Độc đáo chùa Chùa Khmer giữa lòng Hà Nội
CôngThương - Ngôi chùa Phật giáo Nam tông thứ 454
Việc hoàn thành và khánh thành ngôi chùa là một hoạt động trọng điểm trong Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam. Được biết, đây là ngôi chùa Phật giáo Nam tông thứ 454 của cả nước, lần đầu tiên xây dựng tại Hà Nội.
Chùa được xây dựng theo nguyên mẫu chùa K’Leang - một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngôi chùa là sự kết hợp hoàn hảo của không gian tâm linh và không gian nghệ thuật. Vì vậy, vốn kiến trúc cổ đặc sắc, đậm chất Khmer được thể hiện đầy đủ và sinh động trong công trình này. Có thể nói, đây là một chỉnh thể nghệ thuật tổng hợp mà ở đó, các yếu tố kiến trúc, điêu khắc, hội họa, hoa văn trang trí được bố trí, sắp đặt một cách hài hòa, thể hiện sự kết tinh nghệ thuật truyền thống và trí tuệ sáng tạo của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Nằm trong khu đất có tổng diện tích 0,8ha, vị trí trung tâm là chính điện, xung quanh chính điện có 4 tháp góc, bên trái là ao sen, vườn tháp, nhà thiêu và bên phải là am thờ. Phía sau chính điện, bên phải là chùa nhỏ (sala) và nhà ghe ngo ở bên trái, tất cả đều được bố trí theo đúng phong cách kiến trúc Khmer truyền thống. Đặc biệt, ngôi chính điện, là nơi tập trung đầy đủ nhất tài năng và nghệ thuật xây dựng của nghệ nhân Khmer Nam Bộ với những quy tắc kiến trúc "bất di, bất dịch” từ xưa đến nay. Chính điện chùa Khmer nằm dọc theo hướng Đông - Tây, có mặt bằng hình chữ nhật được xây dựng theo tam cấp (3 cấp nền). Nghĩa là ngôi chùa lấy triết lý nhà Phật "làm chuẩn” để xây dựng, tam cấp đại diện cho Phật, Pháp, Tăng.
Xung quanh là hiên và hàng cột hiên tròn, mỗi cột đều gắn tượng thần Krud một nửa thân là chim, một nửa là tiên nữ trong tư thế đứng dang hai tay vươn lên đỡ mái. Dọc theo hành lang và trên nóc mái là tượng rắn Naga bảy đầu luôn nhìn lên, đó là biểu tượng của thần Naga vĩnh cửu.
Đảm nhiệm trọng trách xây dựng chùa là đội ngũ những nghệ nhân lành nghề người Khmer ở Sóc Trăng, trong đó "chỉ huy trưởng” là nghệ nhân Lý Lết. Theo ông, nét độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer là tuân thủ quy tắc "tâm tỏa”. Những quần thể kiến trúc thường bố trí theo phương pháp ngũ điểm, vì người Khmer quan niệm những gì lớn nhất, trân trọng nhất phải được đặt ở trung tâm. Vì thế, kích thước của vị trí trung tâm chính điện (Krư) là cơ sở để xác định quy mô cũng như kích thước các bộ phận khác của chùa. Đây là quy tắc căn bản nhất trong việc xây một ngôi chùa Khmer, đồng thời là dấu hiệu để phân biệt chùa Khmer với chùa của các dân tộc khác.
Phần hoạ tiết, điêu khắc cũng là một nét độc đáo, đặc sắc làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho chùa Khmer. Nóc trần và dọc theo 4 bức tường bên trong chính điện đều được vẽ các bức tranh như "Lễ hạ điền”, "Tì kheo Ni”, "Vích-sen-đo”... kể về cuộc đời của đức Phật từ lúc sinh ra đến khi Niết Bàn với những giá trị nhân văn cao đẹp và những triết lý sâu sắc, nhưng gần gũi với cuộc sống.
Món quà Đại đoàn kết
Đối với đồng bào Khmer Nam bộ, ngôi chùa có ý nghĩa lớn và sâu sắc. Chùa là nơi được người Khmer tôn thờ và kính trọng nhất, không chỉ bởi nó là bộ mặt của phum sóc, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng, mà còn là điểm tựa tinh thần, góp phần giáo dục, định hướng nhân cách mỗi người dân sống "tốt đời, đẹp đạo”, hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ của giáo lý Phật giáo Tiểu thừa. Chùa Khmer Việt Nam còn là sự hàm chứa triết lý sâu xa "văn dĩ tải đạo”, nói lêntình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của các dân tộc anh em.
Trong những ngày diễn ra Tuần lễ đại đoàn kết dân tộc- di sản văn hóa vừa qua, đông đảo người dân ở các địa phương phía Bắc đến Làng VHDL tham dự các hoạt động mừng Ngày di sản, đã đến chiêm ngưỡng, trầm trồ, thán phục những nét đặc trưng của kiến trúc chùa Khmer.
Nét mặt rạng ngời niềm vui, nghệ nhân Lý Lết chia sẻ: "Tôi đã tham gia làm rất nhiều công trình chùa Khmer Nam Bộ. Nhưng khi tôi đem được phần văn hoá của dân tộc mình ra Hà Nội, giới thiệu và giao lưu cùng các nền văn hoá phong phú của nhiều dân tộc trên đất nước mình, thực sự là một vinh dự lớn. Tôi nghĩ rằng đây chính là một món quà tôn vinh tinh thần đại đoàn kết các dân tộc.”
Chúng tôi gặp ở ngôi chùa Khmer mới khánh thành nhiều khách du lịch phương xa. Anh Nguyễn Trọng Huy (khoa Kiến trúc, Đại học Phương Đông) nhận xét: Có thể nói, ngôi chùa Khmer Nam Bộ là một tổng hòa các sắc thái riêng của người dân Khmer. Dù không thể sánh được về mặt quy mô, tính chất hoành tráng với các kiến trúc Phật giáo Ấn Độ hay các đền tháp của người Khmer Campuchia, nhưng chùa vẫn mang những giá trị nghệ thuật được gửi gắm trong hình khối kiến trúc. Tôi thực sự rất vui vì ở ngay Hà Nội cũng có thể được thưởng lãm một không gian kiến trúc đặc sắc của ngôi chùa Khmer Nam bộ”.