Cô gái Nùng đăng quang Hoa hậu các dân tộc Việt Nam
Từ trái qua: Á hậu 2 Sơn Thị Du Ra, Hoa hậu Triệu Thị Hà và Á hậu 1 Phạm Thị Thanh Tuyền. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.
- Triệu Thị Hà sinh năm 1992, cao 1,69 m, nặng 52,5 kg, số đo hình thể: 82-63-88. Người đẹp là sinh viên Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên. Đoạt danh hiệu cao nhất cuộc thi, cô nhận được giải thưởng tiền mặt là 100 triệu đồng cùng nhiều tặng phẩm có giá trị khác.
|
Triệu Thị Hà trong khoảnh khắc đăng quang. Ban tổ chức cho biết, sẽ có một kế hoạch cụ thể để huấn luyện các kỹ năng cho hoa hậu có cơ hội tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế trong thời gian cô giữ vương miện. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Trong đêm chung kết diễn ra tối 10/12 tại Nhà hát Hòa Bình TP HCM, khi lọt vào top 6, phần thi ứng xử với câu hỏi chung dành cho cả 6 thí sinh là: "Nếu được giới thiệu về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, các bạn sẽ giới thiệu điều gì?". Trong thời gian một phút để trả lời, Triệu Thị Hà khiến mọi người bất ngờ vì mở đầu bằng cách hát một làn điệu dân ca đặc trưng của người dân tộc Nùng: Điệu nàng ới. Gói ghém bản sắc quê hương qua điệu hát, cô chia sẻ, làn điệu dân ca này là niềm tự hào của mảnh đất Cao Bằng. "Nếu các bạn có dịp đến quê hương tôi và thưởng thức, lắng nghe những làn điệu dân ca, các bạn sẽ không bao giờ quên", cô nói. Phần ứng xử tự tin, giàu cảm xúc của cô nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả.
Trước đêm chung kết, ở phần thi tài năng, Triệu Thị Hà gây được ấn tượng khi ôm cây đàn tính đặc trưng của dân tộc Nùng thể hiện những ngón đàn uyển chuyển và Điệu nàng ới ngọt ngào. Trong các phần thi trang phục truyền thống ở vòng bán kết, chung kết, cô gái Nùng có làn da trắng mịn màng, khuôn mặt tròn phúc hậu này thật sự nổi bật với bộ trang phục truyền thống dân tộc Nùng kết hợp chiếc áo dài cách điệu. Bộ
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Chủ tịch hội đồng giám khảo đêm chung kết, đã dành lời khen tặng Triệu Thị Hà bởi phần thi ứng xử sáng tạo và thể hiện kiến thức tốt về quê hương. Nhận xét về tân hoa hậu, bà Đoàn Thị Kim Hồng, trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, từ những ngày đầu Triệu Thị Hà tham dự cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần hai, cô gái dân tộc Nùng đã thu hút cảm tình của nhiều người bởi vẻ chân chất, hiền lành. "Nhà ở Cao Bằng, đi học ở Thái Nguyên, Triệu Thị Hà cho biết em đạp xe đi học đến trường mỗi ngày. Hoàn cảnh gia đình Hà cũng không mấy khá giả, tôi hy vọng số tiền thưởng có được từ cuộc thi sẽ giúp em thật nhiều trong cuộc sống và học tập", bà Kim Hồng nói.
|
Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần một (2007) Nguyễn Thị Hoàng Nhung (trái) chúc mừng tân hoa hậu Triệu Thị Hà. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Sau khoảnh khắc đăng quang, chia sẻ với VnExpress.net, Triệu Thị Hà không giấu được sự ngỡ ngàng và xúc động. Cô cho biết không bao giờ nghĩ mình có thể đoạt giải cao nhất nên ở phần thi ứng xử, cô chỉ tự nhiên bật ra những gì suy nghĩ trong đầu mình. Người đẹp chia sẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên để đến với cuộc thi, cô phải nỗ lực nhiều. Cô muốn chiến thắng của mình là món quà để tặng gia đình, bạn bè - những người đã ủng hộ cô suốt quá trình tham gia cuộc thi. Triệu Thị Hà bày tỏ, cô không có ý định bước vào làng nghệ thuật mà chỉ muốn tập trung hoàn tất việc học cũng như tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của một hoa hậu.
