Cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh để môi trường cạnh tranh công bằng
Nhà đầu tư nước ngoài không cần chứng minh kinh nghiệp 3 năm hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam
Theo phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương, đối với lĩnh vực quản lý cạnh tranh, trong năm 2025, Bộ dự kiến sẽ cắt giảm, đơn giản hoá 1 yêu cầu, điều kiện và 1 thủ tục hành chính.
Cụ thể với yêu cầu, điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ Công Thương dự kiến sẽ cắt giảm, đơn giản hoá các điều kiện mới với nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến bãi bỏ quy định yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động bán hàng đa cấp (đã có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trước khi Nghị định 18/2023/NĐ-CP (Nghị định 18) ngày 28/4/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP (Nghị định 40) ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được ban hành) phải chứng minh điều kiện kinh nghiệm 3 năm liên tiếp hoạt động bán hàng đa cấp khi gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Lý do được Bộ đưa ra là, khoản 4 Điều 1 Nghị định 18 đã bổ sung một số điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như: “Trong trường hợp tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông, tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đó phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp trong thực tế tối thiểu là 3 năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới”.
Theo quy định trên, doanh nghiệp đang hoạt động, đã có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cũng phải đáp ứng điều kiện này khi thực hiện gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Bộ Công Thương dự kiến sẽ cắt giảm, đơn giản hoá các điều kiện mới với nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động bán hàng đa cấp. Ảnh: Linh Anh |
Phân tích kỹ hơn, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thì đã hoạt động ở Việt Nam 5 năm (thời gian giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 5 năm), nên đương nhiên đáp ứng điều kiện “phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp trong thực tế tối thiểu là 3 năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới”.
Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp vẫn phải nộp các thành phần hồ sơ tài liệu để chứng minh điều kiện này. “Đây là nội dung không cần thiết trong thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Do đó, cần loại bỏ quy định này để giảm chỉ phí cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp” - Bộ Công Thương nêu.
Ngoài ra, việc không áp dụng điều kiện mới với nhà đầu tư hiện hữu cũng đảm bảo phù hợp với tinh thần của pháp luật về đầu tư trong việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi pháp luật thay đổi.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị bãi bỏ nội dung “Tại thời điểm thực hiện việc gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đáp ứng các điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp quy định tại Điều 7 Nghị định này” tại khoản 3 Điều 3; và sửa đổi khoản 11 Điều 1 Nghị định 18 như sau: “11. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 Điều 14 như sau: “c) Các tài liệu quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 11 Điều 9 Nghị định này trong trường hợp có thay đổi so với lần sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp gần nhất”.
Bộ Công Thương cho biết, lộ trình thực hiện đối với yêu cầu, điều kiện này là trong năm 2025. Và khi được cắt giảm, đơn giản hoá lợi ích của phương án này là tiết kiệm khoảng 42% chi phí cho doanh nghiệp.
Cụ thể, chi phí tuân thủ trước khi cắt giảm, đơn giản hóa là 564.658 đồng/thủ tục; chi phí ước tính chuẩn bị giấy tờ tài liệu liên quan đến nội dung đề xuất cắt giảm là: 8 giờ làm việc x 30.035 đồng/giờ làm việc = 240.280 đồng; chi phí tuân thủ sau khi cắt giảm, đơn giản hóa là 324.378 đồng/thủ tục; chi phí tiết kiệm tạm tính là 240.280 đồng; chi phí tuân thủ tiết kiệm tạm tính giả định 10 thủ tục/năm: 2.402.800 đồng/năm, tương đương tỷ lệ cắt giảm chi phí khoảng 42%.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh
Đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương dự kiện cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục thông báo thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp (Mã thủ tục hành chính là 1.003786). Theo đó, nội dung cắt giảm, đơn giản hóa là bãi bỏ thủ tục hành chính Thông báo thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Lý do được Bộ Công Thương đưa ra là, theo quy định tại Nghị định 40 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 18, doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cần cung cấp danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp với các thông tin: Tên, chủng loại, xuất xứ, quy cách đóng gói, chế độ bảo hành (nếu có), giá bán và số điểm thưởng quy đổi tương ứng với giá bán, thời điểm áp dụng. Quá trình hoạt động, nếu có thay đổi thông tin nào trong danh mục hàng hóa, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi thông tin đến Bộ Công Thương.
Thủ tục này chủ yếu để cơ quan quản lý nắm bắt được doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm gì. Bộ Công Thương không phê duyệt hay cho phép doanh nghiệp được kinh doanh hay không được kinh doanh sản phẩm gì, không can thiệp đến giá bán sản phẩm, mà chỉ tiếp nhận để nắm bắt thông tin về hoạt động bán hàng của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Hơn nữa, do thời gian giải quyết hồ sơ là 15 ngày làm việc, doanh nghiệp cần xác định cụ thể ngày dự kiến áp dụng các thông tin mới, ví dụ như bổ sung thêm sản phẩm vào danh mục… Trong trường hợp thông tin trong hồ sơ có nội dung không thống nhất hay không rõ ràng, doanh nghiệp sẽ phải sửa đổi bổ sung và điều chỉnh lùi ngày áp dụng danh mục mới. Điều này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong trường hợp đã ấn định ngày ra mắt các sản phẩm mới và thực hiện các hoạt động liên quan để ra mắt sản phẩm.
Bộ Công Thương cho biết, việc cắt giảm thủ tục hành chính này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp được chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh và tiết kiệm được chi phí tài chính, nguồn nhân lực thực hiện thủ tục. Cơ quan quản lý cũng giảm được nguồn nhân lực thực hiện thủ tục.
“Việc cắt giảm thủ tục này cũng không ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý vì có thể chuyển sang cơ chế yêu cầu doanh nghiệp tự công bố công khai danh mục hàng hóa để đảm bảo tính minh bạch” - Bộ Công Thương khẳng định.
Theo Bộ Công Thương, để cắt giảm thủ tục này, cần điều chỉnh các quy định tại Nghị định 40 theo hướng: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 Nghị định 40: Trong trường hợp có thay đổi thông tin tại danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp trước khi áp dụng; đồng thời, bãi bỏ khoản 3 Điều 12 Nghị định 40 về “Trình tự, thủ tục thông báo thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp”.
Lộ trình được Bộ Công Thương đặt ra với việc cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính này là năm 2025. Nếu được thực hiện, phương án này sẽ mang lại lợi ích là cắt giảm 100% chi phí cho doanh nghiệp.
Theo đó, trước khi cắt giảm, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính này đối với một lượt thực hiện thủ tục hành chính là 326.000 đồng/thủ tục, bao gồm chi phí về nhân công chuẩn bị hồ sơ, in ấn hồ sơ, gửi hồ sơ, nhận hồ sơ. Số lượng thủ tục được thực hiện trong các năm gần đây vào khoảng 70 - 80 thủ tục/năm. Như vậy tổng chi phí tuân thủ đối với 1 năm thực hiện thủ tục này là 210.245 đồng x 70 thủ tục/năm = 14.717.150 đồng/năm.
Còn chi phí tuân thủ sau khi cắt giảm, đơn giản hóa là 0 đồng; tiết kiệm tạm tính 14.717.150 đồng/năm, tương đương tỷ lệ cắt giảm là 100%.
Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương và đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm khi phát hiện những quy định không còn phù hợp hoặc khi có phản ánh, kiến nghị về các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương.