Đến một ngày đã định, một tuyến phố thuận tiện nhất được chặn hai đầu, chợ tạm được dựng lên, bán rất nhiều loại hàng hóa nhưng chủ yếu là rau củ quả tươi, cá, thịt .v.v. Chợ được tổ chức mỗi tuần một ngày tại một khu phố từ 5 giờ sáng đến 6 giờ tối. Sang ngày tiếp theo chợ được dời sang khu phố khác. Chợ đường phố ra đời từ nhu cầu của các cư dân sống trong các khu đô thị quy hoạch kém, có ít không gian công cộng, buộc phải sử dụng đường phố làm nơi họp chợ. Chợ đường phố còn xuất phát từ truyền thống gắn kết cộng đồng (người dân Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi, coi tất cả mọi người là anh em), cư dân đô thị sẵn sàng hoan nghênh, giúp đỡ những người anh em nông dân tiêu thụ sản phẩm của mình.
Chợ đường phố không chỉ phổ biến tại Thổ Nhĩ Kỳ mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Tại thành phố Munich của Cộng hòa Liên bang Đức chợ tuần là một kênh phân phối lương thực thực phẩm quan trọng của thành phố. Tổng cộng có 41 chợ họp luân phiên hàng tuần trên tất cả các khu dân cư của thành phố Munich. Chợ tuần đầu tiên ở Munich được tổ chức vào ngày 20/5/1969 với mục đích tháo gỡ khó khăn trong cung cấp lương thực thực phẩm tại một số khu vực không thể xây dựng chợ cố định. Chợ họp một hoặc hai lần trong một tuần trong thời gian vài giờ hoặc cả ngày. Sau 1 năm thử nghiệm đạt kết quả tốt, chợ tuần được chính thức triển khai toàn thành phố. Từ mùa xuân năm 1989, chợ nông dân-một xu hướng mới xuất hiện trên thế giới, chính quyền thành phố Munich thử nghiệm chợ nông dân đầu tiên. Chợ nông dân là chợ tạm họp theo tuần nhưng chỉ dành riêng cho người nông dân địa phương bán sản phẩm của chính mình. Từ năm 1996 tại Munich có chợ tuần thực phẩm hữu cơ đầu tiên.
Quá trình toàn cầu hóa bắt đầu từ những năm 1970 của thế kỷ 20 đang làm đứt gẫy mối liên hệ giữa hệ thống sản xuất và phân phối lương thực thực phẩm với các hệ sinh thái khác của con người. Xuất hiện nhu cầu bức thiết nối lại mối liên hệ trực tiếp giữa nông dân và người tiêu dùng và khôi phục sự kiểm soát hệ thống phân phối đã trở nên cách biệt và khó quy trách nhiệm. Đó chính là nhu cầu khách quan của sự ra đời của hệ thống chợ nông dân-chợ tạm họp theo tuần dành riêng cho người nông dân địa phương bán sản phẩm của chính mình.
Sự thống trị của các tập đoàn phân phối quốc gia và đa quốc gia trên thị trường phản ánh sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản lương thực thực phẩm, buộc chính phủ nhiều nước phải thực hiện các chương trình cộng đồng hỗ trợ nông dân, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã lương thực thực phẩm và phát triển hệ thống chợ nông dân để làm sạch bớt bộ mặt không thể chấp nhận được của chủ nghĩa tư bản lương thực thực phẩm, tái tổ chức các mối quan hệ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ lương thực thực phẩm. Chợ nông dân với sự tương tác trực tiếp giữa nông dân và người tiêu dùng hứa hẹn sự kết nối nhân văn không có được ở các siêu thị và chợ đầu mối. Sự tiếp xúc trực tiếp giữa nông dân và người tiêu dùng còn tạo chỗ cho cộng đồng phát triển các liên kết xã hội và tăng thêm các giá trị đạt được trong các quyết định mua bán, kết hợp và cân bằng phát triển kinh tế với phát triển xã hội.
Chợ nông dân có ưu thế hơn hẳn các kênh phân phối khác trong việc đưa lương thực thực phẩm đến tất cả các khu vực đông dân cư nhất. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ năm 2001 cho biết Mỹ đặt mục tiêu đạt 1 triệu khách hàng/tuần cho các chợ nông dân, phản ánh sự thống nhất ý chí của người bán, người mua và chính phủ trong việc tái xã hội hóa và tái không gian hóa hệ thống sản xuất và phân phối lương thực thực phẩm.
Chợ nông dân là phương tiện giành lại quyền kiểm soát hệ thống sản xuất và phân phối lương thực thực phẩm từ tay các tập đoàn đa quốc gia và hồi sinh các cộng đồng nông nghiệp địa phương. Chợ giúp cho người nông dân được ra thành phố giao tiếp với các cư dân đô thị, thiết lập các quan hệ cá nhân, qua đó cùng một lúc thực hiện việc mua bán, giao tiếp xã hội, và trao đổi văn hóa. Có thể nói chợ nông dân buộc người nông dân và người thành phố tụ hội và hiệp thương.
