Chiến sự Nga-Ukraine ngày 18/12: Tổng thống Nga đề nghị tướng lĩnh chủ động đề xuất phương án tác chiến ở Ukraine
Theo hãng tin RussiaToday (RT), Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa chủ trì cuộc họp với các chỉ huy quân sự hàng đầu nước Nga để thảo luận về cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin họp bàn với giới tướng lĩnh Nga liên quan tới tình hình chiến sự tại Ukraine |
"Cuộc họp giữa Tổng thống Putin với chỉ huy các lực lượng tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine diễn ra trong suốt ngày hôm qua", hãng tin RT dẫn thông tin từ Điện Kremlin hôm 17/12, nhưng không cung cấp địa điểm diễn ra cuộc họp.
"Nội dung cuộc họp chủ yếu xoay quanh tình hình tại Ukraine. Tổng thống Nga yêu cầu các chỉ huy quân sự đề xuất các kế hoạch ngắn hạn cũng như trung hạn về cuộc xung đột", hãng tin RT đăng tải.
Sau cuộc họp chung với tất cả lực lượng, ông Putin làm việc riêng với từng chỉ huy của các cánh quân riêng lẻ. Những bức ảnh do Điện Kremlin công bố cho thấy cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, Tổng Tham mưu trưởng Valery Gerasimov và Tướng Sergey Surovikin, Tư lệnh lực lượng Nga tại Ukraine.
Tại cuộc họp, Tổng thống Nga yêu cầu các chỉ huy lực lượng vũ trang trình bày suy nghĩ của họ về cách tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong chuyến thăm đến trung tâm chỉ huy của chiến dịch. Tổng thống Nga đã mời các sĩ quan chỉ huy đưa ra đề xuất và kiến nghị.
“Chúng tôi sẽ lắng nghe các chỉ huy theo từng hướng hoạt động, và tôi muốn nghe đề xuất của các bạn về những hành động kế tiếp và trung hạn”, Ông V. Putin nói. Tuy nhiên, những thông tin cụ thể khác về chuyến thăm cũng như vị trí trung tâm chỉ huy không được đề cập.
Trong khi đó, phát biểu với hãng tin Sky News, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch phía Nam của Ukraine, Thiếu tướng Andrei Kovalchuk cảnh báo Tổng thống Nga có thể gửi hàng triệu binh sĩ tham chiến, đặc biệt nếu các lực lượng của Moscow yếu thế trên chiến trường Ukraine.
Ông A. Kovalchuk lưu ý mặc dù quân đội Ukraine có thể chống lại hàng triệu người Nga nhưng họ sẽ cần những vũ khí quan trọng từ các đồng minh NATO, chẳng hạn như bom chùm. Thiếu tướng A. Kovalchuk là nhân vật chủ chốt đằng sau cuộc phản công thành công ở phía nam của Kiev trong những tháng gần đây.
Thiếu tướng A. Kovalchuk tin rằng các lực lượng Nga có thể mở mặt trận mới nhằm vào lãnh thổ Ukraine từ khu vực biên giới với Belarus với mục tiêu là Thủ đô Kiev,
Nga có thể thực hiện cuộc tấn công từ Belarus vào cuối tháng 2/2023, có khi muộn hơn. Mặc dù vậy, chúng tôi cần hết sức nâng cao cảnh giác", ông A. Kovalchuk nhấn mạnh.
Nga đang trong quá trình tăng cường lực lượng và bổ sung thêm khí tài lên chiến trường. Với 300.000 tân binh mới được tổng động viên, Nga đang có nguồn lực dồi dào để gia tăng lực lượng ra tiền tuyến. Moscow cũng tăng tốc sản xuất khí tài để bù đắp vào kho vũ khí sau 10 tháng chiến sự, cũng như chuẩn bị cho kịch bản của một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.
Quân đội Nga và đồng minh đang tăng cường cho chiến lược phản công mùa đông tại Ukraine. |
Liên quan tới tình hình xung đột Ukraine, các phương tiện truyền thông độc lập của Belarus đưa tin quân đội nước này được cho là đang tiến gần hơn đến biên giới Ba Lan, gây lo ngại cho NATO cùng các đồng minh.
Nguy cơ căng thẳng leo thang vào giữa tháng 11/2022 sau khi một tên lửa đi lạc giết chết 2 người ở ngôi làng Przewodow, phía đông nam Ba Lan, gần biên giới với Ukraine. Sau một cuộc họp khẩn cấp của NATO, Ba Lan cho biết tên lửa "có thể là một tai nạn" từ lực lượng phòng không Ukraine.
Các hoạt động của Belarus đã bị giám sát chặt chẽ hơn trong những tuần gần đây khi số lượng quân đội nước này dường như ngày càng tăng tại biên giới với Ukraine. Đặc biệt khi chiến thuật này từng được các lực lượng Nga sử dụng trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, làm dấy lên lo ngại về một cuộc tấn công tiềm tàng vào vùng tây bắc Ukraine.
Đánh giá về tương lai của cuộc xung đột tại Ukraine, Tổng Thư ký NATO Jen Stoltenberg nhận định, gần 10 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Kiev đã giành được một loạt thắng lợi quan trọng và thu hồi những vùng lãnh thổ rộng lớn. Tuy nhiên, Tổng Thư ký NATO cảnh báo, chưa có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Putin “đã từ bỏ mục tiêu bao trùm là kiểm soát Ukraine”.
Ông Jen Stoltenberg chia sẻ: “Chúng ta không nên đánh giá thấp Nga. Nước này đang toan tính lâu dài. Có thể thấy, Moscow đang huy động thêm lực lượng, họ sẵn sàng chấp nhận thêm nhiều thương vong và đang cố tiếp cận thêm nhiều nguồn vũ khí đạn dược. Chúng ta phải hiểu rằng, Tổng thống Putin đã sẵn sàng kéo dài chiến dịch quân sự và phát động những đợt tấn công mới”.
Về tình hình mất điện tại Ukraine, lãnh đạo Tập đoàn năng lượng DTEK của nước này chia sẻ, về cơ bản, hệ thống điện của Ukraine đang bị hư hại nghiêm trọng và sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục.
“Con số này (thời gian khôi phục hệ thống điện) không thể tính bằng ngày”, lãnh đạo DTEK, Sergey Kovalenko nhấn mạnh.
Theo lời ông này, tỉnh Kiev là địa phương đang chịu tình trạng mất điện nặng nề nhất với khoảng 60% dân số không có điện và 70% không có nước. Tình hình tại nhiều địa phương khác tại Ukraine cũng không mấy khả quan và phải áp dụng cắt điện luân phiên.