Chiến sự Israel-Hamas ngày 13/6/2024: Cả Israel và Hamas đều vi phạm tội ác chiến tranh
Kết luận cuộc điều tra của Liên hợp quốc cho thấy cả Israel và Hamas đều phạm tội ác chiến tranh trong giai đoạn đầu nổ ra xung đột ở Dải Gaza.
Ủy ban Điều tra Liên hợp quốc (COI) ngày 12/6 công bố hai báo cáo độc lập, gồm cuộc điều tra về việc Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023 và chiến dịch quân sự trả đũa của Tel Aviv.
Các hoạt động quân sự đẫm máu của IDF khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích. Ảnh: AP |
Các cuộc điều tra trình bày đánh giá về giai đoạn đầu xung đột tới tháng 12/2023 chứng minh rằng cả Israel và Hamas đều phạm tội ác chiến tranh như tra tấn, giết người, xúc phạm nhân phẩm, đối xử vô nhân đạo. Israel bị kết luận phạm thêm tội ác gồm sử dụng nạn đói như một phương thức chiến tranh, chặn nguồn cung thiết yếu cho người dân tại Dải Gaza.
"Số thương vong dân sự lớn ở Dải Gaza và việc phá hủy quy mô lớn các vật thể, cơ sở hạ tầng dân sự là kết quả của một chiến lược mang mục đích gây thiệt hại tối đa, bất chấp nguyên tắc phân biệt rõ mục tiêu, đáp trả tương ứng", COI ra tuyên bố.
COI nói thêm một số tội ác chiến tranh của Israel như giết người có thể cấu thành "tội ác chống loài người", thuật ngữ dùng để mô tả tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất, được cố ý thực hiện như một phần của cuộc tấn công có hệ thống hoặc trên diện rộng nhằm vào dân thường không vũ trang
Báo cáo của COI dựa trên các cuộc phỏng vấn với nạn nhân, nhân chứng, bài viết, hình ảnh vệ tinh, số liệu y tế và các nguồn tin đã được xác minh. Những tài liệu này sẽ được Hội đồng Nhân quyền LHQ thảo luận tại Geneva vào tuần tới.
Israel không hợp tác với COI và cáo buộc cơ quan này có thành kiến. COI trong khi đó cáo buộc Israel cản trở các điều tra viên, không cho họ tiếp cận ở cả Israel và các khu vực Dải Gaza đang do quân đội nước này kiểm soát.
Phái đoàn ngoại giao của Israel tại LHQ đã bác bỏ kết luận của COI. Đại sứ Israel tại LHQ Meirav Eilon Shahar nói: "COI một lần nữa cho thấy các hành động của họ đều nhằm mục đích chống lại Israel". Hamas chưa bình luận về cuộc điều tra.
Khung cảnh đổ nát tại một trại tỵ nạn ở Dải Gaza sau đòn tấn công của Israel. Ảnh: Getty |
Trong một số trường hợp, bằng chứng do các cơ quan được LHQ ủy quyền thu thập như COI có thể trở thành cơ sở cho việc truy tố tội ác chiến tranh và được Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) sử dụng.
Trong khi đó, các đánh giá từ giới chuyên gia cho thấy, chiến dịch giải cứu con tin của Israel thành công về mặt quân sự, nhưng gây thương vong lớn với dân thường Gaza, khiến Tel Aviv đối mặt nhiều chỉ trích.
Lực lượng đặc nhiệm Israel cuối tuần qua tiến hành cuộc đột kích táo bạo vào trại tị nạn Nuseirat ở Gaza, giải cứu thành công 4 con tin nước này đang bị Hamas giam. Tuy nhiên, chiến dịch cũng đã khiến ít nhất 274 người Palestine thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, theo thống kê của cơ quan y tế Dải Gaza.
Số thương vong trong cuộc giải cứu con tin của Israel đã làm dấy lên nhiều con hỏi về việc liệu Tel Aviv có thực sự muốn bảo vệ thường dân Palestine trong cuộc chiến chống Hamas ở Dải Gaza hay không?
Không rõ có bao nhiêu trong số thương vong trên là các thành viên Hamas hoặc bao nhiêu người thiệt mạng vì hỏa lực của Israel, nhưng cơ quan y tế Dải Gaza cho biết rất nhiều nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Các nhân chứng cho biết họ bị sốc trước quy mô và mức độ của cuộc tấn công và cuộc đột kích đã tăng thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã bị tàn phá ở Dải Gaza.
4 con tin Israel mới được cứu bị Hamas giam trong các trại tị nạn đông người, điều này đã được những con tin được thả theo thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 11 năm ngoái kể lại. Liên quan tới cuộc tấn công đột kích và nhiều hoạt động tấn công khác, Lực lượng phòng vệ Israel nói rằng Hamas phải chịu trách nhiệm về thương vong dân thường vô tội vì đã giam giữ con tin và xây dựng cơ sở quân sự trong các khu vực dân sự.
"Mỗi người dân thiệt mạng trong cuộc chiến này đều là hệ quả hành động của Hamas", Peter Lerner, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nói.
Các chuyên gia cho rằng sẽ khó tìm ra câu trả lời cho tới khi chiến tranh kết thúc và những nhà điều tra tiếp cận được Dải Gaza. Tuy nhiên, Israel đã phải chịu áp lực pháp lý ngày càng lớn vì những hành động của họ ở dải đất này. Tháng 5/2024, công tố viên trưởng của Tòa Hình sự Quốc tế tuyên bố đang xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại.