TS. Hoàng Việt Hồng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Viện máy và Dụng cụ công nghiệp (Viện IMI) - cho biết, từ một viện nghiên cứu cơ khí có quy mô nhỏ, Viện IMI đã chuyển đổi thành công để trở thành một doanh nghiệp KH&CN với tiềm lực mạnh, hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Nghiên cứu khoa học và đào tạo tại Viện IMI |
“Có thể nói, tự chủ tài chính đã cho phép Viện xây dựng được một cơ chế hoạt động rõ ràng, minh bạch; nguyên tắc làm việc thống nhất; có cơ chế khuyến khích động viên các nhà khoa học đổi mới sáng tạo” - TS. Hoàng Việt Hồng nhấn mạnh.
Việc tự chủ hoàn toàn và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cũng giúp Viện chủ động trong việc nghiên cứu, bám sát nhu cầu thị trường và chiến lược đầu tư của nhà nước, chủ động xác định các nhiệm vụ KH&CN phù hợp. “Hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN đã cho phép Viện IMI mạnh dạn tiếp cận các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, chủ động hơn trong việc hoạch định chiến lược phát triển KH&CN” - TS. Hoàng Việt Hồng nói.
Nhờ vậy, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Viện đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công và chuyển giao công nghệ vào sản xuất công nghiệp hơn 100 sản phẩm cơ - điện tử, điển hình như các nhóm sản phẩm trong lĩnh vực máy công cụ, điều khiển CNC (máy phay, máy tiện, máy cắt kim loại tấm, máy hàn lồng thép…).
Hay trong ngành xây dựng và giao thông vận tải với các trạm trộn bê tông xi măng, bê tông đầm lăn RCC, bê tông nhựa nóng…; chế biến nông sản, thực phẩm với các loại máy phân loại quang - cơ điện tử, máy sấy vi sóng… Viện đã và đang nghiên cứu và phát triển cơ điện tử trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp công nghệ cao cũng như đón đầu xu thế phát triển KH&CN trong kỷ nguyên mới.
Thông qua các hợp đồng cung cấp thiết bị gắn với chuyển giao công nghệ, các sản phẩm cơ điện tử của Viện IMI đã thay thế nhập ngoại phục vụ tốt cho nhu cầu trong nước và một số sản phẩm công nghệ đã được xuất khẩu. Đặc biệt, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tốt như đem lại doanh thu trung bình 500 tỷ đồng mỗi năm cho Viện IMI và các đơn vị thành viên; tiết kiệm ngoại tệ trung bình 5-7 triệu USD/năm.
“Việc sản xuất theo đơn đặt hàng thông qua các hợp đồng kinh tế đã giúp Viện kiểm soát được hiệu quả kinh tế và xác định được thị phần trên thị trường. Sản phẩm được đặt hàng chủ yếu là kết quả của các công trình nghiên cứu và phát triển công nghệ có hàm lượng công nghệ cao với giá trị từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng/sản phẩm” - TS. Hoàng Việt Hồng chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN còn cho phép Viện chủ động phát triển các hoạt động trong lĩnh vực hợp tác quốc tế. Hiện nay, Viện có quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều đối tác lớn trên thế giới ở cả 3 lĩnh vực: Nghiên cứu, đào tạo và sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, nhờ tự chủ tài chính, Viện đã hình thành được Quỹ KH&CN với tổng giá trị 6,58 tỷ đồng, cho phép chủ động xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu cấp Viện. Theo đó, trong năm 2020 - 2021, Viện đã triển khai 4 nhiệm vụ KH&CN, góp phần nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật, đồng thời tạo dựng được hướng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ra nước ngoài.