Cơn bão giá vật liệu xây dựng đang càn quét Thanh Hóa
Giải mã nguyên nhân?
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, những tháng đầu năm 2025 giá nhiều loại vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh có biến động tăng vọt và chưa tuân thủ theo công bố giá của cơ quan chức năng, tập trung chủ yếu 3 nhóm vật liệu xây dựng là đất san lấp, đá và cát, đặc biệt giá cát đã tăng khoảng 30% so với thời điểm cuối năm 2024.
Một số công trình, dự án đang triển khai thi công nhưng không có nguồn mỏ vật liệu ở khu vực gần dự án, phải mua vật liệu ở xa, chi phí vận chuyển tăng, dẫn đến giá vật liệu tại chân công trình tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ dự án cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều công trình chậm tiến độ vì khan hiếm vật liệu xây dựng. Ảnh minh họa/Quốc Huy |
Đơn cử như mặt hàng cát, giá cát xây dựng tại Thanh Hóa liên tục “nhảy múa”. Theo chia sẻ của một chủ doanh nghiệp có tiếng trong giới xây dựng tại Thanh Hóa, có thời điểm giá cát vượt qua mốc 550.000 đồng/m3, phải mua cát tại những điểm mỏ thuộc tỉnh Nghệ An, thậm chí có thời điểm có tiền cũng không mua được cát.
Tình trạng này không chỉ đẩy chi phí xây dựng lên cao mà còn khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn vì thiếu nguyên vật liệu, dẫn đến các công trình mà doanh nghiệp đang thi công bị chậm tiến độ, thậm chí là phải dừng thi công.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa chia sẻ, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nguồn cung khan hiếm, đặc biệt là nguồn cát.
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm cát là do nguồn cung (trữ lượng, công suất) các mỏ cát được cấp phép trên địa bàn không đáp ứng được nhu cầu thị trường”, vị đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa cho biết.
Ngoài ra, do nhiều dự án khai thác, chế biến khoáng sản để xảy ra các sai phạm, như: Khai thác vượt mốc giới, vượt công suất, chưa đúng thiết kế, bán chưa đúng giá công khai, niêm yết… dẫn đến bị xử phạt, đình chỉ hoạt động, thậm chí là bị xử lý hình sự cũng khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm.
Cung không đủ cầu là nguyên nhân chính dẫn đến giá vật liệu tăng cao. Ảnh minh họa/Quốc Huy |
Một nguyên nhân khác cũng dẫn đến tình trạng trên là do công tác đánh giá, dự báo cung - cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh chưa thường xuyên, chưa chính xác; chưa xây dựng được danh mục các dự án khai thác, chế biến khoáng sản hằng năm để đưa ra đấu giá quyền khai thác, cung cấp vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Trước luồng thông tin cho rằng, việc cơ quan Công an từ Trung ương đến địa phương liên tục khởi tố, bắt giam nhiều đối tượng có liên quan đến khai thác, kinh doanh khoáng sản là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa nhận định:
“Việc các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan Công an, liên tục điều tra và khởi tố các vụ án trên địa bàn là việc làm theo quy định của pháp luật, nên không thể nói là nguyên nhân chính dẫn đến tính trạng trên”, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa thông tin.
Dự báo cung cầu và giải pháp trước mắt
Theo số liệu thống kê của tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa đã tiêu thụ 49 triệu m3 đất san lấp; 7,2 triệu m3 cát và 12,3 triệu m3 đá. Đối chiếu với trữ lượng của các mỏ khoáng sản trên địa bàn thì trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 nguồn cung sẽ không đủ cầu, thiếu hụt nghiêm trọng.
So sánh cung - cầu, thì trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 vật liệu xây dựng trên địa bàn Thanh Hóa sẽ thiếu nghiêm trọng. Ảnh minh họa/Quốc Huy |
Cụ thể đối với vật liệu đất san lấp, trữ lượng được quy hoạch là 183 triệu m3, trữ lượng đã cấp phép còn lại là gần 43 triệu m3, công suất năm 2025 là 20 triệu m3. Trong khi đó, chỉ tính riêng nhu cầu năm 2025 là hơn 33 triệu m3, giai đoạn 2026-2030 là 151 triệu m3.
Như vậy, trong năm 2025 sẽ còn thiếu đến 13 triệu m3, giai đoạn 2026-2030 thiếu đến 128 triệu m3.
Đối với vật liệu cát, trữ lượng được quy hoạch là 18 triệu m3, trữ lượng đã cấp phép còn lại là 3,4 triệu m3, công suất năm 2025 là 2,4 triệu m3 (đã bao gồm cả cát nghiền). Nhu cầu năm 2025 là 5,4 triệu m3, nhu cầu giai đoạn 2026-2030 là 27 triệu m3.
So sánh với nhu cầu thì trong năm 2025 thiếu khoảng 3 triệu m3, giai đoạn 2026-2030 thiếu khoảng 16 triệu m3.
Riêng với vật liệu đá, trữ lượng đã cấp phép là 652 triệu m3, trữ lượng đã cấp phép còn lại là 163 triệu m3, công suất năm 2025 là 13,8 triệu m3; còn nhu cầu trong năm 2025 là 17,5 triệu m3 (đã bao gồm đá để nghiền thành cát), giai đoạn 2026-2030 là 108 triệu m3.
Đối chiếu cung – cầu thì nguồn cung đá vẫn còn thiếu, cụ thể năm 2025 thiếu khoảng 3 triệu m3, giai đoạn 2026-2030 thiếu khoảng 22 triệu m3.
Về giải pháp trước mắt để đảm bảo cung – cầu vật liệu xây dựng, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, nâng công suất các mỏ đủ điều kiện và đôn đốc, tháo gỡ đối với các mỏ đã trúng đấu giá để sớm đưa vào hoạt động nhằm tăng nguồn cung.
Riêng đối với mặt hàng cát, ngoài nâng công suất các mỏ có sản xuất cát nghiền từ đá - cát nhân tạo thì tỉnh Thanh Hóa khuyến khích sử dụng để thay thế cát tự nhiên.
Thanh Hóa khuyến khích sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên. Ảnh minh họa/Quốc Huy |
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa cho biết, đơn vị hoàn toàn khuyến khích và hỗ trợ việc sử dụng cát nhân tạo hoặc các vật liệu thay thế khác để giảm áp lực lên nguồn cát tự nhiên.
“Cần khuyến khích sử dụng để thay thế cát tự nhiên, các doanh nghiệp nên mở rộng đầu tư nâng cao chất lượng và công suất cát nghiền từ đá; khi thẩm định các dự án đầu tư đặc biệt là các dự án lớn yêu cầu chủ đầu tư phải sử dụng tối đa cát nghiền từ đá để làm bê tông, xây…”, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.
Trong cơn bão giá vật liệu xây dựng, ngày 5/5/2025 mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị đánh giá toàn diện về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Hội nghị này có sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Đá Thanh Hóa; các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cũng như các doanh nghiệp, nhà thầu thi công có sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị này, các đơn vị có liên quan đã cùng bàn giải pháp để “hạ nhiệt” giá vật liệu xây dựng. |