Chiến sự Nga-Ukraine ngày 26/10/2024: NATO không can thiệp vào xung đột; Nga nêu điều kiện đối thoại với phương Tây
Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
NATO không can thiệp vào xung đột ở Ukraine do thiếu nguồn lực
Cựu quan chức NATO, Maurizio Boni cho rằng, sự can thiệp trực tiếp của NATO vào cuộc xung đột ở Ukraine là không thể đơn giản vì liên minh này không có đủ nguồn lực quân sự.
“NATO sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine: phương Tây không có nguồn lực quân sự cũng như ngành công nghiệp quân sự tương ứng”. ông Boni nói.
This browser does not support the video element.
Chuyên gia này làm rõ rằng điểm yếu của ngành công nghiệp quân sự NATO được xác nhận qua dữ liệu có sẵn về vũ khí được gửi tới Kiev. “Sự can thiệp của NATO là không thể và đã đến lúc ngừng nói về điều đó”, cựu quan chức NATO nói thêm.
Ông cũng lưu ý, thật sai lầm khi gọi sự hiện diện được cho là của quân nhân Triều Tiên trên lãnh thổ Nga là tín hiệu leo thang, đồng thời nhắc lại thỏa thuận tương ứng về hỗ trợ quân sự giữa Moscow và Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, ông tin Nga không có nhu cầu cấp thiết về sự hỗ trợ như vậy, nhưng đây là "tín hiệu chính trị quan trọng đối với NATO và Mỹ" trong bối cảnh các cuộc đối thoại đang diễn ra về khả năng tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa.
Nga nêu điều kiện đối thoại với phương Tây về Ukraine
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, có thể đối thoại với các nước phương Tây để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine với điều kiện duy nhất - ngừng hoàn toàn việc cung cấp vũ khí cho Kiev.
Nga sẵn sàng thỏa hiệp với Ukraine. Ảnh: RIA |
“Dấu hiệu duy nhất đối với tôi - chỉ có một - là mức độ nghiêm túc trong ý định của phương Tây, cho đến khi họ ngừng cung cấp vũ khí và hỗ trợ hậu cần cho lực lượng vũ trang Ukraine, chúng tôi không thể nói về bất cứ điều gì khác ngoài sự leo thang từ phía họ”, bà Zakharova nói.
Theo bà, ngay cả khi ai đó bắt đầu nói về một số biểu hiện của sự bình thường từ phía phương Tây, nhưng việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine vẫn tiếp tục, thì đơn giản là không thể tin được những lời như vậy về sự bình thường.
“Tôi không thấy một dấu hiệu nào cho thấy có thể thảo luận bất cứ điều gì với bất kỳ ai trong số các nước phương Tây khi họ đang cung cấp vũ khí cho Ukraine”, nhà ngoại giao nói thêm.
Nga sẵn sàng thỏa hiệp với Ukraine
Tổng thống Putin nói bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan rằng, Nga sẵn lòng cùng Ukraine tìm ra một giải pháp thông qua thương lượng, trong đó 2 bên sẽ cùng thỏa hiệp.
Ông đưa ra câu trả lời trên khi được hỏi liệu chính phủ của ông hình dung thế nào về việc chấm dứt chiến sự với Ukraine.
This browser does not support the video element.
"Bất kỳ kết quả nào cũng phải có lợi cho Nga, và tôi nói thẳng điều đó", ông Putin nói. Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo Nga, Moscow không loại trừ khả năng thỏa hiệp từ phía mình miễn là chúng "hợp lý".
Đồng thời, ông cho rằng, việc Ukraine không muốn đàm phán khiến mọi cuộc thảo luận về những gì Moscow sẵn sàng đưa ra trở nên vô nghĩa.
Nga vẫn là thế lực đáng gờm
Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh tối cao quân đồng minh châu Âu của NATO cho rằng, Nga dù chịu tổn thất lớn ở Ukraine nhưng vẫn sở hữu lực lượng chiến đấu nguy hiểm hầu như không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến hơn 2 năm qua.
Theo ông, Nga vẫn còn một lực lượng và tiềm lực quân sự đáng kể chưa bị cuộc chiến tác động, ví dụ như máy bay tầm xa, lực lượng tên lửa chiến lược, tàu ngầm, các đơn vị phòng vệ.
Tướng NATO cho biết, một phần đáng kể lực lượng không quân chiến thuật của Nga vẫn chưa tham gia vào cuộc chiến.
“Mặc dù Nga đã có những tổn thất đáng kể trên bộ, nhưng Moscow vẫn sở hữu năng lực đáng kể, bao gồm vũ khí thông thường và hạt nhân. Điều này chúng ta cần phải ghi nhớ”, ông Cavoli cho hay.