Chủ tịch Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
Khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Hội thảo “Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối giữa điểm cầu trung tâm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các điểm cầu tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Cao Bằng.
Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu |
Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - nhấn mạnh, cách đây 110 năm, với ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - khẳng định, hành trình của Người đã mở ra những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Gần 30 năm từ lúc ra đi cho đến khi trở về Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành, sau này đã trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử mang đến cho nhân dân Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã tìm thấy ánh sáng khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin; đã trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế, nhà hoạt động tích cực, sôi nổi truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo cả dân tộc ta vùng lên giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tại hội thảo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu cùng tiếp tục phân tích, làm sáng tỏ thêm hành trình và khát vọng độc lập dân tộc vĩ đại của Người, nhận thức sâu sắc hơn những giá trị bất hủ trong di sản to lớn mà Người để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta và cả nhân loại tiến bộ, khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Từ đó để đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn về tầm vóc và giá trị vô cùng to lớn và quý giá của di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt là về khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nơi in đậm dấu chân Người trước khi rời Tổ quốc tìm đường cứu nước
Tại điểm cầu trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên - nhấn mạnh, TP. Sài Gòn - Gia Định là nơi in, ghi dấu cuối cùng của Người trước khi lên tàu rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Đồng thời, là nơi đánh dấu sự chín muồi về nhận thức hành động để Người quyết định dứt khoát sự lựa chọn của mình. Đó là đi đến các nước phương Tây nhằm tìm đường cứu nước, mặc dù Người chỉ sống ở Sài Gòn chưa đầy 4 tháng.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, phát biểu tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Việt Dũng |
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Hồ Chí Minh luôn mang trong mình niềm vinh dự, lòng tự hào và ý thức trách nhiệm sâu sắc. Trong suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc, nhân dân TP. Hồ Chí Minh luôn luôn nêu cao lòng yêu nước, kiên định con đường đấu tranh cách mạng, một lòng son sắt với Đảng, với Bác Hồ, cùng nhân dân miền Nam thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau, đấu tranh bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, mọi hy sinh gian khổ cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, 45 năm sau ngày vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu, TP. Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng và phát triển. Với sự trân quý, ghi ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, với dân tộc, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố (TP) lần thứ XI đã xác định “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng TP thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của TP mang tên Bác.
Theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, chúng ta- những thế hệ nối tiếp phải có bổn phận ra sức học tập, tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện trên nhiều góc độ để đánh giá hết tầm vóc, giá trị và thực hiện khát vọng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Hội thảo lần này không chỉ để tôn vinh công lao to lớn của Người với Tổ quốc, dân tộc mà hơn thế nữa là học tập, noi gương, làm theo gương Bác Hồ, để thực hiện khát vọng quyết tâm xây dựng đất nước cường thịnh như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra” - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Theo Ban Tổ chức, hội thảo đã nhận được gần 60 bài tham luận của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Các tham luận phản ánh khá đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa lịch sử của sự kiện; khẳng định sự kiên định tiến đến con đường cách mạng Việt Nam, độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.
Tại hội thảo, các tham luận tập trung phân tích khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh và hiện thực hóa khát vọng đó cho dân tộc Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tâm nguyện, điều mong muốn cuối cùng của Người là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu…