Con đường tiền tệ huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ
Mật danh B29 - tổ chức tình báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam
Giữa những năm tháng mà đất nước như một đại công trường của máu, lửa và ý chí, khi những cái tên như đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh đã đi vào huyền thoại, vẫn còn đó một hành trình không dấu vết, không tiếng súng, không khói bom nhưng mang trên vai sứ mệnh sống còn: “Con đường tiền tệ”. Không có bản đồ, cũng chẳng có những đoàn xe rầm rập qua núi rừng, con đường này lặng lẽ nối hai miền Bắc - Nam bằng dòng chảy kiên định của niềm tin và tài lực, mang theo kỳ vọng của cả một dân tộc vào ngày thống nhất.
Giai đoạn từ năm 1954 đến 1975, sau Hiệp định Genève, đất nước chia cắt. Trong bối cảnh ấy, việc chi viện cho miền Nam trở thành mệnh lệnh từ trái tim đối với hậu phương lớn miền Bắc. Bên cạnh lương thực, vũ khí, thuốc men... còn có một nguồn lực vô cùng thiết yếu: Ngoại tệ. Đó là những đồng đôla viện trợ từ bạn bè quốc tế, những khoản tiền ít ỏi nhưng quý giá được dành dụm, gom góp để chuyển vào vùng lửa.
Giữa trùng điệp bom đạn, những đồng đôla nhỏ bé ấy không chỉ là tiền bạc, mà còn là mạng sống, là thuốc men cho thương binh, là súng đạn cho chiến sĩ, là niềm tin cho cách mạng. Tuy nhiên, việc vận chuyển tiền rất khó khăn, theo đường chuyển khoản chính thức thì không được vì miền Nam đang trong tay chính quyền Sài Gòn. Để chuyên trách việc chi viện tài chính cho các chiến trường miền Nam, tháng 4/1965, từ đề xuất của Phó Thủ tướng Phạm Hùng, Bộ Chính trị đã cho thành lập “Quỹ Ngoại tệ đặc biệt” mang mật danh B29 (B là ký hiệu của Phòng Công tác miền Nam, 29 là số điện thoại của phòng qua tổng đài của Ngân hàng Nhà nước) ở miền Bắc để tiếp nhận viện trợ của các nước tiến bộ để chuyển vào miền Nam; đồng thời, thành lập Ban Tài chính đặc biệt (bí số N.2683) là đơn vị trực thuộc Trung ương Cục miền Nam.
B.29 là đơn vị bí mật, được biên chế 14 cán bộ phụ trách. Với tính chất công việc đặc biệt, B29 như một “binh đoàn tiền tệ”, hoạt động theo nguyên tắc của hoạt động tình báo, chịu sự chỉ đạo và báo cáo đơn tuyến với cấp trên. Nhiều chỉ thị, mệnh lệnh được truyền miệng từ lãnh đạo cấp cao mà không có văn bản ký duyệt. Các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn về giao dịch, thanh toán, kế toán và ngân quỹ mỗi bộ phận chỉ có một người. Mỗi cán bộ chỉ biết công việc của mình, không biết việc của người khác. B29 được xem là tổ chức tình báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam, khi mới thành lập đã có 3 đại diện thường trú dưới danh nghĩa khác nhau tại Hồng Kông (Trung Quốc), Bắc Kinh và Paris.
Ngoại tệ được chia nhỏ, niêm phong, đóng vào các hòm nhỏ và theo các nhóm công tác đặc biệt tỏa đi khắp các chiến trường. Ảnh: Duy Minh |
Khâu vận chuyển tiền ở phạm vi phía Bắc với các nước bạn do B29 phụ trách thường sử dụng các phương tiện như đường sắt, liên vận quốc tế, các hãng hàng không… Mỗi chuyến vận chuyển tiền trong cặp thường có từ vài triệu USD tiền mặt. Những cán bộ chuyển ngân hoạt động như khách VIP đi công tác, các lộ trình đều tuyệt mật theo nguyên tắc đơn tuyến.
Thời đại 4.0 ngày nay, chỉ cần 1 cú click chuột máy tính, bằng một lệnh quét QR hay nhận diện khuôn mặt không quá 3 giây, hàng tỷ đồng hay trăm tỷ đồng có thể được chuyển đi “nhanh như chớp”. Nhưng ở thời chiến, hành trang của những người lính ngân hàng ngày ấy chỉ là những chiếc ba lô thô sơ giấu tiền trong đáy, những chuyến đi bằng thuyền nan, gánh bộ xuyên qua rừng già, hay thậm chí chôn giấu ngoại tệ trong những bọc hàng hóa bình thường.
Có những chuyến vận chuyển kéo dài hàng tháng trời, qua bao nhiêu cửa ải hiểm nguy. Một lần sơ sẩy, mất mát không chỉ là tiền bạc, mà còn là tính mạng, là bí mật của cả chiến dịch. Có những người ra đi mà không bao giờ trở lại, xác thân hòa vào lòng đất, nhưng dòng tiền ấy vẫn không hề đứt mạch.
Vậy mà, từ hậu phương đến tiền tuyến, từ những thành phố sơ tán tới rừng rậm miền Đông Nam Bộ, hàng trăm triệu đôla đã được chuyển thành thuốc men, vũ khí, lương thực cho chiến trường đúng lúc, kịp thời, làm nên những chiến thắng vĩ đại.
Chiến trường miền Nam và “con đường tiền” không tiếng súng
Ngành ngân hàng Việt Nam, lúc ấy còn non trẻ, đã được giao một nhiệm vụ “nặng tựa núi”: Vận chuyển, lưu thông, bảo vệ nguồn tiền quý báu này tới tận chiến trường. Một hành trình tưởng chừng bất khả thi, trong điều kiện máy móc thô sơ, nhân lực ít ỏi, lại luôn đối mặt với sự kiểm soát, săn lùng khốc liệt của địch.
Tiền từ kho ngoại tệ đặc biệt cất giữ nghiêm ngặt tại tầng hầm Ngân hàng Nhà nước được chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Duy Minh |
Ban đầu, bằng phương thức vận chuyển tiền mặt (AM), tiền từ kho ngoại tệ đặc biệt (cất giữ nghiêm ngặt tại tầng hầm Ngân hàng Nhà nước Trung ương - 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội; do B29 quản lý) được chuyển cho đơn vị đặc biệt chuyên phụ trách vấn đề này của Tổng cục Hậu cần Quân đội là C.100 thuộc Đoàn 559, sau đó được đóng thùng đặc chủng và chuyển theo tuyến đường Trường Sơn hoặc đi đường biển bằng những chuyến tàu không số, cất giấu dưới hầm tàu 2 đáy, có lúc tiền còn được chuyển bằng vali ngoại giao…
Đến cuối năm 1965, tình hình chiến sự diễn ra ác liệt trên khắp các mặt trận tại miền Nam, hoạt động vận chuyển tiền trực tiếp bằng đường bộ và đường hàng không đều khó thực hiện. Thời điểm này, Trung ương Cục miền Nam đã đề xuất Chính phủ thực hiện “vận chuyển” tiền chi viện theo phương pháp mới gọi là phương thức chuyển khoản FM, giúp việc vận chuyển tiền từ quỹ đặc biệt ở Hà Nội vào Nam rút từ 30 ngày xuống còn 6 ngày và sau đó chỉ còn 30 phút, đáp ứng nhu cầu tiền càng nhiều, càng nhanh càng tốt và phải cung cấp cho nhiều nơi.
