Chủ nhật 22/12/2024 21:35

Chống khai thác IUU: Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vào năm 2022

Sau gần 4 năm triển khai tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm nhưng chưa vững chắc. Việt Nam đang đặt mục tiêu chấm dứt tình trạng này vào năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kết quả triển khai các quy định về chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến hơn so với trước. Kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đánh dấu tàu cá đã có sự tiến bộ rõ rệt. Công tác thực thi pháp luật trong xử phạt đối với hành vi khai thác IUU đã được chú trọng, đặc biệt là xử lý vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về thiết bị VMS. Công tác kiểm soát tàu cá Việt Nam ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng đã được tăng cường; trong đó đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong việc quy định kiểm soát 100% tàu cá từ 24 mét trở lên ra, vào cảng. Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương….

Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm nhưng chưa vững chắc

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cho nhiệm vụ chống khai thác IUU. Bộ NN&PTNT cho hay, đến nay, đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… tuy có giảm so với trước nhưng chưa vững chắc. Từ đầu năm đến ngày 31/8/2021, xảy ra 43 vụ/69 tàu/542 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý giảm 21 vụ/35 tàu so với cùng kỳ năm 2020.

Việc chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến. Phía EC khẳng định không gỡ “Thẻ vàng” nếu còn trường hợp vi phạm.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm về khai thác IUU đã có kết quả bước đầu. Cụ thể, năm 2020, các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ với tổng số tiền xử phạt gần 62 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, các địa phương đã xử phạt 1.527 vụ với tổng số tiền xử phạt là 13,7 tỷ đồng. Một số tỉnh bước đầu đã xử phạt các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm về khai thác IUU chưa thật sự nghiêm minh, đặc biệt là xử phạt đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài với tỉ lệ các vụ việc được xử lý còn rất thấp so với thực tế.

Chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, các tỉnh có tỉ lệ lắp đặt thiết bị VMS còn thấp như Quảng Trị (đạt 64,1%), Trà Vinh (đạt 67,17%), Hà Tĩnh (đạt 68,66%), Quảng Ninh (67,05%)…

Nguyên nhân do, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là tại các cảng cá để phục vụ cho kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu;….

Công tác phối hợp giữa các Bộ (Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, NN&PTNT) và 28 tỉnh ven biển trong triển khai các biện pháp để xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định đối với hành vi khai thác IUU; đặc biệt là công tác điều tra, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời.

Người đứng đầu một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức nhiệm vụ chống khai thác IUU về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến kết quả thực hiện chuyển biến chậm.

Hiện nay, qua công tác nắm tình hình của các Bộ, ngành liên quan đang có nhiều thông tin ngoài nước từ các tổ chức quốc tế liên quan và nước thứ ba cạnh tranh với Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường EU tác động bất lợi đến nỗ lực của Việt Nam để gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, gây sức ép với phía EC không gỡ cảnh báo “thẻ vàng’ cho Việt Nam hoặc thậm chí đề nghị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ” vì Việt Nam chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định quốc tế về chống khai thác IUU.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống khai thác IUU, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan mở đợt cao điểm để tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước.... Kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo theo quy định, đặc biệt là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá phải đảm bảo trạng thái hoạt động trước khi cho tàu cá xuất bến đi hoạt động trên biển. Triển khai quyết liệt hơn nữa công tác điều tra, xử lý, xử phạt nghiêm các vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước đảm bảo an ninh chủ quyền trên biển, giảm thiểu tình trạng tàu cá bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ trái phép tại khu vực này. Tăng cường công tác nắm tình hình tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam, phối hợp với nước sở tại thu thập thông tin, hồ sơ bằng chứng tàu cá vi phạm để kịp thời trao đổi với cơ quan chức năng trong nước củng cố hồ sơ, bằng chứng tàu cá vi phạm, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.

Các địa phương gồm: Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre… đặc biệt là Kiên Giang phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ban, ngành liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng nghề cá ven biển, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, trong đó mục tiêu trong năm 2021 giảm thiểu ít nhất 40% số tàu cá vi phạm, đến năm 2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Bạc Liêu: Công ty Vật liệu xây dựng Phúc Lộc Thọ bị cưỡng chế thuế

Phú Quốc: Đầu tư tiền tỷ cải tạo vườn hoang, bị kiến nghị phạt tội huỷ hoại đất

Thực hư thị trường cao hổ bạc tỷ - Bài 1: Những toán người bí ẩn trong ngôi nhà cổ

Thanh tra TP. Hồ Chí Minh: Công ty Công Ích quận 7 thu lợi gần 6 tỷ đồng không đúng quy định

Hà Nội: Làm rõ trách nhiệm vụ tưới xăng đốt quán cà phê khiến 11 người tử vong

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế Công ty CP Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam

Hà Nội: Nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người tử vong có 2 tiền án

Đắk Lắk: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn 4 doanh nghiệp nợ thuế

Lào Cai: Công khai thông tin 7 doanh nghiệp, hợp tác xã nợ thuế trên địa bàn huyện Bắc Hà

Quảng Bình: Khởi tố 7 bị can hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Cảnh sát giao thông Đắk Lắk phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển gần 70 kg pháo hoa nổ lậu

Thanh Hóa: Bắt 5 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán pháo nổ liên tỉnh

Thanh Hóa: Kiểm điểm trách nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Thạch Thành

Lào Cai: Tạm hoãn xuất cảnh 3 giám đốc doanh nghiệp nợ thuế

Nghệ An: Phá đường dây mua bán trái phép hơn 500 tài khoản ngân hàng để lừa đảo và rửa tiền

Vĩnh Long: Công ty Cổ phần cảng Bình Minh nợ thuế hơn 36 tỷ đồng

Đồng Tháp: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn Công ty TNHH Nguyễn Vang do nợ thuế hơn 9,6 tỷ đồng

Khởi tố đối tượng khai thác đất trái phép tại Hoà Bình

Thanh Hóa: Cưỡng chế Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoa

Hà Tĩnh: Ngừng sử dụng hoá đơn 3 doanh nghiệp nợ thuế tiền tỷ