Chiến sự Nga-Ukraine 24/1/2024: Quân đội Nga đã giàu kinh nghiệm hơn; Mỹ hứa chuyển F-16 trong năm nay
Thông tin chiến sự
Ukraine tiếp tục gặp khó khăn ở chiến trường Đông, Nam. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết, quân đội Ukraine ở miền Đông và miền Nam đất nước vẫn còn rất khó khăn.
Tại Kherson, quân đội Nga tiếp tục dồn lực đẩy lùi các đơn vị Ukraine khỏi các điểm tập kết ở tả ngạn sông Dnipro, song không thành công. Trong khi đó, tại Donetsk, các lực lượng Nga đã 32 lần tiến công tại các chiến trường chủ lực như Lyman, Bakhmut, Avdiivka, Marinka.
Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine trong ngày qua không quân Ukraine đã không kích vào 10 cụm nhân lực, vũ khí và thiết bị quân sự, 2 hệ thống phòng không, 1 sở chỉ huy của các lực lượng Nga.
Chiến sự Nga-Ukraine tiếp tục leo thang ở các chiến trường miền đông, nam |
Ukraine xây thành đắp lũy dọc chiến tuyến. Theo phía Ukraine, những bước tiến Nga đạt được trên chiến trường đã buộc nước này phải áp dụng thế phòng thủ chặt chẽ hơn. Sau khi không tái chiếm được các khu vực rộng lớn ở phía Nam theo kế hoạch, Tổng thống Zelensky đã yêu cầu quân đội xây dựng các công sự mới dọc theo chiến tuyến dài 1.000 km.
Nga tập kích cơ sở sản xuất vũ khí của Ukraine. Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng nước này đã mở 1 đợt tấn công vào các cơ sở sản xuất đạn dược của Ukraine.
“Lực lượng Nga đã sử dụng vũ khí phóng từ trên không và trên mặt đất tầm xa, có độ chính xác cao để tấn công các cơ sở phòng thủ của Ukraine. Các cơ sở này sản xuất tên lửa, linh kiện tên lửa, đạn dược và chất nổ. Tất cả các mục tiêu được chỉ định đều bị tập kích”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Một số diễn biến liên quan
Quân đội Nga đã giàu kinh nghiệm hơn sau 2 năm. Tờ Breaking Defense dẫn lời một quan chức Anh giấu tên cho biết, quân đội Nga đã trở nên giàu kinh nghiệm hơn sau gần 2 năm thực hiện các hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine và các kỹ năng của họ tiếp tục được cải thiện.
“Hai năm về chiến sự đã biến quân đội Nga thành một lực lượng giàu kinh nghiệm hơn nhiều”, quan chức Anh cho hay.
Theo quan chức này, các tuyến phòng thủ của Nga được xây dựng tốt, phòng thủ tốt và ẩn giấu tốt. “Lực lượng Nga cũng đang cải thiện các cuộc tấn công dựa trên thông tin tình báo”.
Quan chức Anh cho biết thêm, những tiến bộ của Nga đã khiến Ukraine gặp khó khăn hơn trong việc phát động phản công và cũng buộc nước này phải sử dụng các chiến thuật phù hợp hơn.
Nga điều kiện đàm phán với Ukraine. Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã bác bỏ tuyên bố của người đồng cấp Mỹ Antony Blinken về việc Moscow “không thể hiện thiện chí đàm phán”.
“Điều đó là không đúng, Nga luôn sẵn sàng đối thoại về bất cứ đề xuất nghiêm túc nào. Moscow sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp đảm bảo được cả lợi ích quốc Nga và người dân Ukraine”, ông Lavrov nói bên lề cuộc họp của Liên Hợp Quốc về tình hình Trung Đông.
Cũng theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga từ lâu đã bày tỏ quan ngại về sự mở rộng của NATO, và chiến dịch quân sự đặc biệt là một điều cần thiết. Ngoài ra, Bộ trưởng Nga cho rằng tình hình ở Ukraine sẽ không thay đổi ngay cả khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Mỹ hứa cung cấp tiêm kích F-16 đầu tiên cho Ukraine trong năm nay. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế, bà Celeste Wallander cho biết, mục tiêu của Lầu Năm Góc là Ukraine bắt đầu sử dụng máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên của Mỹ vào năm 2024.
Theo quan chức quốc phòng, “tin vui” là phương Tây tiếp tục giải quyết vấn đề chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine. “Một số phi công Ukraine đang được đào tạo tại một căn cứ Không quân ở Mỹ và mục tiêu là Ukraine sẽ bắt đầu vận hành những máy bay này vào cuối năm nay”, bà Wallander cho biết.
Ukraine nói về mục tiêu của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov cho rằng, Nga chưa đạt được mục tiêu đề ra và Ukraine vẫn còn cơ hội đảo ngược tình thế.
Ông Umierov khẳng định rằng Nga chưa đạt được mục tiêu đã đề ra và Ukraine vẫn còn cơ hội lật ngược tình thế ở tiền tuyến.
“Tôi không cho rằng việc tiêu tốn nguồn lực quân sự khổng lồ để kiểm soát 2 thành phố đổ nát, Bakhmut và Marinka, là mục tiêu đề ra của Nga. Đối thủ thiệt hại trung bình 400 binh lính để đổi lấy 1km2 lãnh thổ. Dù có số đạn pháo nhiều gấp 6 lần Ukraine thì Nga cũng không thể chiếm được lợi thế trên tiền tuyến. Hãy tưởng tượng tình hình sẽ ra sao nếu cả hai bên có số đạn dược tương đương nhau”, ông Umierov nói.
Theo ông Umierov, mục tiêu trọng tâm trong năm 2024 của quân đội Ukraine là duy trì đủ đạn dược và vũ khí cho tiền tuyến, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ quốc phòng vào cả tập kích và phòng thủ.
Thụy Sĩ hy vọng mở ra đối thoại về đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết, Thụy Sĩ hy vọng sẽ thông suốt cuộc đối thoại về việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, vì những cuộc đàm phán như vậy là không thể nếu không có Moscow.
“Rõ ràng là không thể có giải pháp hòa bình nếu không có Nga, vì nó liên quan trực tiếp đến nước này. Mục đích của cuộc gặp là để mở ra một cuộc đối thoại theo hướng này”, ông Cassis bình luận về cuộc gặp trước đó với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
NATO ký hợp đồng mua đạn pháo hỗ trợ Ukraine. NATO đã ký thỏa thuận mua đạn pháo 155mm trị giá 1,2 tỷ USD thay mặt cho một số thành viên liên minh. Số đạn pháo này sẽ được chuyển tới Ukraine và bổ sung vào kho dự trữ chung.
Một quan chức NATO cho biết, số đạn này do một công ty Pháp và một tập đoàn của Đức cung cấp. Lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2025.
“Xung đột ở Ukraine đang trở thành một vòng xoáy đạn dược. Các thành viên của NATO cần phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine, và cũng cần lấp đầy kho dự trữ của mình”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.