Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 28/8/2023: Ukraine hối thúc, nhưng Mỹ và phương Tây vẫn không vội viện trợ vũ khí
Trong những ngày gần đây, nhiều hãng thông tấn phương Tây đã úp mở về những vòng đàm phán bí mật giải quyết xung đột Ukraine giữa các cựu quan chức Mỹ và giới chức ngoại giao Nga.
Theo đánh giá của chuyên gia quân sự, Đại tá Mikhail Khodarenok với tờ Gazeta, dù các thông tin chính thức về các vòng đàm phán bí mật trên chưa được công khai, nhưng chính khối lượng vũ khí viện trợ nhỏ giọt của Mỹ và phương Tây trong thời gian qua cho Ukraine đã minh chứng vấn đề này.
Đàm phán sau lưng “đồng minh”
Đầu tháng 7/2023, hãng tin NBC News của Mỹ đăng tải thông tin các cựu quan chức Mỹ đã có cuộc hội kiến bí mật với giới chức ngoại giao Nga để tìm hướng giải quyết xung đột tại Ukraine bằng giải pháp ngoại giao. Theo đó, ít nhất 1 cựu quan chức Mỹ đã tới Nga để xúc tiến vấn đề này. Dù cuộc đàm phán diễn ra trong vòng bí mật, nhưng đã phần nào thể hiện quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden về khả năng rút lui khỏi cuộc xung đột Ukraine trong danh dự.
Đã đổ hàng chục tỷ USD viện trợ vũ khí cho Ukraine, nhưng những gì thu lại chưa đáp ứng kỳ vọng của các “nhà tài trợ” |
Nội dung chính trong cuộc đàm phán bí mật nói trên là số phận của các vùng lãnh thổ đã được Nga sáp nhập trong năm 2022 và tìm kiếm khả năng giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao được cả Nga và Ukraine chấp nhận.
Theo NBC News, ông Thomas Graham, nhà khoa học chính trị người Mỹ, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ George W. Bush về vấn đề Russia and Eurasia đã tới Nga để đàm phán. Dù mọi thông tin liên quan tới đàm phán không được công khai, nhưng điều này thể hiện Washington không “đặt hết trứng vào giỏ” trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Ukraine chỉ mới nhận viện trợ vài % kho vũ khí của đồng minh
Một trong những yếu tố chứng minh Mỹ và phương Tây không dồn hết nguồn lực trong cuộc xung đột tại Ukraine chính là khối lượng vũ khí viện trợ cho Kiev thực tế không quá lớn và đang ngày càng ít đi.
Chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok đánh giá, có nhiều phương diện để đánh giá về viện trợ quân sự của Mỹ và phương Tây dành cho Ukraine. Cụ thể, Mỹ đã sản xuất tổng cộng 540 hệ thống HIMARS, nhưng chỉ có 24 phương tiện phóng được viện trợ cho Ukraine.
Cuộc phản công chậm chạm của Ukraine đang khiến Mỹ và đồng minh có thêm các phương án đối với cuộc xung đột |
Về pháo phản lực M270, Anh đã giao 6 xe cho Ukraine, Đức – 3 xe M270V1 và 5 chiếc M270 MARS II, Pháp giao 3 xe LRU, Italia - 2 xe M270. Tổng cộng, Quân đội Ukraine được tiếp nhận 40 phương tiện, tương đương trang bị của một trung đoàn.
“Chỉ có khoảng 3% các loại hệ thống pháo phản lực được viện trợ cho Ukraine. Đây là con số quá nhỏ bé”, chuyên gia Mikhail Khodarenok đánh giá.
Theo lời ông Mikhail Khodarenok, với 40 phương tiện phóng, Ukraine khó có thể giành ưu thế hoặc chiến thắng trên chiến trường, mà đơn giản chỉ là bước đệm cho giai đoạn giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các gói viện trợ xe tăng. Các quốc gia phương Tây đã chuyển giao cho Ukraine khoảng 60 xe tăng Leopard-2, tương đương 2 tiểu đoàn. Trong khi đó, 3.600 xe tăng Leopard-2 được sản xuất tại Đức, tức 1,6% số xe tăng được viện trợ cho Ukraine.
Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, trong cuối năm 2023, Ukraine sẽ nhận thêm khoảng 60 xe tăng M1 Abrams từ Mỹ. Số lượng xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley viện cho Ukraine không được tiết lộ, nhưng theo một số nguồn tin, con số này vào khoảng 113 xe. Trong kho trang bị của Quân đội Mỹ có tổng cộng 2.900 phương tiện loại này.
Với số lượng xe tăng và phương tiện chiến đấu bộ binh chỉ khoảng vài tiểu đoàn, kể cả những chỉ huy quân sự tài năng nhất cũng không thể giúp Ukraine chiến thắng trong một cuộc chiến quy mô với cường quốc quân sự là Nga.
Đối với các loại vũ khí tấn công tầm xa và máy bay chiến đấu, ngoài những lời cam kết, Ukraine hiện vẫn chưa được chuyển giao. Các cuộc thảo luận về khả năng chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa đạn đạo ATACMS đã diễn ra suốt 2 năm qua, nhưng vẫn chưa có động thái cụ thể. Ngoài việc hỗ trợ chuyển loại phi công tại châu Âu, quá trình cung cấp máy bay F-16 dành cho Ukraine vẫn đang dừng ở mức độ cam kết cho tới tận đầu năm 2024.
Những động thái trên cùng với thông tin đã khiến những cuộc đàm phán bí mật giữa Nga và Mỹ để giải quyết xung đột Ukraine bằng con đường ngoại giao càng trở nên thực tế.
“Chúng ta đều biết, nếu Mỹ muốn chiến thắng trong cuộc chiến, thì việc sử dụng quân đội quy mô lớn với đầy đủ trang bị quân sự là điều tất yếu”, chuyên gia Mikhail Khodarenok bình luận.
Chiến lệ này đã được minh chứng tại nhiều cuộc chiến với sự tham gia của Mỹ và đồng minh trong thế kỷ 20. Theo đánh giá của chuyên gia Mikhail Khodarenok, bước ngoặt của cuộc xung đột tại Ukraine có thể diễn ra trong năm 2023, khi Ukraine phản công thất bại và Nga sẽ chuyển trạng thái sang tấn công chủ động.