Chuyển đổi xanh để du lịch Việt Nam phát triển bền vững
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mọi sự thay đổi của xã hội, của tự nhiên đều tác động đến du lịch. Ở Việt Nam tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch.
Diễn đàn “Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Ảnh: HQ |
Tại Diễn đàn “Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững” tổ chức ngày 12/4, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch chủ động vận động các doanh nghiệp du lịch cả nước, thực hiện chuyển đổi xanh để chung tay bảo vệ mội trường, đảm bảo phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế xanh trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ xanh và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo hướng chuyển đổi xanh để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả.
Thời gian qua, nhằm thực hiện mục tiêu xanh hoá của ngành du lịch, nhiều điểm đến trong nước đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Ông Nguyễn Hải Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, hơn 10 năm trước, Quảng Ninh đã xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đưa du lịch - ngành công nghiệp “không khói” phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt là hiện nay, trước thách thức của biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19, khi những xu hướng du lịch thay đổi, du lịch Quảng Ninh đã nhanh chóng thích ứng và phục hồi, nỗ lực “xanh hóa” các hoạt động du lịch phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Hai Hà, Quảng Ninh cũng kiên trì nhất quán thực hiện chủ trương, phát triển du lịch bền vững và bao trùm; nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu cấp thiết, xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch của tỉnh. Trong đó, Cô Tô là một điển hình tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh trong việc gìn giữ môi trường, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững.
Những ngày cao điểm mùa du lịch, ông Nguyễn Hai Hà cho biết, huyện Cô Tô phải thu gom 20 đến 30 tấn rác thải. Trong đó, riêng lượng rác thải nhựa chiếm khoảng trên 1-2 tấn/ngày. Từ tháng 9/2023 huyện Cô Tô áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon về đồ nhựa dùng một lần ra đảo. Đến thời điểm hiện tại đã có 5/5 công ty du lịch trên địa bàn huyện Cô Tô đăng ký và tổ chức các tour du lịch xanh, các cơ sở lưu trú đang thực hiện không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Xu hướng du lịch xanh, chất lượng, bảo đảm sức khỏe đang được đề cao và trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách. Ảnh: TTXVN |
Đánh giá cao việc nhiều địa phương tại Việt Nam đã bắt đầu quá trình xanh hóa du lịch bằng cách giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần từ nhiều năm nay như phố cổ Hội An (Quảng Nam) và huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), thể hiện cam kết mạnh về quản lý môi trường. Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam – ông Patrick Haverman cho rằng, Việt Nam vẫn còn có nhiều việc phải làm để tăng cường hiệu quả công tác quản lý điểm đến du lịch.
"Bởi quản lý điểm đến là quá trình cần có sự vào cuộc và dẫn dắt bởi các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương, để tiếng nói và quan điểm của các thành phần quan trọng này được lắng nghe, phản ánh trong các giải pháp quản lý du lịch của mỗi địa phương"- ông Patrick Haverman chỉ rõ.
Theo đó, ông Patrick Haverman khuyến nghị, quá trình chuyển đổi xanh du lịch Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề: Quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Tiến sỹ Võ Trí Thành cũng cho rằng, hiện nay, trước những biến động khó lường của khí hậu, dịch bệnh, du khách cần xanh nên du lịch phải xanh. Hơn nữa, chuyển đổi xanh, du lịch xanh là câu chuyện của cạnh tranh quốc gia, gắn với các hệ sinh thái.
“Trước kia, chúng ta nhìn du lịch là con người, là cái tôi đi du lịch; là trải nghiệm, khám phá, thụ hưởng dịch vụ. Đến nay, 90% khách du lịch muốn đóng góp cho cộng đồng, cho văn hóa cộng đồng khi đi du lịch. Đây là sự thay đổi rất lớn của cộng đồng đối với xã hội” - ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh thêm, trong quá trình chuyển đổi xanh du lịch cũng có nhiều thách thức. Việt Nam cần sự hỗ trợ của quốc tế trong lĩnh vực này, trong đó Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) có vai trò quan trọng.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ông Hà Văn Siêu nhận định, xu hướng du lịch xanh, chất lượng, bảo đảm sức khỏe đang được đề cao và trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách. Thế nhưng, xanh ở đây không phải là việc phủ sóng màu sắc mà là quá trình xanh hóa trong tư duy, thói quen, nếp sống, ứng xử và hành động để các cá nhân và tập thể hình thành văn hóa xanh. "Chỉ khi nhận thức rõ điều này, ngành du lịch mới có những điểm đến xanh, sản phẩm xanh và dịch vụ xanh"- ông Hà Văn Siêu nói.