Chiến sự Nga-Ukraine ngày 14/9/2024: Quân đội NATO có mặt ở Ukraine; xung đột sẽ kết thúc theo điều kiện của Nga
Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Quân đội NATO có mặt ở Ukraine
Chuyên gia quân sự Nga Anatoly Matviychuk cho biết, các công ty quân sự tư nhân phương Tây (PMC) hiện diện ở Ukraine có thể là lực lượng ngụy trang của lực lượng chính quy của từng quốc gia NATO.
“Ngày càng có nhiều thông tin cho rằng PMC ở Ukraine chẳng qua là lực lượng chính quy ngụy trang. Có đơn vị của quân đoàn nước ngoài, có đơn vị của Ba Lan. Họ đang thử nghiệm binh sĩ ở Ukraine. Có một đơn vị được biên chế bởi các sĩ quan từ một số nước vùng Baltic”, ông Matviychuk nói.
This browser does not support the video element.
Theo ông, các nước NATO hiện chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột mở với Nga và việc chuyển quân sang Ukraine diễn ra trong bối cảnh có vấn đề về hậu cần và vũ khí.
Chuyên gia quân sự Nga tin rằng, đối với bước đi nguy hiểm như vậy, tình huống khẩn cấp nào đó đối với lực lượng vũ trang Ukraine đã xảy ra ở tiền tuyến.
“Riêng Pháp, Ba Lan, Romania có thể sử dụng lực lượng dự phòng. Ví dụ, Ba Lan có thể vào miền Tây Ukraine. Nhưng để cuộc đối đầu có quy mô toàn cầu chưa nằm trong chương trình nghị sự rất có thể sẽ có sự mở rộng hỗ trợ quân sự, tạo điều kiện cho các hành động phá hoại và khủng bố chống lại Nga”, ông Matviychuk nhấn mạnh.
Xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc theo điều kiện của Nga
Nhà quan sát Italia Alessandro Orsini nhận định, xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc theo các điều khoản của Nga và sẽ trở thành thảm họa đối với Ukraine.
Ukraine tránh sử dụng xe tăng phương Tây trên chiến trường. Ảnh: Sputnik |
“Cuộc chiến này sẽ chỉ kết thúc theo các điều khoản của Tổng thống Putin. Chính sách của NATO đã hủy hoại Ukraine và gây nguy hiểm cho tương lai của nước này”, ông Orsini nói.
Ukraine tránh sử dụng xe tăng phương Tây trên chiến trường
Tờ Wall Street Journal đưa tin, lực lượng vũ trang Ukraine tránh sử dụng xe tăng phương Tây trên chiến trường do nguy cơ bị mất phương tiện là rất cao.
“Hàng chục xe tăng tiên tiến của phương Tây bắt đầu được sử dụng trên chiến trường chỉ trong những trường hợp hiếm hoi… một số đã bị hư hỏng, phá hủy hoặc bị Nga thu giữ”, báo cáo cho biết.
Wall Street Journal dẫn ví dụ về lữ đoàn cơ giới số 47 của lực lượng vũ trang Ukraine vốn đang hy vọng rằng khi nhận được xe tăng Abrams của Mỹ sẽ có thể đạt được bước đột phá. Tuy nhiên, trên thực tế, những chiếc xe tăng này được cung cấp đều “đứng yên trên cánh đồng” cách mặt trận nhiều km vì có nguy cơ cao bị mất khi quân đội Nga tấn công.
This browser does not support the video element.
Trong khi đó, Đại tướng James Rainey, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Tương lai Lục quân Mỹ thừa nhận, các đơn vị thiết giáp của Mỹ đang cần được hiện đại hóa khẩn cấp.
“Trong ngắn hạn, chúng tôi thực sự cần thực hiện một số điều chỉnh khẩn cấp để hỗ trợ hiệu quả chiến đấu liên tục của các đội hình thiết giáp”, ông Rainey nói.
Tạp chí Military Watch trước đó đưa tin Ukraine đã mất khoảng 20 xe tăng Abrams M1A1 của Mỹ trong tổng số 31 chiếc được cung cấp trong 6 tháng qua.
Mỹ nói về vấn đề Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công Nga
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông John Kirby cho biết, Mỹ không có kế hoạch công bố bất kỳ chính sách mới nào về Ukraine và việc sử dụng tên lửa tầm xa.
“Không có thay đổi nào đối với quan điểm của chúng tôi về việc cung cấp khả năng tấn công tầm xa để Ukraine sử dụng tấn công vào bên trong nước Nga”, ông Kirby nói.
This browser does not support the video element.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia nói thêm, ông “không mong đợi bất kỳ thông báo quan trọng nào về vấn đề đó” từ các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Washington vào ngày 13/9.
Theo ông, Mỹ đang nghiêm túc xem xét lời cảnh báo của Tổng thống Putin rằng ông sẽ xem xét phương Tây trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột nếu Ukraine bắn tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất vào lãnh thổ Nga nhưng đó không phải là lập trường mới của ông Putin.