Chống bán phá giá ống thép xuất khẩu: Không nên thổi phồng
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Internet
- Cảnh báo xa bị biến thành nguy cơ gần
Vụ việc khởi nguồn từ một bài phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính thượng viện Hoa Kỳ ở Washington hồi giữa tháng 5-2011.
Tại đó, ông Robert L.Mahoney, lãnh đạo Công ty Thép Northwest (Hoa Kỳ) yêu cầu Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ phải áp dụng biện pháp thu thuế thích đáng với các ống thép nhập khẩu để đối phó với tình hình suy giảm thương mại. Ông Mahoney cũng đề cập: “Có tin đồn về việc ống thép Trung Quốc được nối và ghép tại Việt Nam, sau đó gắn nhãn sản phẩm Việt Nam. Hiện tượng này (nếu có) vẫn vi phạm quy định hải quan vì việc nối và ghép ống thép không làm thay đổi xuất xứ của hàng hóa”.
Qua các kênh thông tin khác nhau, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và Trung tâm Phòng vệ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đã chuyển cảnh báo từ xa đến Hiệp hội Thép Việt Nam, tương tự như rất nhiều thông tin cảnh báo về nguy cơ hàng hóa Việt Nam có thể bị kiện ở nhiều quốc gia như đồ gỗ, mắc áo nhựa, vòng khuyên, đèn huỳnh quang vào Mỹ hay giày da vào Brazil mới đây.
Mọi việc mới dừng lại ở đó. Nhưng thay vì chủ động đón nhận và xử lý thông tin như một cảnh báo sớm, lãnh đạo Hiệp hội Thép lại biến vụ việc thành nguy cơ hiện hữu. Tại các cuộc họp giao ban về sản xuất hàng tháng của Bộ Công Thương hay cuộc họp của đại diện các ngành hàng với Bộ Tài chính về việc rà soát các hiệp định FTA mới đây, lãnh đạo hiệp hội đều thông báo với các nơi về nguy cơ này.
Điều đó đã dẫn đến hiện tượng có rất nhiều công ty luật trong và ngoài nước liên tục gửi các đề nghị tư vấn, nâng tầm mức nguy cơ vụ việc đến các doanh nghiệp xuất khẩu thép ống ở Việt Nam. Thậm chí có công ty còn tự tập hợp số liệu, cho rằng từ hai nguồn Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Trung tâm Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cho thấy số lượng nhập khẩu thép ống từ Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng đột biến vài chục phần trăm trong những tháng đầu năm nay (quy định của Hoa Kỳ là nếu hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ quốc gia nào chiếm 3% tổng thị phần nhập khẩu và tăng đột biến về kim ngạch có thể bị đối diện với nguy cơ áp thuế chống bán phá giá).
Cách ứng xử của Hiệp hội Thép trong chuyện này được một số chuyên gia về phòng vệ thương mại quốc tế ở Việt Nam xem như là không nên. Đây có thể xem như bài học trong việc xử lý các thông tin liên quan đến phòng vệ thương mại quốc tế. Việc chủ động là cần thiết nhưng sự chủ động đó không phải chỉ là việc loan báo mà phải có những hành động thích hợp, đúng mức với tình hình.
Thực ra, cách đây hai năm, khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu thép ống vào Mỹ, nguy cơ này đã được nhắc đến nhưng để trở thành một vụ kiện chính thức cũng không đơn giản.
Tránh những lo ngại quá mức
Vậy cách ứng xử thích hợp nhất đối với cảnh báo từ xa về nguy cơ kiện thép nên như thế nào? Thông lệ cho thấy các hiệp hội nên vào cuộc cùng các doanh nghiệp thành viên có những sự chuẩn bị chắc chắn về hồ sơ pháp lý, sổ sách giấy tờ, từ nguồn gốc nguyên liệu đến hàng hóa xuất khẩu, để đảm bảo rằng quy trình sản xuất hàng hóa minh bạch, không có sự gian lận thương mại mà nơi cảnh báo nhắc đến. Điều này là cần thiết trong mọi tình huống, không chỉ xuất phát từ cảnh báo chống phá giá từ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này mới chỉ có Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) yêu cầu các doanh nghiệp ống thép báo cáo tình hình. Phía Hiệp hội Thép chưa có động thái gì cho thấy sự chủ động này, không rà soát, bóc tách các số liệu hoặc đồng hành cùng các doanh nghiệp xử lý vụ việc. Thậm chí, Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội, còn nói với TBKTSG: “Chúng tôi không quan tâm quá kỹ vì các doanh nghiệp nói họ chủ động ứng phó được”.
Đặt tình huống khác, nếu chuyện này xảy ra có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, doanh thu và lợi nhuận của các công ty ống thép ở Việt Nam không? Câu trả lời từ ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép, với TBKTSG là không, hoặc nếu có thì cũng không đáng kể.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Việt Nam hiện có bốn doanh nghiệp xuất khẩu ống thép vào Hoa Kỳ gồm: Công ty SeAH (100% vốn Hàn Quốc), Sun Stell (100% vốn Đài Loan) và hai doanh nghiệp 100% vốn trong nước là Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát và Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức, trong đó lượng xuất khẩu của hai doanh nghiệp trong nước chưa đến 10.000 tấn/năm.
Năm 2010, tổng khối lượng bán ra của các doanh nghiệp thép ống trong nước là 568.000 tấn, chỉ có khoảng 11% dành cho xuất khẩu, trong đó thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng kim ngạch sắt thép xuất khẩu nói chung.
Thống kê của Bộ Công Thương chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép tăng đột biến với tổng giá trị 1,26 tỉ đô la Mỹ, riêng thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm 0,2%, và giảm 3% so với cùng kỳ (chưa tách riêng phần xuất khẩu thép ống). Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, doanh thu xuất khẩu ống thép chín tháng đầu năm ước đạt 61,3 triệu đô la Mỹ, chỉ bằng 4,8% tổng giá trị xuất khẩu sắt thép của Việt Nam.
Như vậy, nguy cơ thép ống xuất khẩu vào Hoa Kỳ đối diện với vụ kiện chống bán phá giá có phải đang bị đẩy lên quá mức?
TBKTSG