Chủ tịch TH True Milk chia sẻ về quyết định làm sữa
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH True Milk |
Tại hội nghị doanh nhân nữ ASEAN ngày 10/12, một nữ doanh nhân nước ngoài đã hỏi bà Thái Hương rằng đâu là cơ hội, khó khăn, thách thức mà TH True Milk phải đối mặt khi bước vào hội nhập?
Bà Thái Hương đã có những chia sẻ về nghề, về ghế nóng khi lãnh đạo là nữ.
“Tôi nghĩ khi người phụ nữ đứng trên cương vị là doanh nhân thì phải làm hai nhiệm vụ rất nặng nề là nhiệm vụ gia đình và sự nghiệp. Do đó sự cân bằng là thách thức đối với doanh nhân nữ. Khi phụ nữ gánh trên vai trò doanh nhân rồi thì so với xã hội họ là những người nổi bật và có tư duy tốt”, bà Hương nói.
Cũng theo bà Thái Hương, khi đã nói là doanh nhân thì không nên phân biệt nam hay nữ. Bởi khi sản phẩm ra đời không ai nói đây là sản phẩm của doanh nhân nam hay nữ để mà ưu tiên hơn.
“Doanh nhân nữ cần xác định tất cả là chất lượng và sản phẩm. Và công bằng trong thương mại ở đây chính là sự minh bạch. Minh bạch về thị trường, tiêu chí sản phẩm để không bị thị trường chối bỏ. Muốn thực hiện điều đấy, doanh nhân nữ là người có ưu thế hơn vì mang trái tim của người mẹ, mang tính nhân văn vô cùng lớn và sản phẩm mang tính nhân văn thì bao giờ cũng hướng tới sức khỏe và sự bền vững”, bà Thái Hương chia sẻ.
Kể lại câu chuyện của chính mình, bà Hương cho biết: “Năm 2008, thị trường sữa Việt Nam nhập khẩu đến 92% sữa bột và chủ yếu từ Trung Quốc. Nhưng lúc đó thị trường Trung Quốc xuất hiện Melamin làm hàng triệu quả thận trẻ em chảy máu. Là một người mẹ, quá đau lòng khi nghe thông tin này, ngay lập tức tôi đã nghĩ ngày mai phải làm sữa”.
“Ngay sáng hôm sau tôi đã triệu tập hội đồng quản trị. Tôi đã tìm đến những người sản xuất, kinh doanh sữa tốt nhất. Tôi đã mời chuyên gia Israel - đất nước có kinh nghiệm, công nghệ cao”, bà Hương nói.
Bà Hương khẳng định, khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội của TH True Milk là vô cùng lớn. Bởi bà tin tưởng một sản phẩm mang trên mình sứ mệnh là sức khỏe cộng đồng thì bất cứ ở đâu trên thế giới đều có chỗ đứng.
Chia sẻ với các nữ doanh nhân, bà Hương cho biết, tập đoàn đang vận hành dự án 1,2 tỷ USD, giai đoạn 1 là 500 triệu USD và 400.000 con bò sữa, ứng dụng hoàn toàn bằng công nghệ cao.
Thị trường của TH vẫn chủ yếu trong nước vì Việt Nam đang phải nhập khẩu 70 các % sản phẩm sữa.
Tuy nhiên, hiện nay tập đoàn đã có kế hoạch sản xuất sữa tại Nga và cung cấp cho thị trường này. Đồng thời TH True Milk cũng sẽ hướng đến thị trường ASEAN vì nhiều nước như Myanmal, Indonesia…vẫn đang chủ yếu dùng sữa bột.
“Tôi không phân biệt khách hàng cao cấp hay thứ cấp mà hướng đến cung cấp những sản phẩm tươi, sạch cho khách hàng”, bà Hương chia sẻ.
Cũng thông qua đó, bà muốn gửi đến các nữ doanh nhân thông điệp hướng về hiệu quả chất lượng sản phẩm. Trong khối ASEAN và cộng đồng thế giới nói chung thì hai chữ minh bạch cực kỳ quan trọng. Đó là minh bạch chất lượng sản phẩm, hàng rào kỹ thuật mà quốc gia nào cũng phải hướng tới.
Nói về thách thức mà TH True Milk phải đối mặt, bà Thái Hương cho biết, đó là thách thức ngay trong nội địa.
“Thách thức nhất là người Việt Nam rất sính ngoại, lúc nào cũng nghĩ hàng ngoại tốt hơn do đó cần phải minh bạch trong tiêu chí sản phẩm, hàng rào kỹ thuật”, bà Hương nói.
Tuy nhiên, bà Hương cho biết, thách thức đấy giúp bà mạnh mẽ hơn, đến gần người tiêu dùng hơn để nói cho người tiêu dùng biết thế nào là sản phẩm tốt về sữa.
“Tôi đã từng có thông điệp rất mạnh mẽ rằng khi mình kinh doanh, khi phụ nữ là doanh nhân thành công sẽ có cơ hội rất lớn. Từ sáng đến giờ nhiều người đã nói đến khó khăn nhưng tôi thấy phụ nữ đã vượt được mọi khó khăn để làm doanh nhân rồi thì họ có rất nhiều có hội, họ biết được gia đình mình cần gì, nếu mình làm tốt nhất thì sản phẩm ấy sẽ sống mãi với thời gian và đồng thời trong bối cảnh hiện nay, ai nắm công nghệ thì người đó làm chủ thế giới. Nếu biết dựa trên khoa học công nghệ của thế giới, xây dựng giá trị cốt lõi cho sản phẩm thì sẽ phát triển bền vững”, bà Hương nói.
Kết thúc những chia sẻ, bà Thái Hương chúc các doanh nhân nữ có nhiều ước mơ và bà cũng chia sẻ về ước mơ của bà là trở thành nhà tư vấn và cung cấp sản phẩm, thực phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chủ đề của hội nghị lần này là “Doanh nhân nữ ASEAN và nền kinh tế mới của khu vực: Sẵn sàng hành động”. Tại đây, các doanh nhân nữ đến từ các nước đã có cơ hội chia sẻ về những kinh nghiệm thành công, cũng như những khó khăn, cơ hội, thách thức, tác động của Cộng đồng kinh tế ASEAN tới các doanh nghiệp. Các đại biểu cho biết, hiện nay những doanh nghiệp do doanh nhân nữ lãnh đạo chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thông tin, tài chính, thậm chí bị đối xử thiếu công bằng….