Cơ hội đầu tư bất động sản vùng lân cận TP. Hồ Chí Minh
Thông tin được các chuyên gia kinh tế, BĐS hàng đầu nhận định trong hội thảo “Cơ hội đầu tư bất động sản vùng lân cận TP. Hồ Chí Minh năm 2020”, diễn ra sáng 5/12, tại TP. Hồ Chí Minh.
Các chuyên gia kinh tế, bất động sản trao đổi về những thách thức, cơ hội đầu tư BĐS vùng lân cận TP. Hồ Chí Minh |
Từ năm 2018 đến nay, thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Có nhiều dự án nhà ở bị ách tắc do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, số liệu nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh kể từ năm 2017 đến hết tháng 9/2019 cho thấy, số lượng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, công nhận chủ đầu tư dự án, chấp thuận đầu tư dự án và cấp phép xây dựng dự án đều giảm dần qua các năm. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, chỉ có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, 12 dự án được chấp thuận đầu tư và không công nhận chủ đầu tư mới dự án nào.
Tại hội thảo, các nhà kinh tế tên tuổi, chuyên gia hàng đầu và các DN BĐS cùng thảo luận, chia sẻ các điểm nhấn và các yếu tố chính tác động đến xu hướng dịch chuyển đầu tư của các DN ra vùng lân cận TP. Hồ Chí Minh của thị trường BĐS phía Nam.
Hội thảo thu hút hơn 300 đại biểu là các chuyên gia kinh tế, bất động sản hàng đầu cùng các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn… tham dự |
Các chuyên gia cho rằng, trước sự khan hiếm của các dự án BĐS TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt thị trường sụt giảm rõ nét về cả nguồn cung lẫn số lượng giao dịch, khiến Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã trở thành những điểm đến thay thế được nhiều nhà đầu tư lựa chọn để phát triển dự án.
Thị trường BĐS vùng lân cận TP. Hồ Chí Minh không chỉ gói gọn trong phân khúc đất nền mà còn lan ra phân khúc căn hộ, nhà phố, biệt thự với quy mô lớn được quy hoạch bài bản. Thời gian qua, nhiều DN lớn tiên phong trong phát triển BĐS vùng phụ cận TP. Hồ Chí Minh như: Hưng Thịnh, Nam Long, Novaland, Trần Anh Group… Trong đó có những khu đô thị mới được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
Theo dự báo của ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc CBRE Việt Nam - các nhà đầu tư đang mở rộng phân khúc và vị trí địa lý. Với sự khan hiếm quỹ đất tại trung tâm, các nhà phát triển dự án đang tìm kiếm quỹ đất vùng rìa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Từ thực tế này, ông Kiệt dự báo các khu đô thị ở các quận ven trung tâm sẽ là nơi cung cấp nguồn cung chính trên thị trường BĐS năm 2020.
TS. Sử Ngọc Khương chuyên gia bất động sản chia sẻ tại hội thảo |
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam - cho rằng, dữ liệu hiện nay cho thấy thị trường sụt giảm nguồn cung so với năm 2018 vì rà soát thủ tục đất đai. Tuy nhiên, hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh nguồn cung đang có dấu hiệu trở lại, khi thủ tục pháp lý cần thiết đang có tín hiệu rất lạc quan. Chẳng hạn như việc công bố danh sách dự án được chấp thuận chủ trương và đưa ra thị trường vừa qua đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý Nhà nước.
Các chuyên gia cho rằng, hiện rất khó để đưa ra thời điểm cụ thể mà thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh hồi phục về nguồn cung. Nhưng nhìn trong cả vùng TP. Hồ Chí Minh hiện nay như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa -Vũng Tàu đang bổ trợ nguồn cung rất lớn cho thị trường vùng TP. Hồ Chí Minh.
Theo TS. Sử Ngọc Khương - chuyên gia BĐS, các thị trường vùng ven có quỹ đất rộng và giá cả thấp hơn, nhưng sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, người mua có nhu cầu ở. Đặc biệt, các địa phương lân cận TP. Hồ Chí minh như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai là nguồn cung chính cho thị trường BĐS phía Nam năm 2020.