Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “TP. Hồ Chí Minh - Long An: Kết nối phát triển”, do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ địa ốc Saigon Times tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, ngày 25/7.
Hội thảo nhằm nhìn lại những tiềm năng của khu vực phía Tây TP. Hồ Chí Minh, mà trọng điểm là kết nối TP. Hồ Chí Minh - Long An, tìm kiếm thêm các giải pháp phát triển cho khu vực này.
Hiện nay TP. Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển chủ yếu ở hai hướng chính là khu Đông và khu Nam. Trong khi đó, hướng phía Tây kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL trù phú cũng mang một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp TP. Hồ Chí Minh nói riêng và vùng TP. Hồ Chí Minh nói chung nâng cao sức mạnh kinh tế - xã hội.
Mặt khác, Long An có quỹ đất còn tương đối lớn, sẽ phù hợp phát triển những đô thị vệ tinh phục vụ chiến lược giãn dân ra ngoại ô của TP. Hồ Chí Minh. Việc phát triển và kết nối hạ tầng TP. Hồ Chí Minh với Long An sẽ giúp cho thị trường bất động sản tại đây có thêm động lực tăng trưởng, mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư.
Các đại biểu và diễn giả tại hội thảo |
Ông Nguyễn Thiềm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh cho biết, Long An có khu vực 1 (đô thị) chiếm 17%, khu vực 2 chiếm 48%, còn khu vực 3 chiếm 35%.
Hiện toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 13.500ha. Trong đó, 16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 68% và 14 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khoảng gần 90%.
Về nghiên cứu quy hoạch từ thời mở cửa năm 1980 tới nay, các nhà nghiên cứu đã có rất nhiều đề án mở rộng phát triển khu vực quanh TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, khu vực phía Bắc thì Bình Dương đã kết nối thành công, phía Nam có sự kết nối với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng phía Tây - khu vực ĐBSCL, trong đó giáp ranh là Long An thì chưa có nghiên cứu nào.
Ông Thiềm cho rằng, nguyên nhân giữa Long An và TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa có đề xuất, nghiên cứu nào quy hoạch liên kết là do điều kiện tự nhiên của tỉnh Long An, đặc biệt là khu vực Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức có nhiều hạn chế cho phát triển bất động sản như: nền đất thấp, nhiều sông rạch - tạo ra không gian đẹp nhưng trong đầu tư thì phải san lấp nên giá thành cao. Chưa kể, khu vực này địa chất công trình yếu; nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn và phèn, khó lấy cho cấp nước. Hiện tại Long An phải lấy nước từ rất xa (hồ Dầu Tiếng).
Thêm vào đó, phần lớn đất đai được canh tác lúa nước, do vậy lấy đất để phát triển bất động sản rất khó khăn.
Ngoài ra, các huyện ngoại thành TP. Hồ Chí Minh giáp ranh Long An vẫn còn nhiều vấn đề trong quy hoạch như nằm xa các đầu mối hạ tầng của vùng, các trục giao thông chính, chưa có nhiều dự án hạ tầng phát triển nên việc kết nối rất khó khăn…
Hội thảo thu hút rất đông người tham dự |
Bà Đặng Thị Thúy Hà - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An - cho biết: Thời gian gần đây, đầu tư vào tỉnh Long An đã bắt đầu khởi sắc, thời cơ phát triển đã đến và tỉnh sẵn sàn chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Những năm gần đây, Long An đã ghi nhận chỉ số CPI cao, tăng thu ngân sách. Đây cũng là tỉnh có mức tăng trưởng đầu khu vực ĐBSCL. Đây là thành quả của việc tiếp nhận nhiều dự án, trong đó đặc biệt là thị trường bất động sản bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, vấn đề phát triển hiện nay cũng còn một số hạn chế như việc tăng dân số cơ học chưa cao trong khi nhu cầu càng ngày càng lớn về nhân lực, đặc biệt trong đó có đối tượng công nhân.
Thị trường bất động sản cũng có những vấn đề tiêu cực trong quá trình phát triển, hiện nay trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều khu dân cư nhỏ lẻ, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch phát triển chung của tỉnh và các dự án.
Ông Bùi Hoàng An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay cứ 5 năm tăng 1 triệu người - trong đó hơn 90% là dân cư từ các tỉnh thành khác, và họ đóng góp rất lớn trong việc phát triển thành phố. Do vậy việc phát triển giao thông, kết nối với các tỉnh khác là rất quan trọng.
Hiện nay TP. Hồ Chí Minh đã có rất nhiều dự án phát triển đô thị vành đai. Tuy nhiên, việc mở rộng vành đai 1, vành đai 2 gặp nhiều rắc rối về pháp lý quản lý đất. Hiện nay việc thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Sử Ngọc Khương - chuyên gia Tài chính đầu tư - cho rằng: Bình Dương và Đồng Nai đã đi trước lâu. Long An mất 30 năm mới được xác định là khu vực trọng điểm phía Nam. Phát triển Long An phụ thuộc vào chính sách địa phương và các nhà phát triển bất động sản.
Tuy nhiên, là địa phương đi sau, Long An không thể giống TP. Hồ Chí Minh là xây nhà chung cư lên bán rồi thôi mà phải đầu tư các dịch vụ, tiện ích đi kèm. Trong khi đó, nhà đầu tư phải nhìn vào tốc độ gia tăng sản phẩm.
“Long An phải chọn quy hoạch là thành phố công nghiệp hay dịch vụ hay logistics? Không thể chạy đua với Bình Dương hay Đồng Nai. Đây là bài toán của Long An. Điều này phụ thuộc cái nhìn và ý chí chính trị để giải bài toán về cả ĐBSCL chứ không chỉ đơn thuần là bài toán về bất động sản Long An” – ông Khương nhấn mạnh.
Theo bà Đặng Thị Thúy Hà, hiện tỉnh Long An đã có giao cho Sở Xây dựng làm quy hoạch đề án triển khai công trình trọng điểm là trục động lực Long An - Tiền Giang - TP. Hồ Chí Minh nhằm kết nối, phát triển Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc và các huyện khác.
“Sự quyết tâm đưa dự án vào chương trình trọng điểm thì đương nhiên là có, nhưng trong quá trình thực hiện có nhiều thay đổi. Trong đó, huyện Cần Đuốc, Cần Giuộc đang phát triển theo hướng công nghiệp và dân cư còn huyện Châu Thành, Tân Trụ vẫn còn thiên về nông nghiệp”, bà Hà nói.
Cũng theo bà Hà, bởi sự ngăn cách về giao thông nên hai huyện phía dưới còn có hạn chế về sự phát triển, do đó trục động lực này sẽ giúp kết nối giao thông cho các huyện lên thành phố đồng thời làm giảm tải giao thông cho quốc lộ 1A.
“Về quy hoạch phát triển thì đề án đang trong giai đoạn nghiên cứu, tất nhiên chúng tôi sẽ đề xuất những phù hợp khu vực kêu gọi đầu tư công nghiệp hay phát triển nông nghiệp. Những khu vực này đang được trao đổi và thoả thuận” - bà Hà nhấn mạnh.