Ngoài ra, chợ còn là trụ cột chính tạo ra nền nông nghiệp đô thị, nền nông nghiệp kết nối chặt chẽ với kinh tế cộng đồng và đời sống xã hội. Chợ nông dân tạo ra các cơ hội việc làm và buôn bán nhỏ cho người nông dân và các thành viên trong gia đình. Khả năng tiêu thụ tăng lên sẽ kích thích nông dân tăng sản xuất lương thực thực phẩm cho xã hội đồng thời lại giảm sự phụ thuộc vào thương lái và các nhà máy chế biến. Chợ nông dân là cơ hội để người nông dân học hỏi văn hóa đô thị, vui chơi giải trí, xóa bỏ cách biệt, tự tin hơn, từ đó an tâm ở lại nông thôn. Chợ giúp nông dân trực tiếp tiếp thu thông tin phản hồi của khách hàng để điều chỉnh và đổi mới sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm nguồn tài chính cho người nông đa dạng hóa sản phẩm, tạo sản phẩm mới, duy trì ngành nghề truyền thống và phát triển ngành nghề mới ở nông thôn, phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống ở nông thôn.
Bên cạnh đó, chợ nông dân giúp người nông dân tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng, được người tiêu dùng trân trọng hơn và cũng có trách nhiệm với người tiêu dùng hơn. Người tiêu dùng cũng hiểu hơn về các giới hạn của sản phẩm cũng như các yêu cầu hơn nữa đối với sản phẩm. Chợ thường được tổ chức tại các địa điểm chưa dùng đến hoặc ngày thường dùng vào việc khác, nhờ đó tăng thêm hiệu quả khai thác hạ tầng đô thị.
Chợ nông dân giúp phát triển du lịch, mang văn hóa đồng quê ra thành phố, tạo cơ hội trải nghiệm tại chỗ cho cư dân đô thị. Chợ nông dân thường tập trung vào các sản phẩm chính của một vùng. Sản phẩm chính đó sẽ tạo ra thương hiệu của chợ và ngược lại chợ sẽ quảng bá, tạo nên thương hiệu vùng cho sản phẩm, thu hút khách hàng từ các nơi khác và cả khách du lịch. Chợ nông dân cũng có lợi cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thông qua việc thu hút người tiêu dùng, khách vãng lai của các khu vực khác.
Chợ nông dân giảm khoảng cách và thời gian vận chuyển lương thực thực phẩm so với các hệ thống phân phối khác trong bối cảnh đô thị hóa. Việc này không những đảm bảo chất lượng của sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc giảm số lượng hàng hóa thông qua các hệ thống phân phối hiện đại với các đội xe vận tải gây ô nhiễm khí thải, các hệ thống kho tập trung xả nước thải ra môi trường, các hệ thống làm lạnh tiêu tốn năng lượng.
Chợ nông dân giúp bảo vệ và cân bằng hệ sinh thái thông qua việc giúp nông dân đa dạng hóa sản phẩm, tăng đa dạng hóa sinh học. Chợ nông dân tăng sự hiểu biết và gắn kết của cư dân đô thị với người nông dân và nông thôn. Từ đó người nông dân nhận được thêm sự ủng hộ trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất canh tác, bảo vệ cộng đồng nông thôn chống lại quá trình đô thị hóa, góp phần giữ cân bằng hệ sinh thái.
Chợ nông dân cùng với các cơ hội buôn bán vỉa hè, hàng rong quà vặt giúp chính quyền thực hiện chính sách xã hội thông qua việc phân phối các cơ hội mưu sinh cho những người có công, có đóng góp cho xã hội, những người khuyết tật, yếu thế.
Chợ nông dân là con đường sống duy nhất cho những người nông dân nhỏ lẻ trước sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản lương thực thực phẩm. Chỉ có bán được sản phẩm tại chợ nông dân với giá cao hơn những người nông dân này mới có thể tồn tại trước sự cạnh tranh và chèn ép của các công ty, tập đoàn sản xuất, chế biến và phân phối lương thực thực phẩm. Số liệu thống kê của Mỹ cho thấy năm 1910 41 % trang trại Mỹ tiêu thụ sản phẩm qua chợ nông dân. Đến năm 1990 chỉ còn 9 % trang trại bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng. Năm 2007 có 66.700 trang trại trong tổng số 2.076.000 trang trại của Mỹ bán hàng qua chợ nông dân nhưng có đến 19.000 trang trại trogn số đó chỉ bán hàng qua chợ nông dân.
Xuất phát từ nhu cầu khách quan, chợ nông dân phát triển nhanh chóng và trở thành phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Sau một thời gian người tiêu dùng bị hấp dẫn bởi sự bùng nổ của lương thực thực phẩm chế biến sẵn và các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi, các vấn đề về sức khỏe lại kéo người tiêu dùng trở lại chợ đường phố để mua các loại lương thực thực phẩm tươi sống. Năm 1976 nước Mỹ ban hành Luật Tiếp thị trực tiếp từ Nông dân đến Người Tiêu dùng, bảo vệ và khuyến khích phát triển chợ nông dân. Số chợ nông dân tại Mỹ đã tăng từ 1.755 chợ năm 1994 lên 4.685 chợ năm 2008, 8.144 chợ nông dân vào năm 2013 (đó là chưa tính các chợ quy mô nhỏ). Tại Anh chợ nông dân đầu tiên xuất hiện vào năm 1997 nhưng đến nay đã có trên 550 chợ trên khắp nước Anh. Tại Canada nhất là ở tỉnh British Columbia chợ nông dân có mặt trên mọi thành phố của tỉnh với quy mô nhỏ vài gian hàng dựng tạm công viên hay bãi đỗ xe cho tới các chợ lớn có mái che. Số chợ nông dân tại Pháp là 6.000. Tổ chức Liên Minh Châu Âu còn luật hóa các chính sách khuyến khích phát triển chợ nông dân với nhiều chương trình hỗ trợ theo khẩu hiệu “Từ cánh đồng đến thẳng bàn ăn” (Farm to Fork). Tại Trung Quốc từ năm 2010 sau các cuộc khủng hoảng về an toàn thực phẩm chợ nông dân bắt đầu phát triển mạnh tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Giang Tô.
Khác với các khu đô thị tại Thổ Nhĩ Kỳ có ít không gian công cộng nên các chợ nông dân buộc phải mở trên các đường phố, chợ nông dân tại các nước phát triển thường được tổ chức tại quảng trường thành phố, công viên, khu đỗ xe .v.v. Ở nhiều nước chính quyền đô thị miễn phí thuê địa điểm cho chợ nông dân. Một số nước khác thu tiền thuê địa điểm. Chính quyền hỗ trợ bố trí nhà vệ sinh, đấu nối điện, nước, thu dọn rác thải .v.v.
Tại Mỹ hệ thống quản lý chợ nông dân gồm 3 cấp: cấp cơ sở, cấp tổ chức, cấp điều phối. Cấp cơ sở là 1 nhân viên quản lý chợ được trả thù lao hoặc không được trả thù lao. Cấp tổ chức là 1 ban giám đốc do nông dân bầu ra. Cấp điều phối là Hiệp hội chợ nông dân. Ngoài ra còn có các nhóm phi lợi nhuận quản lý các chợ quy mô nhỏ với sự tham gia của đại diện chính quyền sở tại. Bộ Nông nghiệp Mỹ đỡ đầu Hiệp hội Chợ Nông dân làm việc với chính quyền các thành phố để thỏa thuận các vấn đề tổ chức chợ nông dân. Tất cả các cấp chính quyền Mỹ hỗ trợ tài chính cho chợ nông dân. Tại Anh và Canada Hiệp hội chợ nông dân thỏa thuận trực tiếp việc tổ chức chợ nông dân với chính quyền các thành phố. Tại thành phố Munich của Đức chợ nông dân thuộc sự quản lý của Công ty Công chính trực thuộc Tòa Thị chính thành phố Munich.
Việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ nông dân có tính tương đối. Người bán hàng ở chợ nông dân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng sẽ được kiểm tra nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm đạt mức độ nhất định.
Tại Việt Nam, chợ hoa tết phố Hàng Lược là một chợ đường phố, chợ nông dân đúng chuẩn quốc tế. Trong 15 ngày trước tết âm lịch, phố Hàng Lược được chặn lại cho nhưng người nông dân trồng hoa xung quanh Hà Nội bán hoa tết. Và cả vườn hoa Hàng Đậu cũng được trưng dụng cho việc bán hoa. Chợ hoa tết Hàng Lược đã tồn tại hàng trăm năm, đã trở thành một phần không thể thiếu được của đời sống thủ đô, một điểm đến mong ước của người dân thủ đô cũng như người dân cả nước và khách du lịch mỗi khi tết đến xuân về, một biểu tượng văn hóa của kinh đô Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, chợ truyền thống, chợ tự phát buộc phải tạm ngưng để phòng, chống dịch COVID-19, tháng 7/2021 chính quyền tỉnh Bình Dương đã thí điểm tổ chức một số chợ ngoài trời mà người dân gọi là "chợ trời" nhằm tạo kênh cung cấp và tiêu thụ rau củ quả và các thực phẩm tươi sống cho người dân tại một công viên thuộc phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Tại Hà Nội, tháng 2/2021 một nhóm cá nhân trên mạng xã hội Facebook tập hợp các anh em lái xe khu vực Tây Hà Nội tổ chức chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp bà con xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Nhóm sử dụng phương tiện vận tải cá nhân vận chuyển 2 tấn rau cải từ Hải Dương về Hà Nội và bán hộ theo đúng giá bà con nông dân mong muốn là 30 nghìn đồng/túi. Địa điểm bán rau là vỉa hè đường Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Sự việc đã không kết thúc một cách êm đẹp mà gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội do sự can thiệp của chính quyền địa phương vì việc bán rau lấn chiếm vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường.