 2018 đến nay, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã hợp tác với khối trường trong hệ thống tổ chức được gần 80 lớp đào tạo cho 3.860 lượt NLĐ. Tại cơ sở, 5 năm qua đã có hàng trăm nghìn lượt NLĐ được học tập về văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, ngoại ngữ, tin học...

Đặc biệt, việc tổ chức các phong trào thi đua được thúc đẩy mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao; hình thành được các sân chơi trí tuệ; lan tỏa được nhiều phương pháp hay, cách làm tốt trong hệ thống.

Đáng chú ý, trong những phong trào này là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp công đoàn hưởng ứng tích cực. Ngay đầu nhiệm kỳ, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã xây dựng Chương trình “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo” thông qua việc phát huy sáng kiến cải tiến công nghệ, thiết bị, hợp lý hóa sản xuất, luyện tay nghề thành thợ giỏi; giỏi một công đoạn biết nhiều công đoạn; thi đua đạt năng suất cao chất lượng tốt; hội thi thợ giỏi, hội thi giáo viên giỏi…

Tại các cơ sở, nhiều câu lạc bộ sáng kiến được hình thành, ngày hội ý tưởng được tổ chức. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn hệ thống có 11.475 sáng kiến, giải pháp, làm lợi trên 237,5 tỷ đồng, tăng 6.807 sáng kiến, giải pháp so với nhiệm kỳ 2013 - 2018.

Tại cấp ngành, trong 5 năm đã 2 lần tổ chức Ngày hội lao động sáng tạo, có 172 sáng kiến, đề tài, giải pháp dự thi; 17 tập thể, 40 cá nhân đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích và 19 giải phong trào.

Bên cạnh đó, hưởng ứng Chương trình “75 nghìn sáng kiến” và “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, các cấp công đoàn trong toàn hệ thống tích cực vận động đoàn viên, NLĐ cập nhật sáng kiến lên phần mềm của Tổng Liên đoàn. Kết quả, có 18.495 sáng kiến được cập nhật, vượt 7.530 sáng kiến so với chỉ tiêu, đạt 169% và đứng đầu khối thi đua.

Ngoài ra, phong trào “Doanh nghiệp vì người lao động” cũng được quan tâm, thúc đẩy. Từ năm 2019, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã xây dựng tiêu chí xét chọn và vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động” cấp ngành; đến nay đã có 69 lượt doanh nghiệp được công nhận, vinh danh, trong đó có 15 lượt doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động” cấp Quốc gia. ..

Với những nỗ lực của các cấp công đoàn cũng như NLĐ, nhiệm kỳ qua toàn hệ thống có 3.244 lượt tập thể, cá nhân được các cấp ghi nhận; trong đó có 354 lượt được khen thưởng cấp Nhà nước và Tổng Liên đoàn. Tại cấp ngành, Công đoàn Dệt may Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2018; Tổng Liên đoàn tặng cờ thi đua toàn diện năm 2020, 2022; năm 2021 được Chủ tịch nước tặng Huân chương độc lập hạng Nhì nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập.

Dự và phát biểu tại đại hội, ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam đánh giá cao vai trò của các cấp công đoàn ngành Dệt may trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh: Nhiệm kỳ 2018 – 2023 là một nhiệm kỳ đầy sóng gió với cả NLĐ và doanh nghiệp, tuy nhiên vượt qua sóng gió, mối quan hệ giữa NLĐ và doanh nghiệp trong ngành tiếp tục được gắn bó; đời sống của NLĐ được nâng cao; các phong trào thi đua thường xuyên tổ chức tại cơ sở; hoạt động đào tạo tay nghề và văn hóa doanh nghiệp cho NLĐ diễn ra liên tục trong cả nhiệm kỳ; không để xảy ra tranh chấp lao động... Với những hoạt động thực chất, đem lại quyền lợi thiết thực cho đoàn viên, NLĐ đã thể hiện của tổ chức công đoàn với doanh nghiệp, NLĐ ngày càng tốt hơn, chắc chắn thời gian tới, công tác phát triển đoàn viên tiếp tục thu được nhiều kết quả tích cực.

Dựa trên những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ mới 2023 – 2028, Công đoàn Dệt may Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu: Tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; thúc đẩy hiệu quả các phong trào thi đua; xây dựng, bồi đắp văn hóa dệt may; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới.

Công đoàn Dệt may Việt Nam đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ mới 2023 – 2028: Thu nhập bình quân của NLĐ tăng ít nhất 5%/năm; giảm 10 - 15% tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (so với nhiệm kỳ 2018-2023); 100% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được TƯLĐTT theo quy định của pháp luật. Có 75 - 80% số đơn vị trực thuộc tham gia TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam…
Thanh Tâm
Bài viết cùng chủ đề: Công đoàn