Chứng khoán hôm nay ngày 9/11: Nhận định thị trường và phân tích cổ phiếu PAN
Áp lực bán vẫn chưa dừng?
Các công ty chứng khoán đã đưa ra những phân tích, nhận định về những khả năng chỉ số VN-Index có thể xảy ra trong phiên giao dịch ngày 9/11 để các nhà đầu tư tham khảo trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, chỉ số VN-Index hồi phục trở lại cuối phiên sau khi kiểm định ngưỡng thấp nhất là mốc 962 điểm mang một chút tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, trong nội tại thị trường chỉ một số ít cổ phiếu vẫn tỏ ra vững vàng đặc biệt là nhóm ngành ngân hàng trong khi nhiều nhóm ngành khác chịu sức ép bán mạnh như nhóm bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng...
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp và số lượng cổ phiếu giảm vẫn nhỉnh hơn so với tương quan của số cổ phiếu tăng giá chưa tạo tâm lý yên tâm về sự cân bằng giữa cung và cầu. Số lượng cổ phiếu tăng trần khi kết thúc phiên khá ít cũng cho thấy lực cầu mua chưa đủ mạnh và có sự quyết liệt.
TVSI cho rằng, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu rõ dàng của việc tạo đáy nhưng tạo ra một chút hy vọng. Diễn biến thị trường trong phiên ngày 9/11 vẫn khá bấp bênh khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn có sự biến động mạnh trong khi tâm lý hiện rất dễ dao động.
Theo quan điểm của Công ty chứng khoán Asean (Aseansc), thị trường sẽ tiếp tục có quán tính tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 9/11. Aseansc dự báo chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 985 – 990 điểm và xa hơn là vùng kháng cự 995 – 1.000 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
Dưới góc nhìn của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC), thị trường có thể tiếp tục nhịp hồi phục trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể tăng về mức 1.000 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho nên thị trường có thể chỉ xuất hiên các nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn và có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp hồi do lực cầu giá cao đang có dấu hiệu cải thiện.
Đồ thị giá của chỉ số VN-Index có dấu hiệu hình thành mô hình đảo chiều tăng giá "Head and Shoulder Bottom", nhưng điều kiện cần để xác nhận mô hình này là chỉ số VN-Index cần vượt được mức kháng cự 1.024 điểm.
"Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và chờ điểm xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn cũng nên hạn chế mua mới ở giai đoạn này", FSC khuyến nghị.
Nhận định về cổ phiếu PAN
Công ty cổ phần chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã cập nhật kết quả kinh doanh Quý 3/2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN) và đưa ra những phân tích những triển vọng của cổ phiếu PAN.
KBSV cho biết vừa tham gia sự kiện Analyst Meeting quý 3/2022 của PAN và ghi nhận thông tin về Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022, cũng như những triển vọng của doanh nghiệp này trong thời gian tới.
KBSV cho rằng PAN có thể sớm hoàn thành kế hoạch của năm 2022 |
Theo KBSV, doanh thu thuần hợp nhất trong Quý 3 của PAN đạt 3,586 tỷ đồng (+40% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 142 tỷ đồng (+94% YoY). Như vậy, PAN đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu và 71% kế hoạch lợi nhuận sau thuế với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế luỹ kế 9T2022 đạt lần lượt 9,756 tỷ đồng (+52%) và 539 tỷ đồng (+133%).
Kết quả kinh doanh trong Quý 3 của công ty này chủ yếu được đóng góp từ các công ty thành viên khi VFG tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao kể từ sau khi ký kết hợp tác với Syngenta; mảng kinh doanh bánh kẹo của Bibica (BBC) hồi phục mạnh mẽ, doanh thu gấp 3 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, mảng tôm xuất khẩu ghi nhận lợi nhuận tăng 40% YoY do vẫn tận dụng được những hợp đồng giá cao đã ký từ đầu năm.
