Chính phủ ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
- Theo Nghị định mới, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nghị định mới của Chính phủ đã tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp.
Theo đó, thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn. Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc, trình tự quy định. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được nhà nước bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.
Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Nghị định nêu rõ, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá cơ sở liền kề trước đó, trong thời hạn tối đa 15 ngày, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tối thiểu tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh; không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.
Nghị định cũng quy định về điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh.
Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính).
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời thương nhân đầu mối về việc điều chỉnh mức giá, sử dụng Quỹ bình ổn giá (nếu có).
Quá thời hạn 3 ngày làm việc, nếu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không có văn bản trả lời, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán lẻ tối đa tương ứng với mức giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh nhưng không được vượt quá 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó.
Trường hợp các yếu tố cầu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu, Nghị định bổ sung thêm 2 phương thức phân phối xăng dầu mới là: Phương thức mua đứt bán đoạn và nhượng quyền thương mại.
Theo đó, đưa ra thêm đối tượng là thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối và đối tượng là thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoạt động theo pháp luật về nhượng quyền thương mại.
Thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối, được quyền quy định giá bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình theo nguyên tắc, trình tự như thương nhân đầu mối
Thương nhân nhận quyền bán lẻ được kinh doanh bán lẻ xăng dầu bằng phương thức nhượng quyền thương mại: Nhận quyền từ thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu để bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu.
Nghị định nêu rõ, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về: Giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành; thời điểm sử dụng, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng quý, các biện pháp điều hành khác.
Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu; giám sát việc trích lập, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá của thương nhân đầu mối.
Thương nhân đầu mối có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của thương nhân hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về giá bán lẻ hiện hành; số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước; điều chỉnh mức trích, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá; công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính khi đã được kiểm toán.
Thanh Hương