FM là phương thức sử dụng hình thức chuyển khoản do B29 tại Hà Nội thực hiện theo yêu cầu của N.2683, để hoàn trả tại nước ngoài, chủ yếu là tại cơ sở của ta tại Hồng Kông. Đầu mối và cũng là cơ sở của N.2683 là các đại thương gia được cách mạng cảm hóa, có khả năng chi tiền mặt cho đường dây hoạt động nội thành của N.2683. Họ gửi tiền tại các ngân hàng ở Sài Gòn. Theo sự thỏa thuận với N.2683, họ rút tiền mặt từ các ngân hàng với lý do để sản xuất, kinh doanh nhưng thực tế là trao cho ta và được giao tại những nơi quy ước “làm ăn” hoặc tại những vùng giáp ranh, ven đô Sài Gòn - Gia Định hoặc xa hơn nữa. Sau đó, theo thông báo của N.2683, B29 sẽ chi trả lại bằng cách chuyển ngân vào tài khoản của họ ở các ngân hàng nước ngoài.
Dòng tiền thời chiến được chuyển bí mật bằng rất nhiều phương tiện: Máy bay, tàu thủy, chuyển khoản, thậm chí bằng xe máy, xe đạp… Trong đó, đặc biệt là chiếc Honda CL 90 màu đỏ.
Chiếc Honda CL 90 màu đỏ này đã chuyển một khối lượng tiền lớn từ PhnomPenh đến vùng giải phóng của miền Nam Việt Nam. Ảnh: Duy Minh |
Chiếc xe máy này được N.2683 mua tại vùng biên giới Kampot (Campuchia) để chuyển một khối lượng tiền lớn từ PhnomPenh đến vùng giải phóng của miền Nam Việt Nam. Xe máy được giao cho đồng chí Lữ Minh Châu (bí danh Ba Châu), Phó Ban Tài chính đặc biệt, sau này là Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng để đi lại giữa Ban Kinh tài R và Trung ương Cục miền Nam.
Theo lịch sử của ngành ngân hàng, khi đồng chí Lữ Minh Châu vào Sài Gòn (năm 1970) thì giao xe lại cho bộ phận chuyên chở tiền của N.2683 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong vòng 5 năm từ 1970 - 1975, chiếc xe máy đặc biệt này đã chở hàng triệu đôla phục vụ cho cách mạng. Sau ngày 30/4/1975, đơn vị giao lại xe cho đồng chí Ba Châu sử dụng tại Sài Gòn.
Ông Lê Văn Châu - nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, số tiền được vận chuyển từ nước ngoài về có thể lên tới nhiều triệu đôla. Nguy cơ bị cướp hoặc chặn lại ở sân bay là rất cao. Cán bộ ta phải hợp đồng chặt chẽ với cơ quan an ninh nước bạn để đảm bảo công việc được tiến hành suôn sẻ.
Ngay khi được chuyển an toàn về nước, ngoại tệ sẽ được chia nhỏ, niêm phong, đóng vào các hòm thiếc nhỏ và theo các nhóm công tác đặc biệt tỏa đi khắp các chiến trường hoặc được các đơn vị bí mật sử dụng ngay trong nội thành Sài Gòn. Theo yêu cầu của cuộc kháng chiến, nhu cầu tài chính bằng tiền mặt chủ yếu gồm 2 loại là tiền Sài Gòn và đôla Mỹ. Ngoài ra, cũng cần một lượng nhất định tiền mặt bằng đồng Riel, Kip và Baht để chi phí tại địa bàn Campuchia, Lào Thái Lan.
Con đường tiền tệ năm xưa cũng như con đường Trường Sơn máu và lửa trong kháng chiến chống Mỹ, là biểu tượng của lòng dũng cảm, mưu trí và tinh thần “vì miền Nam ruột thịt” không gì lay chuyển nổi. Ngày nay, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn tiếp nối tinh thần ấy: Bảo vệ và vận hành nguồn lực tài chính quốc gia, đồng hành cùng các nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần vào vị thế ngày càng vững vàng của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Con đường tiền tệ” huyền thoại trong kháng chiến đã đóng góp một phần không nhỏ vào thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì những thành tích đó, ngày 9/6/2009, Quỹ ngoại tệ đặc biệt B29 và Ban Tài chính đặc biệt N.2683 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |