Thứ sáu 27/12/2024 12:13

Cần thiết thành lập Sàn giao dịch gạo tiêu chuẩn Việt Nam

Việc có được một Sàn giao dịch gạo tiêu chuẩn Việt Nam sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu gạo thời gian tới.

Thiếu liên kết, xuất khẩu gạo còn gặp rủi ro

Theo Tổng cục Hải quan, trong cả năm 2023, nước ta đã xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo với kim ngạch xuất khẩu lên tới 4,6 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với năm 2022. Sang đến năm 2024, xuất khẩu gạo từ đầu năm đến hết 15/4/2024 đạt 2,7 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái với kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 1,74 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng này, ngành xuất khẩu gạo Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mục tiêu vượt Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều khởi sắc trong thời gian qua (Ảnh: Tập đoàn Lộc Trời)

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành, các địa phương đã nỗ lực rất lớn cho công tác xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn rất nhiều hạn chế trong hoạt động này.

Một trong những hạn chế rất lớn là các thương nhân chưa chú trọng liên kết, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ gạo, do đó còn tình trạng nông dân có lúa nhưng không biết bán cho doanh nghiệp nào và ngược lại, doanh nghiệp muốn mua cũng không biết mua ở đâu được đúng sản phẩm theo yêu cầu. Hoạt động xuất khẩu gạo còn qua thương lái nên gây phát sinh chi phí trung gian.

"Bên cạnh đó, thời gian qua, có những hợp đồng xuất khẩu gạo dù được ký song doanh nghiệp xuất khẩu không thực hiện đúng cam kết mà buộc phải phá vỡ hợp đồng. Lý do là doanh nghiệp không liên kết với người nông dân, không có cam kết với nhau nên khi giá gạo tăng cao, doanh nghiệp không mua được hàng đúng với giá hợp đồng dự kiến" - ông Nguyễn Nguyên Phương nêu rõ. Nhiều hợp đồng bị huỷ bỏ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng như hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam.

Còn theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, thời gian qua, một trong những hạn chế của công tác xuất khẩu gạo là việc phát triển thị trường xuất khẩu gạo chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng. Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Đây là một trong những hạn chế của công tác xuất khẩu gạo.

Công khai, minh bạch, giảm chi phí xuất khẩu gạo

Để giải quyết những hạn chế nêu trên, ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, việc thành lập một sàn giao dịch lúa gạo là cần thiết. “Sàn giao dịch lúa gạo giúp tất cả các yếu tố như sản lượng, giá cả, chủng loại gạo… đều được công khai. Doanh nghiệp và người nông dân đều được gặp nhau, kết nối và mua bán trực tiếp, giúp giảm chi phí trung gian. Từ đó, sàn sẽ mang lại hiệu quả rõ nét cho hoạt động xuất khẩu gạo” – ông Nguyễn Nguyên Phương nói.

Đồng ý kiến với ông Nguyễn Nguyên Phương, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế nêu ý kiến, việc lập sàn giao dịch gạo nói riêng và nông sản nói chung là hết sức cần thiết vì sẽ giúp hàng hóa Việt Nam hòa nhập với xu hướng thương mại của thế giới. Với mặt hàng gạo, ta hoàn toàn có đủ điều kiện, đủ năng lực về sản xuất từ nguồn lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, ta cũng có lợi thế lớn từ các công ty có khả năng điều phối về vốn, nguồn hàng, cùng với đó là nguồn nguyên liệu lớn từ các kho dự trữ quốc gia. Bên cạnh đó là kinh nghiệm giao dịch hàng hóa phái sinh từ các nhà đầu tư trên sàn giao dịch hàng hóa với quy mô lên tới 4.000 tỷ đồng/ngày.

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), hiện nay, MXV đã niêm yết giao dịch mặt hàng gạo thô liên thông với Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group). Tuy nhiên, khối lượng giao dịch mặt hàng này chỉ chiếm chưa đến 0,5% tổng khối lượng giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới tại Việt Nam. Trong quý I/2024, chỉ có hơn 700 hợp đồng gạo thô được khớp thông qua giao dịch tại MXV.

Nguyên nhân đến từ việc sản phẩm gạo thô đang được niêm yết theo tiêu chuẩn của CME Group, không phải tiêu chuẩn phù hợp đối với thị trường gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, MXV chưa triển khai giao nhận hàng vật chất đối với mặt hàng gạo, nên chưa thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo lớn trong nước. Cho nên, theo các chuyên gia, nên sớm thí điểm thành lập sàn giao dịch gạo theo tiêu chuẩn Việt Nam để thu hút các doanh nghiệp tham gia.

Thực tế, từ tháng 8/2023, MXV, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác xây dựng Sàn Giao dịch thịt heo tại TP Hồ Chí Minh. Mô hình Sàn Giao dịch với công nghệ và cách vận hành hiện đại được kỳ vọng sẽ giúp cả người chăn nuôi và người tiêu dùng không bị thao túng giá, quyền lợi được bảo vệ; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng cao. Đồng thời, quy mô ngành công nghiệp chăn nuôi của thành phố sẽ từng bước đi vào chiều sâu.

Ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin, từ tháng 8/2023 đến nay, các bên liên quan đang nỗ lực chuẩn bị các bước để xây dựng thí điểm sàn giao dịch này. Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã cho phép thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Sàn Giao dịch thịt heo và trong thời gian tới sẽ sớm triển khai xây dựng sàn. Sàn Giao dịch thịt heo được kỳ vọng lớn, tạo tiền đề để xây dựng các mô hình tương tự với các sản phẩm khác của TP Hồ Chí Minh.

Ngày 2/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ, nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch thóc gạo để đảm bảo công khai, minh bạch trong kinh doanh lúa, gạo.
Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu gạo

Tin cùng chuyên mục

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ dự kiến vượt mức 15 tỷ USD

EU tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng của Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 thế giới

Năm 2024: Xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục chưa từng có trong 40 năm

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Dự báo, xuất nhập khẩu năm 2025 sẽ vượt con số 1.000 tỷ USD

Quảng Bình: Tăng cường giám sát các hoạt động xuất khẩu nhập khẩu

EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?

Khơi thông thị trường ngoài nước: Chống lãng phí nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu

Thêm cơ hội cho hàng Việt ra nước ngoài qua ‘cánh cửa’ xuất khẩu online

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục