Chuyện khởi nghiệp
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. Hà Nội Nguyễn Văn Tứ và Đại diện Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp (VIISA) - Trương Gia Bình ký kết hợp tác giữa Vườn ươm TP. Hà Nội và Quỹ VIISA |
Vượt khó để thành công
Monkey Junior - một trong những chương trình dạy tiếng Anh dành cho thiếu nhi của Đào Xuân Hoàng đã có số lượng cài đặt lên tới hơn 700.000 lượt tại trên 100 quốc gia là một ví dụ khởi nghiệp thành công.
Monkey Junior đã trở thành 1 trong 15 dự án startup lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Sáng kiến toàn cầu (GIST Tech - I 2016) tổ chức tại thung lũng Silicon (Mỹ) năm 2016 dưới sự chủ trì của Tổng thống Barack Obama. CEO Đào Xuân Hoàng chia sẻ: Để khởi nghiệp và thành công như ngày hôm nay, tôi đã “đốt” 10 tỷ đồng và phải rao… bán nhà.
Bùi Thành Công - CEO của Vocab - khởi nghiệp với ứng dụng mạng xã hội học từ vựng đa ngôn ngữ đầu tiên ở Việt Nam, cũng là một ví dụ startup đầy thú vị. Để nuôi Vocab - giấc mơ về một doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ công nghệ, công ty vẫn làm các việc khác liên quan đến công nghệ, kỹ thuật số, phần mềm.
Bên cạnh đó, năm 2016, một vài thương vụ đình đám trong việc đầu tư cho các startup cũng đã được ghi nhận. Đó là startup Việt chuyên đặt phòng khách sạn trực tuyến Vntrip.vn với 3 triệu USD từ các quỹ đầu tư ngoại. Doanh nghiệp được Quỹ F&H của John Wu định giá gần 300 tỷ đồng. Ðồng sáng lập và điều hành Vntrip là Lê Ðắc Lâm - một CEO trẻ thuộc thế hệ 8X và John Wu - nhà đầu tư, đồng thời là trụ cột công nghệ của Alibaba trong gần 10 năm qua...
Trước đó, quỹ đầu tư vào các startup Việt Nam của Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cũng rót vốn vào Công ty Cổ phần dịch vụ thực phẩm sạch Hellonam - công ty phân phối thực phẩm tới người tiêu dùng qua hệ thống kênh bán hàng online với định hướng kinh doanh từ nông trại đến bàn ăn.
Tổng giá trị của Hellonam được định giá 4 triệu USD. Lý do để SSIAM quyết định rót vốn vào Hellonam ngoài việc có định hướng rõ ràng và chiến lược riêng, Hellomam được quản trị khá chuyên nghiệp với hệ thống KPIs (chỉ số đo lường về hiệu suất) đầy đủ để theo sát các vấn đề bất thường và theo dõi/thống kê nhu cầu khách hàng…
Tạo cơ hội cho startup
Phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp 2016 – 2021” vào tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chưa bao giờ Chính phủ tạo nhiều cơ hội cho khởi nghiệp như hiện nay. Giá trị khởi nghiệp không chỉ thành công về tài chính mà còn ở những hoạt động đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp.
Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp 2016 – 2021” được triển khai nhằm tạo lập môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ, cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp; từng bước đáp ứng nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp của thanh niên; huy động nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất phù hợp quy định của pháp luật, kết hợp nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ khởi nghiệp.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng (giữa) tại lễ khai mạc Diễn đàn Thúc đẩy phong trào sáng tạo 2016 (tháng 11/2016) |
Tại Diễn đàn Thúc đẩy phong trào sáng tạo 2016 (tháng 11/2016), ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - nhấn mạnh: Hoạt động khởi nghiệp gắn liền với con người và mạng lưới mà họ tạo nên nhằm hỗ trợ các ý tưởng phát triển. Càng gặp nhiều người, tôi càng cảm thấy bị thuyết phục rằng sáng tạo có vai trò quyết định đối với tương lai của Việt Nam.
Thời gian qua, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã hỗ trợ tài chính cho các phong trào sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam, đồng thời giúp thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án sáng tạo và khởi nghiệp tại đây. Hoa Kỳ rất sẵn sàng cùng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ các bạn trẻ Việt Nam trong quá trình khởi nghiệp.
Về thành công của các startup, bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam - cho rằng, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm nhất định của các quỹ đầu tư quốc tế trong vấn đề khởi nghiệp. “Với sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian qua, chúng tôi tin rằng, sẽ sớm có các cơ chế mới hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp và tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển hơn”- bà Meirav Eilon Shahar nói .
Ngoài đam mê, khát vọng và động lực là điều kiện cần song chưa đủ để khởi nghiệp kinh doanh. Kỷ luật và quyết tâm là những yếu tố bảo đảm để các doanh nhân đi theo và phát triển ý tưởng kinh doanh, bất luận quá trình này suôn sẻ hay phải đối mặt với nhiều trở ngại. |