Cảnh báo nguy cơ chập điện, sự cố cháy nổ do nắng nóng
Sự cố cháy nổ đáng tiếc
Vào đêm qua (17/7) tại Đắk Lắk đã cháy chợ thị xã Buôn Hồ thiêu rụi 28 ki ốt, nhiều tài sản bị thiêu rụi. Sáng ngày 18/7, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Ngọn lửa bao trùm một góc chợ Đọ Xá (Bắc Ninh) tại vụ cháy sáng ngày 13/7 |
Cũng trong đầu tháng 7 này, nhiều vụ cháy có một phần nguyên nhân do chập điện đã diễn ra trên cả nước như: Vụ cháy trong Khu công nghiệp Phú Tài (Bình Định) vào ngày 3/7; cháy chợ Đọ Xá (Bắc Ninh) sáng ngày 13/7 thiêu rụi hàng trăm gian hàng, thiệt hại ước tính trên 33 tỷ đồng; hay ngày 5/7, do người dân đấu điện bẫy chuột, điện bị hở trong lúc có mưa đã khiến một vụ tử vong tại cánh đồng trồng ớt ở thôn Đặng Xá (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội)…
Thực tế cho thấy, hàng năm cứ bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân để làm mát, làm lạnh và phục vụ việc sản xuất, kinh doanh tăng cao, đặc biệt với những thiết bị công suất lớn, tiêu thụ điện cao như quạt máy, điều hòa…. Nhiều thiết bị điện hoặc sản phẩm sử dụng điện kém an toàn, cùng những bất cẩn trong quá trình sử dụng thiết bị điện có thể dẫn đến các sự cố quá tải, chập điện và gây ra cháy, nổ.
Sự cố chập điện, hỏa hoạn không chỉ thiệt hại đến kinh tế, tính mạng mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Theo ước tính của cơ quan chức năng, đến 70-80% nguyên nhân của các vụ cháy nổ, đặc biệt trong mùa mưa bão xuất phát từ hệ thống điện do chạm chập, hay các hiện tượng ngắn mạch, đoản mạch… thế nhưng, việc lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy hiện vẫn thiếu sự đồng bộ, phối hợp giữa các ngành, khiến cho tình trạng cháy nổ liên quan đến chập điện ngày một tăng.
Đơn cử tại Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm 2022, địa phương này đã xảy ra 1.778 vụ sự cố chạm, chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân và cháy cỏ, rác.
Trong khi tại Đồng Nai đã xảy ra 17 vụ cháy trong 6 tháng đầu năm 2022, đa phần các sự cố xảy ra ở cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nguyên nhân được xác định chủ yếu là sự cố về điện và kỹ thuật (chiếm gần 30% số vụ).
Ý thức của người dân là quan trọng nhất
Các khu vực chợ là nơi nguy cơ dẫn đến chập điện, cháy, nổ trong mùa hè cao, bởi qua quan sát của phóng viên nhiều chủ sạp rất thiếu cẩn trọng khi sử dụng thiết bị điện, không chấp hành nghiêm quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ, như: Khoảng cách giữa các quầy, sạp ở một số chợ không bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ; việc sắp xếp hàng hóa lấn chiếm, gây cản trở đi lại; câu mắc, sử dụng điện không tuân thủ theo quy định; lực lượng ứng trực sẵn sàng chữa cháy còn mỏng, chưa bảo đảm yêu cầu; việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt chưa tốt…
Trước thực tế đáng lo ngại vẫn tiếp tục gia tăng, giới chuyên gia cho rằng, hơn bao giờ hết, công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ ngay từ ban đầu, từ cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ dân cư là hết sức quan trọng. Bên cạnh việc cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện quy định và triển khai lắp đặt hệ thống phòng chống cháy nổ, rất cần đến ý thức chấp hành, sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp...
Thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày tới, nắng nóng tại khu vực miền Bắc và miền Trung vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt. Để nâng cao công tác phòng chống, cháy nổ do sự cố về điện, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, việc thiết kế, lắp đặt và sử dụng điện cần đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định về an toàn điện; không được câu, móc, kéo điện sau công tơ của khách hàng sử dụng điện này làm nguồn điện sử dụng cho hộ tiêu thụ khác; không tự ý đấu nối, kéo điện từ sau công tơ của khách hàng sử dụng điện ra ngoài sử dụng vào mục đích khác.
Đặc biệt không tự ý sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng hoặc làm thay đổi kết cấu mạch điện đã được phê duyệt trong hợp đồng mua bán điện khi chưa qua các lớp đào tạo về kỹ thuật điện, điện dân dụng và an toàn điện.
Chập điện là nguyên nhân hàng đầu và thường gặp nhất dẫn đến cháy nổ. Để tránh nguy cơ rủi ro, đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp cũng đưa ra một số cách phòng tránh và xử lý cháy nổ do bị chập điện an toàn hiệu quả.
Theo đó, với các khu dân cư, hộ gia đình, từng người dân phải nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn như kiểm tra lại dây dẫn điện bên trong nhà và dây dẫn điện từ bên ngoài vào nhà. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho cả công trình, từng khu vực trong khu vực kho bãi, xưởng sản xuất; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.
Bên cạnh đó, trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của từng khu vực sản xuất; thực hiện đầy đủ biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy khi sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhất là chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ như xăng, dầu, khí cháy. Phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra các đường dây điện tại những khu vực có nguy cơ cao để hạn chế tối đa sự vụ có thể xảy ra do chập điện.