Cổ đông Nhà nước và những nỗi niềm
Đại hội đồng cổ đông của Traphaco |
Trong khi, phần nhiều số vốn này được các cơ quan bộ ngành, địa phương quản lý, chỉ có số ít còn lại, khoảng 3-5% tổng số vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp, là do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Chính vì vậy, những vấn đề của cổ đông Nhà nước hiện không chỉ của riêng SCIC, mà còn của rất nhiều cơ quan khác. Không phân biệt Từ năm 2015, Luật Doanh nghiệp với sự thay đổi cơ bản về vai trò của cổ đông đã giúp phân định rõ ràng hơn định nghĩa về cổ đông Nhà nước và vai trò của cổ đông đặc biệt này trong công ty cổ phần. Về mặt pháp lý, cổ đông Nhà nước không có sự phân biệt với các cổ đông khác, nhất là tại doanh nghiệp đang thực hiện quản trị công ty tiên tiến thì việc thúc đẩy sự bình đẳng giữa các các cổ đông càng phải nhanh hơn và đặc biệt là bảo vệ các cổ đông nhỏ lẻ. Theo thống kê mới nhất, hiện số lượng doanh nghiệp mà SCIC đang nắm giữ gần 200 doanh nghiệp. Trong số đó, có những doanh nghiệp mà SCIC nắm giữ cổ phần chi phối, nhưng cũng có những doanh nghiệp mà tỷ lệ nắm giữ cổ phần của SCIC thấp, dưới 30%. Để tiếp tục quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, hiện tại, tổ chức này đang tiếp tục rà soát xem xét tổng thể. Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định rằng, bất kỳ trường hợp nào mà SCIC còn vốn ở đó thì vẫn phải đảm bảo quyền lợi cổ đông Nhà nước, đồng hành cùng doanh nghiệp để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất, tuân thủ các quy định của pháp luật. Tôn chỉ mục đích hành động của SCIC không vượt qua các mục tiêu, tiêu chí mà SCIC đã đề ra. “SCIC áp dụng nguyên tắc thị trường tối đa chứ không hành chính”, Chủ tịch SCIC nêu quan điểm. Là cổ đông, không phải quản lý Nhà nước Traphaco là doanh nghiệp cổ phần hóa sớm nhất của ngành dược với vốn chủ sở hữu ban đầu 9,9 tỷ đồng. Đến năm 2006, vốn Nhà nước đã được chuyển về SCIC quản lý. Đến nay, Traphaco đã đứng vị trí số một trong ngành đông dược với giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán ở mức hơn 4.000 tỷ đồng, tăng đến 400 lần trong 16 năm, trong đó không thể không nhắc đến sự đóng góp của cổ đông Nhà nước. “Phải nói rằng SCIC có nhiều đổi mới, do vai trò, nhiệm vụ được Nhà nước giao rõ ràng, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, cách nhìn của Nhà nước với vai trò đại diện vốn tại các công ty, tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều cái mở ra cho sự đóng góp của Nhà nước tại doanh nghiệp”, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Traphaco đánh giá. Với một cơ cấu cổ đông khá đa dạng: cổ đông Nhà nước (SCIC- nắm 35,67%), cổ đông nước ngoài (quỹ Mekong Capital nắm 24,99%, quỹ Việt Nam Holdings năm 10,43%) và các cổ đông nhỏ lẻ, mối quan hệ tương tác giữa cổ đông Nhà nước với các cổ đông khác tại Traphaco rất được chú ý. “Cổ đông Nhà nước cũng giống như các cổ đông tổ chức muốn quyền lợi của mình phát triển. SCIC cũng đặt ra nhiệm vụ là không chỉ phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mà còn định hướng đầu tư nữa. Chính vì vậy, trong 5 năm qua, qua hoạt động M&A của Traphaco, chúng tôi đã có 6 công ty con”, bà Thuận cho biết. Cũng như Traphaco, hơn 10 năm qua, SCIC nhận tiếp quản phần vốn của Nhà nước tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) và tiến hành từng bước cơ cấu tổ chức quản lý công ty, trên cơ sở thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cổ đông theo quy định. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện hệ thống thể chế nội bộ nhằm góp phần đổi mới và nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp cũng được triển khai thông qua người đại diện của SCIC tại SGC. Những thay đổi này đã mang lại kết quả tốt. Từ năm 2007 đến nay, SGC hoạt động kinh doanh ổn định và hiệu quả tương đối cao với ROA, ROE bình quân cả giai đoạn 2007 - 2015 lần lượt là 16% và 20%/năm. Toàn bộ giá trị lợi nhuận công ty tạo ra trong các năm đều được phân phối hết, chủ yếu là cổ tức trong giai đoạn 2007 - 2015 là 210% mệnh giá. Khó “ngồi mát ăn bát vàng” Tuy nhiên, phải đảm bảo hài hòa giữa một bên là bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước với bên kia là tạo mọi điều kiện để nâng cao giá trị doanh nghiệp, qua đó nâng cao giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, không phải lúc nào SCIC cũng “thuận buồm xuôi gió” để làm tròn vai cổ đông năng động, và càng khó để “ngồi mát ăn bát vàng”, thu về cổ tức từ doanh nghiệp. Không êm ả như Traphaco và Sa Giang, tại nhiều doanh nghiệp nơi luôn xảy ra mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm cổ đông, sự hiện diện của cổ đông SCIC không phải lúc nào cũng được chào đón. Trường hợp của Công ty Cổ phần Giày Đông Anh là một ví dụ. Hơn 7 năm SCIC tiếp nhận vốn từ Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) và trở thành cổ đông lớn tại đây, cũng là 7 năm cổ đông Nhà nước - thông qua người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông Nhà nước tại doanh nghiệp. Từ chỗ cổ đông Nhà nước bị gạt ra khỏi doanh nghiệp trong suốt 7 năm, bằng nhiều biện pháp, kể cả đưa ra tòa án, SCIC đã khôi phục được quyền cổ đông tại DAFCO, sau đó ổn định tình hình hoạt động rồi thoái vốn thành công với giá bán gấp gần 4 lần giá khởi điểm. Hiện nay, DAFCO đang hoạt động kinh doanh ổn định, đảm bảo cuộc sống của người lao động và không còn tình trạng khiếu kiện. Cơ chế linh hoạt Theo Luật Doanh nghiệp, các cổ đông đều có quyền và nghĩa vụ như nhau, không có sự phân biệt. Nhưng thực tiễn, cổ đông Nhà nước thông qua người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có nhiều hơn một số trách nhiệm, vì vậy cần có một cơ chế linh hoạt và hiệu quả. Lãnh đạo SCIC cho biết, là cổ đông Nhà nước nên phải cân nhắc và tham gia vào các quyết định của doanh nghiệp (kể cả các quyết định kinh doanh, nhân sự) để bảo đảm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhưng không để rủi ro ảnh hưởng đến việc bảo toàn và phát triển phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, SCIC phải tận dụng tối đa quyền mà cổ đông Nhà nước có được như quyền phủ quyết, để có điều kiện tốt hơn trong việc bảo vệ lợi ích Nhà nước. “Tất nhiên, SCIC không bao giờ sử dụng quyền này nếu các đề xuất của doanh nghiệp thực sự tốt cho doanh nghiệp và cho các cổ đông”, một lãnh đạo SCIC nói. “Là cổ đông Nhà nước đôi khi tự mình phải có trách nhiệm. Ví dụ khi SCIC thực hiện tái cơ cấu danh mục, bán vốn tại doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, nếu là nhà đầu tư bình thường sẽ hướng đến mục tiêu lợi nhuận của mình. Nhưng với SCIC, bài toán hiệu quả phải được đặt trong tổng thể phát triển doanh nghiệp. Chúng tôi phải thoái vốn thế nào để sau khi không còn là cổ đông nữa, doanh nghiệp vẫn phát triển, đồng thời đảm bảo hiệu quả phần vốn Nhà nước khi bán”, lãnh đạo SCIC cho biết. Khảo sát những doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong đó Nhà nước vẫn còn là cổ đông, đa số cho biết họ hài lòng về SCIC hơn so với trước đây, khi người đại diện vốn Nhà nước là các cơ quan quản lý trong bộ máy hành chính. So sánh giữa một bên là tư duy quản lý doanh nghiệp ở các bộ chủ quản là an toàn, bảo toàn được vốn Nhà nước, với một bên là tư duy quản lý ở SCIC là hiệu quả, rõ ràng doanh nghiệp ủng hộ cơ chế hiệu quả hơn. Theo một số chuyên gia, cơ chế cổ đông là một tổ chức kinh tế như SCIC tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong điều hành, nhất là trong việc soát xét các báo cáo tài chính, đưa các chuẩn mực quản trị tiên tiến vào doanh nghiệp và khả năng sẵn sàng tham gia tăng vốn khi doanh nghiệp có phương án tăng vốn hiệu quả. Tuy nhiên, tiếc là trên thực tế không phải doanh nghiệp cổ phần hóa nào thuộc đối tượng chuyển giao phần vốn Nhà nước về SCIC cũng được chuyển giao theo đúng quy định và lộ trình.