Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tại Bình Định: Hiệu quả, thực chất
Trong đó, thương mại điện tử sẽ giúp đặc sản Bình Ðịnh đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Chất lượng sản phẩm được nâng cao
Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021, toàn tỉnh có 136 tổ chức kinh tế (chủ thể) tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, 114 tổ chức kinh tế (chủ thể) với 133 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao và 113 sản phẩm 3 sao).
Hoạt động kết nối cung - cầu đem lại hiệu quả cao |
Thời gian qua, Bình Định là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP, tạo động lực để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh và quảng bá thương hiệu đặc sản Bình Ðịnh. Chương trình OCOP là một giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế ở địa phương. Thông qua Chương trình OCOP, các sản phẩm đã có nhiều chuyển biến về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất; thị trường bán sản phẩm cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước.
Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu có trên 30 sản phẩm mới được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và khoảng 20 sản phẩm được công nhận 5 sao cấp trung ương. Để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối cung - cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Bình Định”, bao gồm “Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Bình Định năm 2022”và “Hội nghị Tập huấn kết nối thương mại điện tử với doanh nghiệp Bình Định và các tỉnh miền Trung 2022” trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh, thành phố tại Bình Định từ ngày 24/6 - 3/7. Hội chợ diễn ra với quy mô khoảng 400 gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của đoàn doanh nghiệp đến từ gần 30 tỉnh, thành phố lân cận.
Tăng cường kết nối
Ông Nguyễn Đình Kha - Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Định - cho hay, tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử là một xu thế tất yếu hiện nay. Cùng với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến qua sàn thương mại điện tử giúp các hộ nông dân giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước, hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị đối tác tổ chức chương trình kết nối thương mại điện tử và các hoạt động phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm Việt. Đây là cơ hội cho nông sản đặc trưng, tiêu biểu của Việt Nam nói chung và Bình Định tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và thương hiệu.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền khuyến nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân bên cạnh nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương, cần chủ động "chào hàng” trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước. Đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường trong thời đại kinh tế số hiện nay.