Thứ ba 13/05/2025 02:50

Chính sách phải khơi dậy khát vọng, tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo

Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực còn bản thân người nghèo, hộ nghèo phải cố gắng vươn lên. Các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực để cho những người nghèo mong muốn thoát nghèo.

Đổi mới trong tư duy về chủ trương giảm nghèo

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, sáng 27/7, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu ghi nhận những thành tựu đạt được trong công tác xoá đói giảm nghèo thời gian qua: Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm, có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thảo luận tại nghị trường

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cuối năm 2020 giảm xuống còn 23,42%, trung bình giảm 5,4%/năm; có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới…

Để tiếp tục phát huy các thành tựu và khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo, các đại biểu đều khẳng định việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trong điều kiện mới là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay; đồng thời đề xuất nhiều nội dung để thực hiện tốt hơn chương trình này.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề xuất, trong thiết kế chính sách, cần quan tâm đồng đều đến các đối tượng hộ nghèo, nhất là hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo bởi đây là nhóm có ranh giới rất mong manh có thể chuyển sang hộ nghèo bất cứ lúc nào.

Cùng với điều này, cần quan tâm tới những hộ không phải là hộ nghèo nhưng sống trong cùng khu vực với các hộ nghèo, trong địa bàn nghèo bằng những chính sách cụ thể để họ có thể trở thành những hạt nhân hỗ trợ cho những hộ nghèo xung quanh và liên kết cùng các hộ nghèo để đưa cộng đồng thoát nghèo.

Kiến nghị tiếp theo được đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp nêu là cần đổi mới trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư cho con người. Hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng mà điều quan trọng hơn, điều cốt lõi hơn chính là phải thiết kế được những chính sách mềm, phải dựa trên nhu cầu của người dân và phải tập trung thay đổi chủ thể là người dân.

Trong đó, phải đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục và công tác đào tạo nghề. Cụ thể, trong những giai đoạn tới cần tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các hoạt động sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương vùng nghèo… Mặt khác, cần đổi mới trong tư duy về chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không và tăng cho vay ưu đãi là một hướng chúng ta cần phải tiếp cận cho vấn đề giảm nghèo.

“Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực và hướng dẫn còn bản thân người nghèo, hộ nghèo phải cố gắng vươn lên và phải làm sao các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực để cho những người nghèo mong muốn thoát nghèo” - đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long nhìn nhận, trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn, việc thực hiện chương trình trong bối cảnh mới sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức và yêu cầu mới, nhất là khi áp dụng chuẩn nghèo mới thì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ tăng lên đáng kể.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long thảo luận tại nghị trường

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực đến nhóm đối tượng yếu thế đã khó khăn nay càng khó khăn. Thực trạng đó sẽ tác động không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu và các chỉ tiêu để giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và bộ chủ quản quyết liệt chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể, dự báo cơ hội, thách thức đối với các chương trình mục tiêu quốc gia đã, đang chuẩn bị triển khai thực hiện để tránh trùng lắp về nội dung, địa bàn, nguồn lực đầu tư và đối tượng thụ hưởng; từ đó tối ưu hóa các giải pháp triển khai thực hiện các đề án, tiểu đề án.

"Chính phủ cần tiếp tục rà soát, dỡ bỏ, bãi bỏ các chính sách hỗ trợ mang tính bao cấp, cho không làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ so bì chính sách, khơi dậy ý thức chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân" - đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang nói.

Theo đại biểu, việc xác định các tiêu chí hộ nghèo trong giai đoạn mới phải thực chất hơn. Các tiêu chí về thu nhập, các tiêu chí đánh giá đo lường đa chiều cần rõ ràng, thiên về định lượng. Việc xây dựng thiết chế, chính sách cần quan tâm đồng đều đến các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và cả hộ mới thoát nghèo bởi vì khoảng cách giữa các nhóm đối tượng này là không lớn, chỉ cần một tác động nhỏ từ xã hội cũng có thể làm cho họ bị tái nghèo.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng cho rằng, cần tiếp tục gắn kết chặt chẽ hơn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý với các tiêu chí giảm nghèo trong giai đoạn mới, giúp người dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý liên quan đến đời sống sinh hoạt, hôn nhân gia đình, đất đai…

Sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc

Báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, công tác giảm nghèo đạt được những thành tựu nổi bật như chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện, ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực ngày càng tăng; ý chí vươn lên của người nghèo được nâng lên, các tấm gương thoát nghèo và các điển hình ngày càng nhiều...

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày, làm rõ các vấn đề ĐBQH quan tâm

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam là 1 trong 30 nước trên thế giới và là nước đầu tiên ở khu vực châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta đi từ chỗ ngân sách nhà nước phải đảm bảo hoàn toàn để triển khai giảm nghèo sang nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt, người dân, hộ nghèo là chủ thể.

"Đây là những bước đi rất dài về tư duy nhận thức, hành động của chúng ta trong công cuộc chống đói nghèo. Chúng ta đã sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, giai đoạn 2021-2025, chúng ta đặt ra mục tiêu cao hơn là giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững, giảm bình quân 1-1,5%/năm, trong khi đó chuẩn nghèo của chúng ta nâng lên từ 700 nghìn lên 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, từ 900 nghìn lên 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đầu kỳ sẽ tăng rất cao.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025 cần đầu tư thoả đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần gắn với mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. “Giai đoạn này chúng ta phải lo vừa giảm về tỷ lệ nhưng đồng thời quan tâm hơn giảm hộ nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải giảm, phải xoá bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người, mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt” - Bộ trưởng cho hay.

Về xử lý trùng lặp giữa 3 mục tiêu chương trình quốc gia, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chương trình quốc gia về giảm nghèo có đối tượng, địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, trong đó bao gồm cả những đối tượng nghèo mới phát sinh vì những lí do khác nhau, kể cả những ảnh hưởng do Covid-19, đối tượng nghèo cả ở nông thôn và thành thị, chú trọng những địa bàn còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, phạm vi của chương trình nông thôn mới thì ở địa bàn nông thôn các huyện, xã. “Hai chương trình này trong giai đoạn 2016-2020 đã chạy song song, các nội dung tương đối tách bạch” - Bộ trưởng khẳng định, đồng thời chia sẻ, đối với chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về cơ bản có thể hiểu là tách một phần của đối tượng chương trình giảm nghèo hiện nay, phạm vi tập trung đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng dân tộc thiểu số vùng núi, do đó tương đối tách bạch.

Bộ trưởng khẳng định, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Chính phủ sẽ chỉ đạo các chương trình ban hành tiêu chí xác định cụ thể, đối tượng, địa bàn đầu tư, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa, đồng thời đề xuất các cơ chế lồng ghép tích hợp các nguồn lực đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.

Quỳnh Nga - Đỗ Nga

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi thư chúc mừng nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Truyền thống ngành Công Thương Việt Nam

Dữ liệu cá nhân bị xâm phạm: Tăng chế tài, bịt lỗ hổng

Tổng thống Belarus chủ trì lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm

Bộ Ngoại giao thông tin về đề xuất nối lại đàm phán Nga - Ukraine

Đề xuất mở rộng ưu đãi thuế cho công nghiệp hóa chất

Thủ tướng yêu cầu sớm ổn định hoạt động sau khi sáp nhập Thái Bình, Hưng Yên

Sớm thể chế ưu đãi thuế theo tinh thần Nghị quyết 68

Thủ tướng: Phấn đấu hoàn thành cao tốc qua Nam Định, Thái Bình trong năm 2026

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Kỳ vọng Bắc Ninh viết nên kỳ tích sông Cầu

Thủ tướng Thái Lan sắp thăm chính thức Việt Nam

Đại biểu Quốc hội đề nghị không tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo doanh thu

Đề xuất rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND trước 3 tháng để kiện toàn bộ máy

Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Siết lỗ giả, chống chuyển giá

Quốc hội xem xét sửa 47 điều trong Luật Bầu cử: Tăng trách nhiệm cho chính quyền hai cấp

Tổng Bí thư Tô Lâm kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Đảng cộng sản Liên bang Nga

Khi Tổng Bí thư và Đảng ta lần đầu gọi doanh nhân là chiến sĩ

Tổng Bí thư: Hợp tác dầu khí là kết tinh trí tuệ Liên bang Nga và ý chí, khát vọng Việt Nam

Toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế

Thủ tướng nhắc nhiều địa phương chưa quyết liệt xóa nhà tạm