Cơ hội tăng trưởng thị trường tiếp thị ứng dụng di động
Tiềm năng thị trường ứng dụng tiếp thị số
Theo thống kê mới đây từ Appota (Đơn vị cung cấp các giải pháp và nền tảng cho ngành công nghiệp giải trí số tại Việt Nam) cho thấy Việt Nam có tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh lên tới 72%, cùng thói quen mua sắm và sử dụng dịch vụ trực tuyến tăng cao, đặc biệt trong và sau thời gian dịch bệnh Covid-19. Đáng chú ý, 72% tổng số lượt truy cập các trang thương mại điện tử xuất phát từ điện thoại thông minh và 53% các giao dịch mua hàng trực tuyến được thực hiện qua điện thoại.
Nhiều DN phát triển giải pháp số để tiếp cận khách hàng, ứng dụng tiếp thị trên điện thoại thông minh (ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, theo báo cáo từ Allied Market Research cũng cho thấy thị trường thanh toán qua di động tại Việt Nam có thể đạt 70,9 tỷ USD vào năm 2025, là một thị trường rất tiềm năng để khai thác nhiều dịch vụ tiếp thị số dựa trên lượng khách hàng lớn.
Như vậy, với xu hướng tiêu dùng trực tuyến tăng cao, cùng những thay đổi về chính sách trong tương lai hướng tới nền kinh tế không tiền mặt, các tổ chức tài chính, ngân hàng và DN cần chủ động phát triển giải pháp số toàn diện để tiếp cận, duy trì và mở rộng khách hàng trên môi trường số, đặc biệt thông qua ứng dụng tiếp thị trên điện thoại thông minh.
Ông Đỗ Hữu Hưng- Giám đốc Acesstrade Vietnam cho biết với các giải pháp tiếp thị số thu hút người tiêu dùng thật, có tác động lan truyền đã được nhiều DN số phát triển riêng cho ngành khối tài chính, ngân hàng và các DN có nhu cầu tăng trưởng khách hàng thông qua ứng dụng di động (app). Khi các DN cung cấp các giải pháp tiếp thị số sở hữu lợi thế hệ sinh thái độc quyền gồm nhiều thương hiệu dịch vụ tiện ích như thanh toán hoá đơn, thanh toán tiện ích, ăn uống, du lịch, xem phim, mua sắm, quà tặng, đổi thưởng... sẵn sàng tích hợp với nền tảng ứng dụng của mọi DN.
Giải quyết những nút thắt trên nền tảng ứng dụng tiếp thị số
Tuy đang có rất nhiều thuận lợi và cơ hội để đẩy mạnh dịch vụ trên nền tảng di động, các tổ chức, DN, đặc biệt là ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn khi tổ chức và điều hành còn phụ thuộc vào hệ thống chi nhánh, các sản phẩm ngân hàng chưa thực sự được thiết kế dựa trên nhu cầu của khách hàng về sự tiện lợi khi mua sắm, du lịch, giải trí, các tiện ích thanh toán hàng ngày và trải nghiệm của khách hàng cũng chưa được chú ý.
Ông Bùi Huy Dũng- Giám đốc kinh doanh Acesstrade Vietnam cho hay thực tế cho thấy nhiều DN đặc biệt là khối ngành ngân hàng tài chính đang có một số khó khăn cản trở trong hành trình phát triển ứng dụng ngân hàng số. Đáng chú ý nhất là việc tối ưu chi phí để tìm kiếm và giữ chân khách hàng mới. Việc này khá mất công sức và cả tiền bạc, lại cần đội ngũ nhân lực rất nhiều người. Vì thế, để phát triển ngân hàng số, ngành tài chính ngân hàng nói riêng và các DN có ứng dụng tiếp thị di động nói chung đòi hỏi một giải pháp thực sự mang lại hiệu quả cao. Và quan trọng là từng người dùng mới phải là thật 100% và chất lượng luôn ở mức cao nhất.
Bà Julie Nguyễn- Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh của Omega Media đưa ra lời khuyên để việc tiếp cận người dùng thông qua bên thứ ba thì việc sở hữu ứng dụng di động sẽ giúp DN sở hữu được dữ liệu người dùng. Người dùng mới khi đưa vào trong hệ thống ứng dụng. Điều này sẽ tạo ra lợi thế khi kết hợp với các công nghệ như AI, Big Data thì chúng ta có thể biết được những điều như hành vi khách hàng, họ đang quan tâm đến những gì trong từng giai đoạn... từ đó đưa ra những chương trình giữ chân khách hàng mà không tốn nhiều chi phí cho quảng cáo.