Cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn |
Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành tại Luật số 69/2014/QH13, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, Chính phủ trình dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 là cần thiết.
Dự thảo Luật đã bám sát vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 6 nhóm chính sách khi đề nghị xây dựng dự án Luật. Trong đó, Chương II - Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (từ Điều 7 đến Điều 15) xác định rõ nội dung quản lý vốn nhà nước (Điều 8); quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ (Điều 9); quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh (Điều 10) theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý vốn thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số quyền của chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư lớn, giữ vị trí, vai trò chủ đạo, then chốt, quan trọng quốc gia của nền kinh tế trong từng thời kỳ; giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện các quyền hạn, nghĩa vụ như một nhà đầu tư và bình đẳng như các nhà đầu tư khác, còn lại giao cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm; trên cơ sở đó quy định cụ thể thẩm quyền về công tác nhân sự, chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm và phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định nhân sự người đứng đầu, chiến lược kinh doanh của một số doanh nghiệp giữ vị trí, vai trò chủ đạo, then chốt, quan trọng quốc gia theo danh sách cụ thể trong từng thời kỳ.
Về nguyên tắc, thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế (Điều 15), trong đó Chính phủ đề xuất trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp để đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh, dự án tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp.
Số dư Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp khi doanh nghiệp không có nhu cầu, chưa có kế hoạch sử dụng được nộp về ngân sách nhà nước hoặc điều chuyển giữa các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phần còn lại sau khi sử dụng, trích lập các quỹ theo quy định, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước.
Theo phương án này, ước tính số nộp ngân sách nhà nước từ nguồn lợi nhuận, cổ tức được chia sẽ giảm khoảng 19.847 tỷ đồng/năm và doanh nghiệp được sử dụng nguồn này để bổ sung vốn điều lệ tương ứng là 19.847 tỷ đồng (theo số quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội phê chuẩn với tổng số nộp ngân sách từ cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp là 69.463 tỷ đồng).
Đối với cơ chế chi tiền lương, tiền thưởng của người lao động tại doanh nghiệp, người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp khi đề xuất xây dựng Luật xác định bổ sung nội dung chi này theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Tiếp thu ý kiến tham gia, Chính phủ đề xuất không quy định các nội dung về cơ chế chi trả tiền lương tại dự thảo Luật và quy định tại điểm 15 Điều 12 “Doanh nghiệp được chi trả tiền lương, tiền công, thù lao cho người lao động theo hiệu quả và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
Tại Chương III - Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (từ Điều 16 đến Điều 24), vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được xác định theo mức vốn do cơ quan đại diện sở hữu vốn đầu tư vào doanh nghiệp và doanh nghiệp đã ghi nhận đủ vốn tương ứng với tỷ lệ vốn góp tại điều lệ công ty và giấy chứng nhận đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp gồm: Nguồn từ ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và các nguồn khác; Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp; lợi nhuận, cổ tức được chia bằng cổ phiếu theo quyết định của cấp có thẩm quyền; giá trị thặng dư cổ phiếu (nếu có).
Nhiều nội dung, chính sách mới cần tiếp tục đánh giá
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho hay, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Dự án Luật còn nhiều nội dung, chính sách mới cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh |
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị rà soát, quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật liên quan.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn (Điều 11), Dự thảo Luật chưa làm rõ được nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; chưa tách bạch chủ thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn với người đại diện chủ sở hữu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước.
Vì vậy, đa số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, của người đại diện vốn nhà nước, của doanh nghiệp; cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, với doanh nghiệp, Hội đồng thành viên, người đại diện vốn...; quyền hạn từng tổ chức, cá nhân trong quản lý vốn, tài sản, trong phê duyệt chủ trương đầu tư vốn, tài sản; phê duyệt dự án đầu tư, chủ trương vay vốn, thế chấp tài sản đặc thù; chủ trương tăng/giảm vốn điều lệ công ty mẹ, vốn điều lệ tại các công ty con, phê duyệt báo cáo tài chính; cơ chế tài chính... theo hướng doanh nghiệp tự làm tự chịu trách nhiệm, Hội đồng thành viên quyết định, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chỉ thực hiện kiểm tra, giám sát.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp (Điều 12), đa số ý kiến cho rằng quy định tại Điều 12 dự thảo Luật mới chỉ đề cập khái quát về nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp, đồng thời chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn, 100% vốn nhà nước mà chưa bao quát hết các loại hình doanh nghiệp khác.
Do vậy, đề nghị cần căn cứ quy mô, loại hình doanh nghiệp nhà nước để quy định cụ thể ai là người thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể nêu tại điều này; phân định nhiệm vụ, quyền hạn theo nhóm, quy mô doanh nghiệp, trong đó cần lưu ý có quy định riêng đối với một số loại hình doanh nghiệp đặc thù như doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh...