Chuyển đổi số ở PC Quảng Ninh: Thành công từ những người “truyền lửa”.
Phát huy vai trò con người
Với mục tiêu chuyển đổi số toàn diện vào năm 2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như của tỉnh Quảng Ninh, để đạt mục tiêu này, Ban lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Ninh xác định, muốn chuyển đổi số thành công trước hết phải bắt đầu từ con người.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số, do vậy để làm nhanh và có bước đột phá, PC Quảng Ninh xác định tất cả người lao động trong công ty phải cùng vào cuộc.
Để làm được điều đó thì người lãnh đạo mà trực tiếp là những người đứng đầu công ty, đứng đầu các bộ phận cũng phải bỏ nhiều công sức trực tiếp rà soát các phòng ban, chuyên môn, đơn vị để từ đó có giải pháp, kế hoạch triển khai cho phù hợp.
Ông Phạm Đình Chấn - Phó Giám đốc PC Quảng Ninh - cho biết: Chúng ta đang đứng trước sự thay đổi, đồng nghĩa với việc chúng ta phải loại bỏ hoàn toàn cách làm cũ, bước ra khỏi vùng an toàn, để đón nhận cách thức làm việc mới là điều không dễ chấp nhận đặc biệt là ở những người lao động lớn tuổi.
“Tuy nhiên nhờ tính tuân thủ cao, nên hầu hết người lao động trong Công ty đều tự giác thực hiện, chủ động khắc phục khó khăn, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Có những cán bộ công nhân viên còn đưa ra được các ý tưởng sáng tạo, cách làm tốt hơn để áp dụng trong quá trình lao động sản xuất. Chính những người lao động, trưởng các bộ phận là những người “truyền lửa” truyền sự nhiệt huyết, sự tận tâm và trách nhiệm đối với công việc được giao”, ông Chấn chia sẻ.
Hiện đã có 19/19 TBA 110KV của PC Quảng Ninh kết nối với Trung tâm Điều khiển xa |
Cũng theo ông Phạm Đình Chấn, để có được sự thay đổi đó là nhờ một phần của văn hóa doanh nghiệp - văn hóa EVNNPC, và một trong những yếu tố rất quan trọng là việc phát huy các giá trị cốt lõi của văn hóa EVN, EVNNPC là đồng lòng cùng lãnh đạo Tổng công ty về tinh thần, tư duy, chiến lược… sự tận tâm, trách nhiệm, sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động đã giúp PC Quảng Ninh đạt được nhiều thành công trong chuyển đổi số.
Thành công từ chuyển đổi số:
Nhờ chuẩn bị tốt về con người, nên khi thực hiện chuyển đổi số theo nhiệm vụ mà Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giao, Ban lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Ninh đã xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu cần được ưu tiên đó là: Công tác số hóa dữ liệu; Số hóa quy trình nghiệp vụ; Tương tác trên không gian số; Áp dụng công nghệ mới, tự động hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Xây dựng hạ tầng đảm bảo chuyển đổi số; An toàn thông tin; Đào tạo; Truyền thông.
Xác định rõ các mục tiêu và nhiệm vụ trên, trong năm 2021 và 2022, PC Quảng Ninh đã và đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực như: Tài chính kế toán, kinh doanh, kỹ thuật, quản lý đầu tư xây dựng, công nghệ thông tin...
Cũng theo ông Phạm Đình Chấn cho biết, đến nay đối với lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, công tác số hóa hợp đồng mua bán điện của Quảng Ninh đã đạt tỷ lệ 100%. Đồng thời Công ty cũng hoàn thành việc chuẩn hóa thông tin khách hàng trên hệ thống phần mềm quản lý khách hàng CMIS.
“Bên cạnh đó, tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 85,75%; Tỷ lệ cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử thực hiện 99,99%; Tỷ lệ cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 thực hiện 100%; Tỷ lệ cung cấp dịch vụ điện qua cổng dịch vụ công quốc gia 88.14%”, ông Chấn khẳng định.
Thông tin khách hàng đã được chuẩn hóa trên hệ thống phần mềm quản lý khách hàng CMIS |
Hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng, tính đến 31/10/2022 tổng số công tơ trên lưới là: 452.158 công tơ. Trong đó: Công tơ điện tử: 347.521 công tơ chiếm 76,86% tổng số công tơ trên lưới; Công tơ cơ khí: 104.637 công tơ chiếm tỷ lệ 23,14 % tổng số công tơ trên lưới.
Theo đó, tất cả các công tơ sẽ được thay thế bằng công tơ điện tử có gắn modun kết nối với thiết bị đọc chỉ số tự động hoàn toàn (ARM) theo công nghệ RF-DCU hoặc PLC-DCU. Hàng tháng đến kỳ ghi chỉ số, sản lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng được cập nhật trực tiếp trên hệ thống máy chủ của ngành điện, đảm bảo chính xác, giảm sai sót và tăng năng suất lao động.
Ngoài ra, khách hàng cũng có thể tra cứu trực tiếp số sản lượng điện đã dùng trong tháng, khi các dữ liệu trên được kết nối và cập nhật lên trang Web của Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền Bắc.
Ngoài ra trong lĩnh vực kỹ thuật vận hành, Công ty cũng đã xây dựng và cải tạo 19/19 TBA 110KV thành TBA không người trực, triển khai các chương trình quản lý lưới điện trên bản đồ GIS, PMIS cũng như phần mềm quản lý máy biến áp…
Ông Đào Quang Vũ - Trưởng Trung tâm Điều khiển xa, PC Quảng Ninh - cho biết: Với việc 19/19 TBA 110kV đã được kết nối và điều khiển tại Trung tâm điều khiển xa đã giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu thời gian thao tác, xử lý sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho Công ty.
Đặc biệt, trước đặc thù địa hình của tỉnh Quảng Ninh vừa có hải đảo, biên giới, miền núi, vừa có đồng bằng như một Việt Nam thu nhỏ; Để tạo thuận lợi trong công tác quản lý vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, Ban lãnh đạo Công ty đã xác định ưu tiên cải tạo kết nối các máy cắt Recloser, LBS, RMU trên lưới điện trung áp tại các khu vực cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng, các khu vực khó khăn về giao thông, địa hình như: hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa về Trung tâm Điều khiển xa trước.
“Đến nay đã có 270 máy cắt Recloser, LBS, RMU được kết nối và điều khiển tại Trung tâm Điều khiển xa, còn 80 máy cắt nữa dự kiến trong năm 2023 Công ty sẽ hoàn thành công tác cải tạo, nâng cấp và kết nối với Trung tâm Điều khiển xa”, ông Vũ cho biết thêm.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và quản trị nội bộ, PC Quảng Ninh cũng đã hoàn thành 100% số lượng các gói thầu thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi được tổ chức đấu thầu qua mạng; 100% dữ liệu thực hiện của nhà thầu được đánh giá, chấm điểm và chia sẻ trong toàn EVN; 100% áp dụng chữ ký số trong công tác quản lý dự án; 100% các loại hợp đồng cũng như các hồ sơ trong quá trình đấu thầu đều được lưu trữ điện tử trên phần mềm quản lý đầu tư của Tập đoàn (IMIS); 100% cán bộ lãnh đạo được cấp chữ ký số và được áp dụng trong các ứng dụng quản lý nội bộ. Thực hiện ký số 100% văn bản nội bộ, văn bản đi và được áp dụng trong các ứng dụng quản lý nội bộ, giao dịch nội bộ trong toàn đơn vị… Cùng với đó là hơn 10 quy trình nghiệm vụ đã được số hóa.
Không chỉ dừng lại ở đó, đến nay cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Công ty đã và đang được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Theo đó, Công ty đang đầu tư thi công hạ tầng mạng cáp quang và thiết bị hoạt động động theo tiêu chí 1+1 online cho 19 trạm biến áp 110kV; Đầu tư, trang bị các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và khai thác ứng dụng số hóa; Đầu tư lắp đặt các hệ thống giám sát sự cố đối với hệ thống mạng vận hành lưới điện OT và hệ thống mạng phục vụ sản xuất kinh doanh IT…
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong chuyển đổi số, tuy nhiên thời gian tới khó khăn trước mắt của PC Quảng Ninh còn nhiều, trong đó quan trọng nhất đó là làm sao để sớm đồng bộ tất cả các hệ thống trên lưới điện, có như vậy công tác chuyển đổi số mới có thể thành công.
Bởi theo ông Đào Quang Vũ, lưới điện của tỉnh Quảng Ninh kéo dài, nhiều thiết bị khác nhau chưa đồng bộ, nên Quảng Ninh rất cần đầu tư các TBA 110 kV để phân tải nhằm hỗ trợ các trạm để tránh quá tải, đảm bảo lưới điện vận hành ổn định, an toàn.
Năm 2022, với chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, công tác chuyển đổi số toàn diện các lĩnh vực đang được diễn ra mạnh mẽ trong toàn ngành Điện, thông qua việc triển khai các ứng dụng dựa vào trí tuệ nhân tạo, giúp cải thiện đáng kể về năng suất, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. PC Quảng Ninh đang quyết liệt chuyển đổi số các lĩnh vực để tạo ra lợi ích kinh tế và môi trường làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh cũng như của EVN, EVNNPC trở thành địa phương số, doanh nghiệp số vào năm 2025 |
.