Cơ hội cho doanh nghiệp Việt khai thác thị trường Halal
Quy mô thị trường Halal đang tăng nhanh chóng
Theo bà Trần Thị Thu Thìn – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng Hòa Mozambique kiêm nhiệm Madagascar, Seychelles, Mauritius và Comoros: Dân số hồi giáo năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ người, tương đương khoảng 25% dân số thế giới. Thời gian qua, dân số hồi giáo tăng trưởng ở mức trung bình 1,5%/năm, cao gấp đôi so với dân số phi hồi giáo với mức tăng trưởng 0,7%/năm, và dự kiến sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050.
Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm Halal đang tăng lên nhanh chóng. Ảnh: NH |
Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal đang có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả những người không theo đạo hồi do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Theo dự báo, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu sẽ đạt 10.000 tỷ USD vào năm 2028.
Trong đó, nếu chỉ tính riêng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường này giai đoạn 2024-2032 ước đạt 9,7%/năm. Năm 2022, quy mô của thị trường thực phẩm Halal đạt 2.355 tỷ USD; năm 2023 đạt 2.468 tỷ USD và dự báo tăng 2,5 lần, đạt 5.814 tỷ USD trước năm 2032.
“Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp các châu lục trên thế giới, từ các nước hồi giáo đến phi hồi giáo và có tiềm năng rất lớn nếu xét về quy mô và mức tăng dân số hồi giáo, mức tăng chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal, sự đa dạng về lĩnh vực và triển vọng tăng trưởng tương lai..." - bà Trần Thị Thu Thìn thông tin thêm.
Đặc biệt, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển ngành Halal, năm 2023, Bộ Ngoại giao đã trình và được Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Đề án đã đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện.
Việt Nam có cơ hội sản xuất và xuất khẩu phục vụ thị trường Halal. Ảnh: NH |
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Nhằm nắm bắt cơ hội từ các thị trường hồi giáo, ngày 22/10 vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị Halal toàn quốc với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhằm trao đổi các biện pháp phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam.
Cũng theo bà Trần Thị Thu Thìn, mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng vừa thực hiện chuyến thăm tới 3 nước khu vực Trung Đông là UAE, Saudi Arabia và Qatar, chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng đến khu vực sau 15 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE.
Theo đó, UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, mở cánh cửa lớn cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường UAE, từ đó thâm nhập các nước khu vực vùng Vịnh, Trung Đông – Bắc Phi.
Việt Nam với Saudi Arabia và Qatar cũng nhất trí thúc đẩy sớm nâng quan hệ lên tầm cao mới trong thời gian tới, thúc đẩy Việt Nam tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng khác ở khu vực, góp phần huy động những nguồn lực mới phát triển đất nước.
Đại sứ Việt Nam tại Mozambique, bà Trần Thị Thu Thìn cũng cho biết: Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự quan tâm của các địa phương, sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may... và là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Việt Nam cũng có quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia hồi giáo lớn trên thế giới.
Để xâm nhập vào thị trường Halal các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến chứng chỉ Halal. Ảnh: NH |
Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội và thâm nhập sâu vào thị trường Halal, bà Trần Thị Thu Thìn cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến chứng chỉ Halal, các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến tiêu chuẩn Halal để xây dựng quy trình và dây chuyền sản xuất phù hợp. Cùng với đó, liên hệ các Trung tâm chứng nhận Halal uy tín (đã đăng ký và được công nhận bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời được công nhận quốc tế rộng rãi) để đăng ký cấp chứng chỉ Halal.
“Việc xin chứng chỉ Halal tại Trung tâm được công nhận rộng rãi về phạm vi quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu được sang nhiều thị trường Halal khác nhau” – bà Trần Thị Thu Thìn khẳng định và cho rằng: Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin, thị hiếu, phong tục, tập quán kinh doanh của các nước khu vực Trung Đông – châu Phi.
Về phía các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và châu Phi, bà Trần Thị Thu Thìn cho rằng, sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ trong việc tìm hiểu thông tin và thẩm định thông tin đối tác, nhằm tránh các vụ lừa đảo và gian lận thương mại xảy ra với doanh nghiệp Việt trong quá trình doanh nghiệp. Cùng với đó, sẽ hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, sự kiện quảng bá sản phẩm tại các nước khu vực Trung Đông – châu Phi, đặc biệt là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE…
Halal là một thuật ngữ trong tiếng Ả-rập có nghĩa là “được phép” hoặc “hợp pháp” theo luật hồi giáo. Hàng hóa muốn xuất khẩu được vào các nước này yêu cầu phải có Giấy chứng nhận Halal để bảo đảm đáp ứng các Tiêu chuẩn Halal, là một hệ thống các quy định và tiêu chuẩn nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ tuân thủ các nguyên tắc của luật hồi giáo. |