Thứ hai 23/12/2024 14:04

Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng quốc gia lưu trữ, xã hội lưu trữ

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, ngày 18/9, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ

Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như: Chưa kịp thời thể chế hoá các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề của thực tiễn chưa được Luật Lưu trữ năm 2011 quy định hoặc đã được quy định nhưng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện như: Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, hoạt động lưu trữ tư và quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Như vậy, việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật gồm 9 chương, 54 điều (tăng 2 chương 12 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; quy định về lưu trữ tài liệu điện tử; quy định về hoạt động lưu trữ tư; quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay, thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ sự khác biệt về quy trình tạo lập “tài liệu lưu trữ điện tử” và “tài liệu lưu trữ số” để áp dụng thống nhất.

Đồng thời, để có cơ chế bảo đảm thực hiện quy định “Cơ quan nhà nước ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,… quản lý và vận hành Kho lưu trữ số để lưu trữ cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ thuộc thẩm quyền quản lý” (khoản 3 Điều 34), đề nghị làm rõ và quy định bổ sung việc các cơ quan, đơn vị trực thuộc được sử dụng dịch vụ lưu trữ để số hóa tài liệu lưu trữ; điều kiện, trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật trong quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu về tài liệu lưu trữ.

Về vấn đề này, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc, giao một cơ quan đầu mối (như Bộ Thông tin và Truyền thông) hướng dẫn việc số hóa tài liệu lưu trữ, xây dựng Kho lưu trữ chung cho cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương bảo đảm việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và thuận tiện trong việc phân quyền quản lý, vận hành, trao đổi, chia sẻ cơ sở dữ liệu lưu trữ.

Về việc quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đối chiếu với quy định của Luật Đầu tư thì 04 hoạt động dịch vụ lưu trữ quy định tại Điều 43 của dự thảo Luật đều thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (việc quy định phải có chứng chỉ hành nghề lưu trữ thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh), nhưng dự thảo Luật chỉ quy định “Hoạt động kinh doanh dịch vụ kho lưu trữ số thuộc ngành nghề kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư” (khoản 4 Điều 44) là chưa đầy đủ.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định sửa đổi Phụ lục IV của Luật Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ lưu trữ; đồng thời, bổ sung quy định cụ thể hoặc giao Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kho lưu trữ số để bảo đảm đồng bộ với Luật Đầu tư.

Bên cạnh đó, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không quy định việc cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ vì không thật sự cần thiết, tạo thêm rào cản, điều kiện kinh doanh; đồng thời, không khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các dịch vụ lưu trữ nhằm góp phần lưu giữ các thông tin, tài liệu có giá trị trong xã hội nói chung.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu lưu trữ số

Góp ý vào một số nội dung Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật để quán triệt và thế chế hóa Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, công dân số, xã hội số…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Đồng thời, tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các dự án Luật trong lĩnh vực này như Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (về việc giải mật bí mật lưu trữ còn nhiều vướng mắc, lúng túng…); tiếp tục rà soát Luật Tiếp cận thông tin, tài liệu lưu trữ, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng về lưu trữ điện tử, Luật Đầu tư, Luật Phí, lệ phí về hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Bên cạnh đó, cần rà soát tính đồng bộ, thống nhất các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt, Việt Nam là thành viên của một số tổ chức lưu trữ quốc tế như Hội đồng lưu trữ quốc tế, Hiệp hội Lưu trữ các nước có sử dụng tiếng Pháp…

Về đối tượng áp dụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với vấn đề khu vực công, khu vực tư, cá nhân, tổ chức kinh doanh cung cấp hoạt động lưu trữ được đề cập đậm nét trong dự án Luật.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn quy định tại khoản 2 Điều 2 về sở hữu tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và lo ngại bị thu hẹp đối tượng áp dụng, phạm vi so với mục đích chúng ta đặt ra, nhất là định hướng xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ… Do đó, đề nghị cân nhắc nên bỏ cụm từ “sở hữu tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt” tại khoản 2 Điều 2.

Về bố cục, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để cấu trúc lại các điều, các chương cho hợp lý, phù hợp hơn. Đồng thời, đề nghị tiếp tục cân nhắc “phát huy tài liệu lưu trữ” thành một chương riêng hay không? Nếu tách thành chương riêng thì đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ lí do tại sao đặt thành chương riêng và thứ tự sắp xếp nên đặt trước hay sau chương về nghiệp vụ lưu trữ. Bên cạnh đó, đề nghị nên quy định chính sách của Nhà nước về lưu trữ tư.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát các chương các điều chưa thống nhất trong dự thảo Luật, càng cụ thể hóa các nội dung càng tốt, tránh quy định chồng chéo. Đồng thời rà soát, xem xét quy định về tài liệu lưu trữ lịch sử; tài liệu điện tử và tài liệu số, về điều khoản chuyển tiếp và áp dụng luật pháp.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ một số nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ, toàn diện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đặc biệt, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở các vấn đề rất hay, đó là làm sao để xây dựng xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ. Muốn được vậy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, phải thúc đẩy, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

Cho rằng đây là luật chuyên ngành, tính bao trùm rộng, đặc thù, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, là tài nguyên quý giá của quốc gia, dân tộc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ sẽ tiếp thu để hoàn thiện làm sao đảm bảo các nguyên tắc cơ bản nhất trong bối cảnh xu thể toàn cầu hóa, yêu cầu chuyển đổi số.

Việc sửa đổi toàn diện Luật này phải vừa kế thừa, bổ sung, đổi mới, vừa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan, không xung đột, mâu thuẫn, đẩy mạnh chuyển đổi số, lưu trữ số, chú ý hơn xã hội hóa lưu trữ và lưu trữ ở khu vực tư...

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Chủ tịch Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng chúc mừng Giáng sinh 2024 tại Giáo xứ Lào Cai

Chống lãng phí cũng phải quyết liệt, đồng bộ như chống tham nhũng

Khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

Cơ hội lớn cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người

Thủ tướng: Đà Nẵng 'đi trước mở đường' trong định hướng xây dựng quốc gia thương mại tự do

Thủ tướng chủ trì phiên họp về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025

Thủ tướng: Cần tạo đột phá về ngoại giao kinh tế

Tổng kiểm kê tài sản công, không để xảy ra tình trạng chậm, muộn

Việt Nam - Singapore: Hướng tới nâng cấp khuôn khổ quan hệ song phương