Cần quyết liệt quản lý và kiểm soát tiền chất công nghiệp
Nhiều thách thức
Theo ông Phạm Huy Nam Sơn- Phó Cục trưởng Cục Hóa chất(Bộ Công Thương), tiền chất công nghiệp được xếp vào loại hóa chất lưỡng dụng. Tính lưỡng dụng của các loại tiền chất đang đặt ra những khó khăn nhất định cho cơ quan quản lý. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý, kiểm soát tiền chất là vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng ngừa thất thoát tiền chất vào sản xuất ma túy.
Ông Phạm Huy Nam Sơn- Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) |
Hiện nay, có 60 tiền chất ma túy, trong đó 40 tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp do Bộ Công Thương quản lý, 12 tiền chất do Bộ Công an quản lý và 08 tiền chất sử dụng trong ngành y tế do Bộ Y tế quản lý. Phần lớn các tiền chất hóa chất được sử dụng hợp pháp trong nhiều lĩnh vực kinh tế, có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các tiền chất được nhập khẩu và sử dụng với số lượng lớn chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp.
Cũng trong thời gian qua, tình trạng lợi dụng tiền chất công nghiệp để sản xuất ma túy trên địa bàn một số tỉnh, thành phố đang có chiều hướng gia tăng. Việc mua đi bán lại, đường đi của tiền chất công nghiệp khiến cho công tác quản lý, kiểm soát tiền chất đến người sử dụng cuối cùng còn gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, các loại hóa chất, tiền chất được sử dụng trong các hoạt động sản xuất keo dán, sơn công nghiệp, sản xuất nhựa, da giày, dệt nhuộm, xử lý nước, chất tẩy rửa… Tuy nhiên, không loại trừ nguy cơ các loại tiền chất này được lạm dụng vào các mục đích bất hợp pháp do tiền chất là các loại hóa chất không thể thiếu trong quá trình sản xuất, điều chế ma túy.
Hiện một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu, sử dụng tiền chất còn chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc thất thoát tiền chất công nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh tồn trữ, sử dụng, vận chuyển tiền chất công nghiệp.
Tăng cường quản lý và kiểm soát tiền chất công nghiệp |
Bên cạnh đó, một số cơ sở tồn chứa các hỗn hợp chất có các thành phần nguy hiểm, các tiền chất nhưng các sản phẩm này được kinh doanh dưới tên thương mại, không thể hiện đặc trưng hóa chất, tiền chất không có đầy đủ thông tin phân loại đặc tính nguy hiểm. Do đó, các cơ quan chức năng, địa phương quản lý còn gặp nhiều khó khăn trong rà soát, thống kê và thực hiện giám sát, kiểm tra.
Kiểm soát tiền chất công nghiệp không để tội phạm lợi dụng
Ông Phạm Huy Nam Sơn cũng chỉ ra, hiện khâu quản lý, sử dụng tiền chất công nghiệp của doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng tiền chất công nghiệp bị tuồn ra, trôi nổi trên thị trường. “Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý, sử dụng, kiểm soát tiền chất công nghiệp”- lãnh đạo Cục Hóa chất nêu và lưu ý, các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật về quản lý kiểm soát tiền chất công nghiệp và cần nhận thức được mục đích tầm quan trọng của công tác quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp theo từng giai đoạn để việc quản lý tiền chất công nghiệp tại các doanh nghiệp được chặt chẽ hơn. Đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát tiền chất vào sản xuất ma túy.
Đề xuất thêm giải pháp tăng cường quản lý và kiểm soát tiền chất công nghiệp, ông Phạm Huy Nam Sơn thông tin, mới đây Cục Hoá chất đã tổ chức Hội nghị về "Tăng cường quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp và hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp trên hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia".
“Cục Hóa chất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính, tuy nhiên các tổ chức, cá nhân cũng cần phải hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của công tác quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp hiện nay” - ông Phạm Huy Nam Sơn lưu ý.
Doanh nghiệp chung tay cùng cơ quan quản lý Nhà nước quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp. Ảnh: Cục Hoá chất |
Lãnh đạo Cục Hoá chất nhấn mạnh, các tổ chức, cá nhân đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm và vai trò của mình trong công tác quản lý, sử dụng và kiểm soát tiền chất góp phần đảm bảo tiền chất được sử dụng đúng mục đích, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy cũng như tăng cường đấu tranh, tránh làm thất thoát tiền chất có thể bị các đối tượng sử dụng vào sản xuất ma túy trái phép hoặc vào mục đích bất hợp pháp khác.
Bên cạnh sự quản lý của các bộ, ngành ở Trung ương còn cần sự kiểm tra, giám sát của các đơn vị địa phương và đặc biệt cần sự chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật của các doanh nghiệp có liên quan nhằm hạn chế tối đa sự thất thoát ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma tuý, tiền chất và đặc biệt là tiền chất vào mục đích sản xuất trái phép chất ma túy mà vẫn đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.