Cơ cấu doanh thu của PAN có sự chuyển dịch khi mảng nông nghiệp (có biên lợi nhuận cao) chiếm tỷ trọng lớn nhất. Do vậy, biên lợi nhuận gộp 3Q2022 cải thiện lên mức 18.9%, tăng mạnh từ mức 15.9% cùng kỳ và khôi phục lại gần mức trước khi có dịch Covid-19.
Theo KBSV, ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn đón mùa vụ cao điểm, thuỷ sản còn nhiều thách thức trong Quý 4.
Đáng chú ý, doanh thu giống cây trồng và gạo của PAN giảm 24.2% trong Quý 3 do ảnh hưởng các yếu tố biến đổi khí hậu khiến mùa vụ kinh doanh của Vinaseed lùi từ tháng 9 sang tháng 10 và sự cố nhà máy Vinarice làm gián đoạn sản lượng Quý 3. Hiện sự cố nhà máy đã được khắc phục và hoạt động trở lại từ tháng 9.
Mặc dù doanh thu giảm đáng kể, song biên lợi nhuận gộp của PAN chỉ giảm hơn 9% do cơ cấu mảng giống cây trồng (có biên lợi nhuận cao) vẫn duy trì đóng góp 70% doanh thu của Vinaseed. Ban lãnh đạo PAN đánh giá những khó khăn trong Quý 3 chỉ mang tính chất tạm thời, Vinaseed sẽ sớm hoàn thành kế hoạch năm 2022 do chuẩn bị bước vào mùa vụ cao điểm trong quý 4.
Lĩnh vực khử trùng & thuốc bảo vệ thực vật của VFG trong Quý 3 ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 84% YoY, động lực chủ yếu đến từ hệ thống phân phối của Syngenta. Cũng trong quý này, VFG đã trả hết công nợ nhập khẩu hàng tồn kho của Syngenta, qua đó giúp công ty tránh được biến động của tỷ giá, đồng thời hưởng được mức chiết khẩu thanh toán (hơn 6%) của đối tác.
Mảng tôm xuất khẩu 9T2022 doanh thu tăng trưởng 19.6% YoY, riêng trong Quý 3 chỉ tăng 7.8% YoY, phản ánh khó khăn của thị trường khi cầu tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát cao. Dù vậy, lợi nhuận Quý 3 tăng trưởng mạnh mẽ 25.4% YoY do: FMC vẫn tận dụng được những hợp đồng giá cao ký kết từ đầu năm nay; FMC sử dụng nguồn nguyên liệu tại vùng nuôi (15% sản lượng tôm đầu vào) với chi phí nuôi thấp, hiệu quả hơn so với thu mua bên ngoài. Mảng kinh doanh cá tra tăng trưởng gấp đôi, hưởng lợi từ việc các sản phẩm thay thế (cá minh thái, cá rô phi) đang hạn chế nguồn cung.
Triển vọng ngắn hạn Q4/2022, PAN hoàn thành kế hoạch kinh doanh sau 3 quý cao hơn đáng kể so với các năm trước. Do đó, KBSV cho rằng đơn vị này có thể sớm hoàn thành kế hoạch của năm 2022 dù Quý 4 sẽ phải đối mặt với một số thách thức.
PAN tận dụng mùa cao điểm kinh doanh quý 4, mảng nông nghiệp và bánh kẹo kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch, riêng mảng khử trùng nông nghiệp có thể vượt kế hoạch 20%. Các sản phẩm như cà phê, nước mắm có tỷ trọng đóng góp vào doanh thu chưa nhiều nhưng hiện vẫn duy trì tốc độ bán hàng ổn định, tăng trưởng tốt.
Một số tác nhân có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của PAN trong thời gian tới như mùa lễ hội cuối năm sẽ thúc đẩy xuất khẩu thuỷ sản, bù đắp cho những khó khăn khi cầu tiêu dùng tại các thị trường suy giảm bởi lạm phát. Mảng hạt dinh dưỡng sẽ gặp thêm trở ngại nếu thị trường Trung Quốc, Hong Kong tiếp tục duy trì chính sách Zero-Covid.