Chính sách tài chính: Huy động hiệu quả mọi nguồn lực
Năm 2019, ngành tài chính đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được giao. Trong đó, nổi bật là thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm thứ tư liên tiếp vượt dự toán, lần đầu tiên vượt thu dự toán trên 138.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với dự toán.
Điều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả |
Bên cạnh đó, bội chi NSNN cũng phấn đấu giữ được ở mức 3,4% GDP, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra 3,6%. Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, địa phương trong việc điều hành giá điện, xăng dầu, các dịch vụ giáo dục, y tế và quản lý; kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, bảo đảm bình ổn giá và kiểm soát lạm phát…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng cho rằng, ngành tài chính cần tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược, thể hiện rõ tinh thần kiến tạo phục vụ, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, lợi ích chung của đất nước, giữ vững kỷ cương tài chính, lắng nghe, cầu thị, không để tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực diễn ra… nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thủ tướng cũng yêu cầu, trong năm 2020, Bộ Tài chính cần tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công. Bởi năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 73,5% dự toán, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để khắc phục tình trạng này ngay từ đầu năm, không để việc giải ngân chậm trễ tiếp tục tái diễn. Kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước còn bất cập ở một số nơi, một số cơ quan, đơn vị, nhiều sai phạm tài chính diễn ra trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu, mua sắm… cần chấn chỉnh ngay, xử lý nghiêm và công khai thông tin vi phạm.
Tiến độ cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm, năm 2019 mới chỉ phê duyệt được phương án của 12 doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp mạnh cho Chính phủ để xử lý, tháo gỡ ách tắc, nhất là vấn đề liên quan đến đất đai trong cổ phần hóa.
Trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, Thủ tướng lưu ý, Bộ Tài chính cần đề xuất các chính sách huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho đất nước, tham mưu Chính phủ những định hướng, giải pháp nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tận dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu, phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, phối hợp tốt với Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ nhằm tiếp tục kiểm soát hiệu quả lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô… Đối với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược chính sách tài chính phải vì mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các chính sách tài chính như thuế, chi ngân sách, thị trường chứng khoán... khi xây dựng phải hướng tới tập trung khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển mạnh mẽ các ngành, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. |