Danh hiệu Á hậu 1 cuộc thi thuộc về người đẹp Phạm Thị Thanh Tuyền, sinh năm 1991, dân tộc Kinh, đến từ thành phố Hải Phòng. Cô hiện là sinh viên Cao đẳng cộng đồng Hải Phòng. Người đẹp dân tộc Khmer Sơn Thị Du Ra đoạt danh hiệu Á hậu 2. Cô sinh năm 1990, đến từ Trà Vinh và là sinh viên năm 2 khoa du lịch lữ hành Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn.
Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần hai diễn ra từ ngày 26/11 đến 10/12. Trong đêm thi cuối và lễ đăng quang 10/12, 60 thí sinh ở vòng này đã mở màn chương trình đầy màu sắc với phần trình diễn trang phục dân tộc. Phần thi này còn được tô đậm ý nghĩa khi ban tổ chức cho chiếu những clip để các cô gái đến từ 19 dân tộc anh em chia sẻ về trang phục đặc trưng của quê hương mình. Những người đẹp Kinh, Ba Na, Gié Triêng, Mạ, Nùng, Kơ Ho, Sán Chay, La Chí, Lô Lô, Ê Đê, M'Nông... đã giúp khán giả hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của từng bộ trang phục. Các cô gái dân tộc chiếm cảm tình của khán giả khi tâm sự, các bộ váy họ mang đến cuộc thi còn gửi gắm tình cảm của ông bà, cha mẹ qua từng đường nét hoa văn, từng chất liệu vải. Bởi đó là do người bà, người chị thêu, dệt nên, không thể mua ở các tiệm may.
Sau phần thi trang phục dân tộc, ca sĩ Thu Minh xuất hiện trên sân khấu thể hiện bài hát Đường cong để làm nền cho 60 người đẹp bước vào phần trình diễn trang phục áo tắm. Ở phần này, so với các lần trình diễn ở vòng ngoài, các thí sinh đã tự tin hơn, bước đi mạnh mẽ hơn để khoe vóc dáng và nét thanh xuân. Top 15 thí sinh được chọn ra sau đó để bước vào phần trình diễn trang phục dạ hội nhằm chọn ra top 6.
Top 6 thí sinh của phần ứng xử gồm có: Đặng Thị Thùy Dung (Bình Định, dân tộc Kinh), Sơn Thị Du Ra (Trà Vinh, dân tộc Khmer), Triệu Thị Hà (Cao Bằng, dân tộc Nùng), Phạm Thị Thanh Tuyền (Hải Phòng, dân tộc Kinh), Phạm Thị Minh Nguyệt (TP HCM, dân tộc Kinh) và H'Ăng Niê (Đăk Lăk, dân tộc Ê Đê).
Người đẹp trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất: Lê Thị Như Quỳnh, dân tộc Mường. Người có thể hình đẹp nhất: H'Ăng Niê, dân tộc Ê Đê. Người có gương mặt đẹp nhất: Nguyễn Thị Thu Hà, dân tộc Kinh. Người có làn da đẹp nhất: Mai Hà Ngân, dân tộc Tày. Người đẹp Tài năng nhất: Nguyễn Phạm Ly Sang, dân tộc Kinh. Người đẹp có giọng hát hay nhất: KRă Jăn Loen, dân tộc Cơ Ho. Người đẹp Áo Dài: Hà Thị Minh Thu, dân tộc Thái. Người đẹp Du lịch: Huỳnh Thị Ngọc Hân, dân tộc Kinh. Người có mái tóc đẹp nhất: H'Ngăc Byă, dân tộc Ê Đê. Người có nụ cười đẹp nhất: Trương Thị Hải Vân, dân tộc Ba Na. Người đẹp TP HCM: Phạm Thị Minh Nguyệt, dân tộc Kinh. Người đẹp thân thiện: Đặng Thị Thùy Dung, dân tộc Kinh. |
Theo Vnexpress