Cần quyết liệt, hiệu quả hơn trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành kế hoạch năm
Dự báo trong các tháng cuối năm, với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng |
Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế
Báo cáo của Chính phủ đánh giá, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2016, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn, trong khi tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp... Tuy nhiên, bằng sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, tương đối đồng đều trên các lĩnh vực, nên kinh tế những tháng đầu năm vẫn ghi nhận nhiều kết quả khả quan với dự báo trong số 13 chỉ tiêu phát triển KT-XH đề ra cho năm 2016, ước 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Báo cáo của Chính phủ, nền kinh tế đã vượt qua những khó khăn trong quý I và II, lấy lại đà phục hồi từ đầu quý III với tốc độ tăng trưởng GDP đã đạt 6,4%, cao hơn quý I (5,48%) và quý II (5,78%). Nhờ đó, tính chung 9 tháng, GDP ước tăng 5,93%, dù thấp hơn cùng kỳ (6,63%), song cao hơn nhiều hơn so với con số 5,52% trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ chỗ tăng trưởng âm 0,18% trong 6 tháng đã tăng trưởng trở lại ở mức 0,65%. Khu vực công nghiệp và xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, lần lượt là 11,2% và 9,1% (cùng kỳ tăng lần lượt là 10,1% và 9%). Khu vực dịch vụ tăng 6,66%, cao hơn cùng kỳ (tăng 6,17%).
Từ những kết quả 9 tháng qua, Chính phủ dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt khoảng 6,3-6,5% (so với kế hoạch đề ra là 6,7%), trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,18-2,04%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,06-8,13%, dịch vụ tăng 6,79-6,87%.
Một trong những điểm sáng đáng lưu ý 9 tháng qua, theo Báo cáo của Chính phủ, công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với việc thoái vốn tại 4 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và TP. Hà Nội, tổng giá trị là 2.809 tỷ đồng, thu về 4.993 tỷ đồng; cổ phần hóa 44 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp theo các hình thức khác đối với 11 DN khác.
Đặc biệt, bằng nhiều giải pháp hiệu quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN trong 9 tháng, đã có 81.451 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 629 nghìn tỷ đồng (tăng 19,2% về số DN và 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ).
Cần những giải pháp quyết liệt, hiệu quả
Cho ý kiến, đa số thành viên UBTVQH tán thành với dự báo của Chính phủ về những yếu tố tác động giúp GDP quý IV tăng cao là như dư địa chính sách tài khóa với mục tiêu phấn đấu giải ngân vốn đầu tư đạt 100% kế hoạch. Bên cạnh đó, các lĩnh vực, như: nông nghiệp, công nghiệp, số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động; thu hút vốn FDI... sẽ tăng cao hơn các quý trước. Tuy nhiên, đây chỉ là dự báo nên khả năng GDP năm nay đạt tốc độ tăng 6,3-6,5% sẽ không dễ.
Đặc biệt, thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến trong UBTVQH đánh giá, việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu thu và chi ngân sách chưa hợp lý, nợ xấu chưa được xử lý thực chất.
Đi vào một số chỉ tiêu chủ yếu, nhất là sụt giảm chỉ tiêu tăng trưởng nông nghiệp, Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, sự sụt giảm này cho thấy những bất cập của một nền nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hiệu quả thấp và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Bên cạnh đó, hệ thống DN, dù là động lực phát triển nhưng cả khu vực nhà nước và tư nhân đều yếu về thực lực và sức cạnh tranh, số DN đăng ký nhiều nhưng số DN đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 57% so với số đăng ký, một số còn lợi dụng chính sách “tiền đăng, hậu kiểm” để thành lập DN trục lợi bất chính.
Hơn nữa, cơ cấu thị trường tài chính cũng chưa hợp lý, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn so với thị trường tiền tệ, chưa tạo kênh thu hút vốn xã hội để đầu tư phát triển dẫn đến tình trạng DN không dám đầu tư trung và dài hạn cho nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự báo cả năm tăng khoảng 4,5-5%, nhiều ý kiến đề nghị từ nay đến cuối năm 2016, Chính phủ tính toán thời gian, liều lượng điều chỉnh phù hợp đối với giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng dầu, điều hành mức tăng trưởng tín dụng phù hợp (kế hoạch là 18%)... để tránh gây áp lực lên chỉ số CPI cả năm.
Chính vì vậy, để có thể hoàn thành cơ bản các mục tiêu đã đặt ra cho năm nay thì trong 2 tháng cuối năm, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các giải pháp.