Chống rác thải nhựa: “Cuộc chiến” của toàn xã hội
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, các chuyên gia cho hay, năng lực quản lý, xử lý chất thải nhựa tại Việt Nam còn nhiều hạn chế; công nghệ xử lý tái chế lạc hậu, việc thu gom, phân loại rác còn nhiều vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh, đối tượng tuyên truyền phong trào chống rác thải nhựa là toàn xã hội, nhưng cần tập trung vào DN và hộ gia đình để họ chủ động giảm rác thải nhựa trong sản xuất, kinh doanh và đời sống. Càng lan tỏa bao nhiêu tốt bấy nhiêu, nhưng cần tập trung vào một số đối tượng để tác động mạnh mẽ hơn.
Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam - cho rằng, cần có quy chế, chế tài, chính sách đồng bộ với quy hoạch và công nghệ; tăng cường công tác tuyên truyền tới quần chúng nhân dân. Đây là việc làm cần thiết và yêu cầu sự kiên trì, cần mẫn cũng như trách nhiệm.
Ngày 17/6/2019 vừa qua, Bộ TN&MT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Theo đó, Bộ TN&MT đề xuất 7 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương; ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ đất liền; ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên biển; tăng cường xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động làm sạch, thu gom rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về rác thải nhựa đại dương; tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, trung tâm siêu thị không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; và đến năm 2025 sẽ chấm dứt hoàn toàn trên cả nước. |