Chủ tịch Quốc hội: Cần tìm giải pháp mới giải quyết những vấn đề đã cũ
Chậm giải ngân - "căn bệnh" thâm niên
Tại phiên họp tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé - đoàn Kiên Giang bày tỏ lo lắng với vấn đề giải ngân vốn đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước vì đây là vấn đề “đã nói nhiều tại các kỳ họp trước nhưng Chính phủ chưa có giải pháp để tạo chuyển biến tích cực”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng ngày 25/5 |
Theo đại biểu đoàn Kiên Giang, từ khi Quốc hội bấm nút thông qua kế hoạch đầu tư công cho tới lúc triển khai đến địa phương phải mất mấy tháng nên việc chậm giải ngân là đương nhiên. Do đó, đề nghị Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo để phân bổ nguồn vốn kịp thời để các địa phương thực hiện.
Dẫn ngay gói kích thích phục hồi kinh tếlên tới 347.000 tỉ đồng được Quốc hội thông qua từ đầu năm 2022 nhưng việc triển khai tới nay rất chậm. “Địa phương rất lo và lãnh đạo địa phương phản ánh nếu không triển khai sớm sẽ không kịp. Vì thời gian thực hiện gói hỗ trợ này chỉ đến năm 2023. Hiện nay, địa phương rất tâm tư, lo cho vấn đề này” - bà Nguyễn Thị Kim Bé nêu.
Đưa ra giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm, đại biểu Lê Hữu Trí - đoàn Khánh Hoà cho rằng, bệnh chậm giải ngân trong xây dựng cơ bản là căn bệnh thâm niên. Đây là vấn đề năm nào cũng đưa giải pháp nhưng không khắc phục được.
“Cứ nắng thì làm thủ tục, mưa thi công nên chất lượng công trình không đảm bảo, còn đến cuối năm thì vội vàng giải ngân. Cho nên từ đó mới xảy ra thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản" - đại biểu đoàn Khánh Hòa nói.
Đến nay nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa giải ngân hết cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm. “Đất nước thiếu vốn để triển khai các công trình, nhân dân thì mong đợi, trong khi nguồn lực được phân bổ lại không thi công được" - ông Lê Hữu Trí nhấn mạnh.
Về nguyên tắc chưa xong thủ tục thì không phân bổ vốn nhưng vẫn phân bổ điều đó chứng tỏ kỷ luật kỷ cương tài chính chưa nghiêm. Như vậy là chưa quý giá đồng tiền. Chưa kể cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng vẫn rất chậm.
Ông Trí cũng cho rằng sự tăng nhanh giá cả hàng hoá, vật liệu xây dựng đang tiềm ẩn nguy cơ lớn về lạm phát. Tuy nhiên, Chính phủ chưa đề ra những giải pháp cho kịch bản đối phó trong thế chủ động.
Cần phải tìm giải pháp mới, đột phá
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công.
Lấy dẫn chứng, Chủ tịch Quốc hội nêu, cả năm 2020 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 78%, riêng giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 32,85%. 4 tháng đầu năm 2022 chỉ giải ngân được hơn 18%, còn gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế thì “chưa giải ngân được đồng nào”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, gói kích thích kinh tế đã tập trung đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế… nhưng đến nay tiến độ giải ngân, phân bổ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu.
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân; gây ảnh hưởng đến công tác giáo dục, đào tạo.
Cho rằng đây là vấn đề trầm kha, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm và còn để lại những hậu quả nặng nề, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải tìm giải pháp mới, đột phá để giải quyết những vấn đề đã cũ.
Ngoài ra, đối với việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoảng, Nghị quyết 42 của Quốc hội Khóa XIV về bản chất cũng là một luật như vậy, khác hoàn toàn với cơ chế thông thường, với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan.
Do đó, không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào luật.