Cây cầu có nhiều dấu ấn nhất Đà thành nâng nhịp phục vụ du lịch
TP. Đà Nẵng nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi - cây cầu có nhiều dấu ấn nhất Đà thành nhằm khai thác đi bộ, thu hút khách du lịch đến với thành phố.
Cây cầu có nhiều dấu ấn nhất Đà thành - cầu Nguyễn Văn Trỗi (bắc qua sông Hàn, nằm bên cạnh cầu Trần Thị Lý) vừa được UBND thành phố Đà Nẵng thống nhất phương án nâng, hạ nhịp, khai thác đi bộ trên cầu để kích thích khách du lịch đến với thành phố. Trước đây, cầu Nguyễn Văn Trỗi thường được nâng, hạ nhịp cầu để phục vụ tàu, thuyền có chiều cao, tải trọng lớn đi qua. |
Theo đó, việc nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ diễn ra 01 lần/ngày vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ, Tết trong khung giờ từ 16h00 đến 18h00 tại nhịp cầu số 9 (nằm vị trí giữa cầu). |
Việc thí điểm sẽ diễn ra trong 2 ngày 4-5/6 làm cơ sở đánh giá hiệu quả về khai thác du lịch khi nâng, hạ cầu cũng như đánh giá về công tác đảm bảo trật tự, an toàn khi khai thác du lịch. Sau đó, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá vào ngày 20/6 tới. |
Cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng vào năm 1960, gồm 14 nhịp thép Poni với tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy rộng 8,5m. Cùng với việc đô thị hóa, cầu Nguyễn Văn Trỗi không đáp ứng được nhu cầu giao thông phát triển từng ngày của thành phố Đà Nẵng, đầu năm 2013, cầu được chuyển dụng mục đích thành cầu đi bộ, đây cũng là cầu đi bộ đầu tiên bắc ngang qua sông Hàn của thành phố. |
Nhân viên kỹ thuật Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng đang tiến hành công tác kiểm tra, đánh giá an toàn khi nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi trong buổi đầu tiên nâng, hạ phục vụ du lịch. |
Lãnh đạo, cán bộ, nhân viên kỹ thuật các Sở, Ban, ngành tiến hành đánh giá, khảo sát cầu Nguyễn Văn Trỗi. |
Một số chi tiết máy móc, gầm cầu Nguyễn Văn Trỗi phục vụ cho công tác nâng, hạ nhịp cầu. |
Trao đổi với PV Báo Công Thương, ông Nguyễn Trung Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Đà Nẵng (bìa phải, ngoài cùng) cho biết, chiều cao nâng tối đa của cầu Nguyễn Văn Trỗi là 3,3m, thời gian thực hiện quá trình nâng tốn 30 phút. Tất cả quá trình nâng, hạ đều diễn ra tự động, được cơ giới hóa. |
Về vấn đề khai thác đi bộ trên cầu, UBND thành phố Đà Nẵng khuyến cáo, đề phòng nguy cơ mất an toàn trong việc khai thác đi bộ, du lịch trên cầu, yêu cầu số lượng người không vượt quá 200 người trên 01 nhịp (cầu Nguyễn Văn Trỗi có 14 nhịp) và nghiêm cấm tổ chức diễu hành trên cầu. Được biết, khi tiến hành nâng, hạ nhịp cầu, lực lượng chức năng cũng sẽ rào chắn không cho du khách lên cầu nhằm đảm bảo an toàn. |
Nhiều người dân tỏ ra thích thú với việc nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi, gợi lên ký ức lịch sử về thành phố một thời “ngăn sông cách đò”, và là minh chứng cho sự vận động, phát triển không ngừng của thành phố đáng sống nhất Việt Nam. |
Cầu Nguyễn Văn Trỗi là địa điểm “check-in” nổi tiếng tại thành phố Đà Nẵng. Dự kiến việc triển khai nâng, hạ nhịp cầu phục vụ du lịch sẽ mang lại cho người dân và du khách thêm một sản phẩm du lịch mới, độc đáo, thu hút du khách đến với thành phố. |
Bài viết cùng chủ đề:
Du lịch