Chủ động nguồn nguyên liệu gỗ, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu cuối năm
Tối ngày 24/9, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với cùng các hiệp hội gỗ khác ở các địa phương và Tổ chức Forest Trends hội thảo "Chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ cho chiến lược phục hồi ngành công nghiệp gỗ sau Covid-19”.
Lượng gỗ nhập khẩu tăng 14% so với cùng kỳ
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends, cho biết, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5,5-6 triệu m3 quy tròn gỗ nguyên liệu là gỗ tròn và gỗ xẻ. Khoảng trên 40-45% lượng nhập khẩu gỗ từ các nước nhiệt đới, chủ yếu là gỗ tự nhiên; 55-60% còn lại là gỗ ôn đới. Trong 8 tháng đầu 2021 lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu đạt khoảng 4 triệu m3 quy tròn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhìn chung lượng cung gỗ nhiệt đới và gỗ ôn đới trong 8 tháng năm 2021 đã tăng lần lượt 23% và 7% so với cùng kỳ năm 2020.
8 tháng đầu năm 2021, lượng gỗ nhập khẩu tăng 14% so với cùng kỳ |
Mức giá nhập trung bình của các loài gỗ trong 8 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Tại hội thảo Hiệp hội Gỗ cứng Hoa Kỳ, Tổng Lãnh sự quán New Zealand, Đại sứ quán Chile và các cơ quan thương mại, tổ chức đại diện các thị trường đã cập nhật nguồn cung gỗ nguyên liệu, thực trạng, khả năng cung và thay đổi trong thời gian tới. Về phía thị trường Việt Nam, đại diện Công ty sử dụng gỗ keo tràm, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hội gỗ dán đã chia sẻ thông tin về nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, mặc dù giá nhập khẩu gỗ tăng nhưng lượng nhập khẩu vẫn tăng, chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Hiện, vấn đề container, chi phí vận tải và dịch Covid-19 đã đang tác động mạnh đến chuỗi nguồn cung gỗ nhập khẩu. Thời tiết, biến đổi khí hậu, sâu bệnh cũng tác động đến nguồn cung gỗ. Giải pháp ổn định nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành gỗ trong thời gian tới là vấn đề được đặt ra.
Nhu cầu ngày càng tăng, chênh lệch cung cầu ngày lớn hơn. Gia tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu cũng là vấn đề được các chuyên gia khuyến nghị.
Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng giải pháp
Hàng năm, ngành gỗ Việt đang sử dụng gần 50 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó nguồn nhập khẩu gần 6,0 triệu m3 gỗ quy tròn và trên 1,5 triệu m3 ván các loại, còn lại là gỗ từ rừng trồng trong nước. Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 34% đạt 2,063 tỷ USD vừa qua, nhưng trong 15 ngày đầu tháng 9/2021, đã có dấu hiệu giảm khi giá trị nhập chỉ còn 105 triệu USD, giảm 13% so 15 ngày đầu tháng 8/2021.
Ông Đỗ Xuân Lập- Chủ tịch Hiêp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam- nhận định, trong hơn hai thập kỷ qua, giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt luôn gia tăng, từ 219 triệu USD vào năm 2000 lên trên 12,3 tỷ USD vào năm 2020, thị trường xuất khẩu đa dạng, trên 140 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới. Đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, giá phù hợp, nắm bắt được thực trạng, những thay đổi tại các thị trường cung nguyên liệu cho ngành gỗ từ đó có thể có sự chủ động về nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào cho các ngành gỗ là rất cần thiết.
Chuẩn bị cho tái sản xuất và phục hồi, đáp ứng các đơn hàng cho mùa hàng cuối năm đã và đang được các doanh nghiệp chú trọng và lên các phương án. Cũng như các ngành khác, ngành gỗ đang đối mặt với giá cước vận tải tăng, giá nguyên vật liệu tăng, khó khăn trong việc book tàu và thiếu container rỗng. Do đó, các doanh nghiệp ngành gỗ cũng cần xây dựng các giải pháp để có nguồn nguyên liệu ổn định cho kế hoạch phục hồi này.
Việt Nam đã trở thành quốc gia quan trọng trên bản đồ cung các sản phẩm đồ gỗ cho thế giới. Gỗ nguyên liệu đầu vào là một trong những động lực quan trọng để ngành phát triển. Mặc dù nguồn cung gỗ nguyên liệu nội địa lớn, cung từ nguồn này không đủ để đáp ứng các yêu cầu đa dạng về chủng loại và chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng như sản phẩm tiêu dùng nội địa. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm gỗ tròn, xẻ và các loại ván đã trở thành nguồn cung đầu vào quan trọng cho các doanh nghiệp trong ngành.
Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào sắp tới, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các nguồn cung gỗ, đặc biệt là nguồn cung từ Mỹ và các nước EU bởi đây là các vùng có nhiều biến động về cung, bao gồm giá nguyên liệu, nhất trong thời gian vừa qua. Tìm hiểu thông tin cũng nên bao gồm các nguồn cung thay thế.