Cần xây dựng bộ lọc cho các dự án đầu tư nước ngoài
Tích cực triển khai nhiệm vụ
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, Bộ KH&ĐT đã thực hiện rất tốt công tác xây dựng thể chế, pháp luật. Đáng chú ý, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ phiếu tán thành đạt 90,7%, đây là nền tảng để Chính phủ nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công và khơi thông nguồn lực đầu tư cho phát triển của cả Nhà nước và khu vực tư nhân; thực hiện nhiều hoạt động phổ biến và đưa Luật Quy hoạch ứng dụng vào thực tiễn đời sống. Công tác thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt kết quả khả quan khi Bộ đã triển khai tốt công tác xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ giàu tiềm năng, lợi thế và hỗ trợ các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham gia và chỉ đạo Hội nghị |
Riêng về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ đã chủ trì thành lập một số đoàn công tác trực tiếp làm việc tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm giám sát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; rà soát báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang đơn vị có nhu cầu về vốn và tỷ lệ giải ngân cao, góp phần đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng đã đạt nhiều kết quả tích trong công tác thống kê; xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII; triển khai các nội dung liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Với kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Ngành KH&ĐT đã có đóng góp quan trọng trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những tháng đầu năm. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,79%, lạm phát được giữ ổn định, thu ngân sách tăng trưởng gần 14% và tăng ở khắp các khu vực kinh tế. “Dự kiến trong tháng 7, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, bình quân lạm phát 7 tháng sẽ thấp hơn bình quân 6 tháng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.
Đáng lưu ý, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành rất sớm nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, làm nền tảng phấn đấu cho cả 1 năm của tất cả các bộ, ngành và các địa phương.
Về phía các địa phương, Hải Phòng là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước những tháng đầu năm khi có 4 chỉ tiêu tăng từ 10-15% so với cùng kỳ. Theo ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố, Hải Phòng quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra cho cả năm.
Các chỉ tiêu đạt được của TP. Hà Nội 6 tháng đầu năm cũng khá khả quan khi tăng trưởng kinh tế đạt cao; có 13.600 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9% về số lượng so với cùng kỳ, vượt thu chỉ tiêu ngân sách…
Ưu tiên hoàn thành chỉ tiêu được giao
Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội cả nước đạt được trong 6 tháng đầu năm khá khả quan, tuy nhiên theo phản ánh của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố còn khá nhiều nguy cơ và vướng mắc có thể ảnh hưởng tới việc hoàn thành các chỉ tiêu của các địa phương. “Nóng” nhất là vấn đề thực hiện Luật Quy hoạch, dù văn bản hướng dẫn cơ bản đã được ban hành nhưng các địa phương rất lúng túng trong thực hiện, do quy hoạch tổng thể cấp quốc gia, quy hoạch vùng vẫn chưa được ban hành, các địa phương khó trong việc lập quy hoạch địa phương, quy hoạch chuyển đổi.
Thu hút dự án đầu tư nước ngoài chất lượng tốt là vấn đề được các đại biểu tham dự hội nghị quan tâm, thảo luận |
Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa các luật như Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch…; triển khai Luật Đầu tư công, trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn; tình trạng giải ngân chậm… cũng là những vấn đề khó giải quyết của các địa phương.
Trước những phản ánh trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: 6 tháng cuối năm, biến động của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của đất nước. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương bám sát các mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao, kiên trì phấn đấu để kết quả đạt được của năm 2019 tốt hơn 2018.
Trong đó, Bộ KH&ĐT với vai trò là tổng tham mưu trưởng của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chủ động và phối hợp với các bộ, ngành khác đánh giá phân tích kịp thời, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội giải pháp căn cơ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, khơi thông động lực tăng trưởng. Quan tâm xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng khung khổ cho các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là các mô hình phát triển kinh tế mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ.
Bộ KH&ĐT phải là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, đi tiên phong trong đổi mới thể chế của nền kinh tế. “Bộ nghiên cứu thành lập 1 tổ công tác thực hiện nhiệm vụ liệt kê danh mục những vướng mắc trong thể chế; danh mục thể chế cần hoàn thiện và định hướng khắc phục để nắm bắt các cơ hội mới”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thiện các dự án luật điều chỉnh, bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp…; tiến hành quy hoạch tổng thể làm căn cứ cho các tỉnh, thành phố xây dựng quy hoạch địa phương; đẩy nhanh việc giao vốn đầu tư công trung hạn, đặc biệt là vốn ODA và trái phiếu, tạo ra chuyển biến căn bản trong lĩnh vực này; quan tâm nhiều hơn nữa tới doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, chủ trì công bố sách trắng về hợp tác xã; khẩn trương xây dựng báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2020 để trình Quốc hội…