Cần làm rõ nhiều vấn đề trong vụ việc doanh nghiệp bất chấp pháp luật, cố tình vi phạm tại Hưng Yên
Công ty Cổ phần ô tô Việt Nhật (Công ty Việt Nhật) tại xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đang thi công xây dựng nhiều hạng mục công trình cao 3 tầng trong khi chưa hề được cấp phép cùng các thủ tục pháp lý. Chính quyền địa phương đã lập nhiều biên bản vi phạm, xử phạt, yêu cầu tạm dừng.
Không đồng nhất trong hồ sơ dự án
Theo hồ sơ, Công ty Cổ phần ô tô Việt Nhật được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 24.4.2008, trụ sở tại thôn Vĩnh Lộc, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang. Ngày 15/7/2009, UBND tỉnh Hưng yên đã có Quyết định số 1303/QĐ-UBND về việc thu hồi đất tại xã Tân Tiến để thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật.
Trụ sở UBND xã Tân Tiến rất gần công trình vi phạm |
Bẵng đi hàng chục năm, đến ngày 21.3.2018, UBND tỉnh Hưng Yên mới có Quyết định số 772/QĐ/UBND về việc cho Công ty Việt Nhật thuê đất để thực hiện dự án. Ngày 24.10.2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên ký Hợp đồng thuê đất số 177/HĐ-TĐ với Công ty Việt Nhật. Nội dung hợp đồng cho Công ty Việt Nhật thuê 69.796 m2, thời gian thuê đất tính từ ngày 21.3.2018 đến 26.12.2057. Trong đó, khoảng gần 2 tháng từ ngày 21.3.2018 đến ngày 8.5.2018 là thuê đất trả tiền hàng năm, đơn giá thuê là 13.450 đồng/m2/năm; từ ngày 9.5.2018 đến ngày 26.12.2057 là trả tiền 1 lần với đơn giá 811.000 đồng/m2/năm.
Tiếp đến, ngày 12.11.2018, UBND tỉnh Hưng Yên cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 130/QĐ-UBND cho Công ty Việt Nhật thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô; loại xe trọng tải từ 5 tạ - 5 tấn, công suất 10.000 xe/năm. Tổng vốn thực hiện dự án là 200 tỷ đồng, trong đó vốn góp của các cổ đông là 40 tỷ đồng, còn lại 160 tỷ đồng (chiếm 80%) là vốn vay. Thời hạn hoạt động của dự án là 49 năm, tính từ ngày 26.12.2008.
Theo mục 2, Điều 1 của Quyết định này, kể từ ngày được cấp chủ trương đầu tư này, từ thàng thứ 1 đến tháng thứ 3 phải hoàn thiện thủ tục pháp lý và san lấp mặt bằng; từ tháng 4 đến 22 phải thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật; từ tháng 23 đến 24 phải lắp đặt máy móc, tuyển nhân sự, đi vào sản xuất. Có nghĩa là trong vòng 2 năm kể từ ngày 12.11.2018 – đến tháng 12.2020, Dự án phải hoàn thành và đi vào hoạt động; tuy nhiên hết thời hạn đề ra, nơi đây vẫn chỉ là bãi đất trống.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, Dự án 49 năm, thu hồi đất nông nghiệp từ 2008, nhưng phải sau gần 10 năm chậm tiến độ không biết vì lý do gì, mà đến 2018 mới tiếp tục? Có nghĩa là sau gần 10 năm đất nông nghiệp bị thu hồi rùi bỏ hoang và ngân sách không thu được tiền thuê đất?, Lý do và căn cứ pháp lý để tỉnh Hưng Yên tách ra thời gian khoảng gần 2 tháng theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm?, cách tính đơn giá “rất rẻ” chỉ hơn chục nghìn đồng/m2/năm?, và thời gian còn lại của dự án chỉ với giá 811 nghìn đồng/ 1 m2/ chia cho 39 năm, đơn giá thuê đất này có làm đúng theo quy định của pháp luật?.
Cận cảnh công trình xây dựng không phép |
Dự án “đổi chiều”
Sau thời gian chậm tiến độ gần 2 năm so với quy định trong Quyết định chủ trương đầu tư, đến ngày 16.9.2022, UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 2125/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam ký, về việc “Phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật”. Theo Quyết định này, Nhà máy đặt trên khu đất ký hiệu CNHT- 01, tại Cụm công nghiệp xã Tân Tiến, diện tích đất là 69.796 m2, theo hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần, thời hạn sử dụng 49 năm (thời gian tính tiền thuê đất từ năm 2018 đến 2057).
Thửa đất này đã được UBND tỉnh Hưng Yên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: CN683248 ngày 2.4.2019 trước đó. Quy mô dự án là sản xuất, lắp ráp: 10.000 xe tải/năm. Tiếp đến, ngày 18.11.2022, UBND tỉnh Hưng Yên cấp Giấy phép môi trường số 2683/GPMT-UBND cho dự án vẫn là Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật, theo tiêu chí nhóm B, trên diện tích đất nêu trên.
Khu nhà xưởng đồ xộ đã xây cao 3 tầng mà không phép |
Tuy nhiên, sau đó hơn 20 ngày, ngày 9.12.2022, UBND tỉnh Hưng Yên lại có Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư số 128/QĐ-UBND. Nội dung là cho Nhà đầu tư là Công ty Việt Nhật được thực hiện dự án, nhưng tên và lĩnh vực khác: Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện, sản phẩm gia dụng Việt Nhật.
Theo Quyết định mới nhất này, trên chính ô đất CNHT-01, có diện tích 69.796 m2 tại xã Tân Tiến. Dự án với tên mới này có công suất thiết kế 100.000 xe máy điện/năm; 115.000 sản phẩm điện lạnh/năm; 64.000 sản phẩm bình nước nóng/năm; 646.000 sản phẩm máy lọc nước/năm; 8.000 sản phẩm bình nước nóng năng lượng mặt trời/năm. Tổng vốn đầu tư dự án là 498 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 99,6 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động 398,4 tỷ đồng. Theo Mục 8, tiến độ thực hiện dự án trong vòng 30 tháng kể từ ngày được bàn giao đất ngoài thực địa 22.4.2022.
Chỉ 3 ngày sau, ngày 12.12.2022, UBND tỉnh Hưng Yên lại có Quyết định số 2898/QĐ-UBND vẫn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam ký, về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện, sản phẩm gia dụng Việt Nhật.
Các cột bê tông cao để dựng nhà xưởng, nhưng không phép |
Vậy, câu hỏi ở đây đặt ra là: Từ Dự án sản xuất, lắp ráp 10.000 ô tô/năm, tổng vốn 200 tỷ đồng, nhưng gần 10 năm vẫn gần như “giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, liên tiếp trong thời gian ngắn những tháng cuối năm 2022, chỉ gần 1 tháng kể từ ngày Giấy phép môi trường được ký, Dự án đã “đổi chiều” sang lĩnh vực khác, tổng quy mô vốn đầu tư lên gần 500 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần dự án cũ.., vậy các quy trình, thủ tục có đảm bảo đúng quy định của pháp luật?.
Hơn thế nữa, việc UBND tỉnh Hưng Yên và các Sở ngành chức năng ban hành các văn bản pháp lý cho Dự án sản xuất, lắp ráp ô tô; nay liệu có còn giá trị pháp lý để sử dụng được cho Dự án chuyển sang sản xuất, lắp ráp xe máy điện và sản phẩm gia dụng?, hay phải làm lại từ đầu mới phù hợp và đúng quy định?.
Dù chưa có Giấy phép xây dựng và các thủ tục pháp lý khác, nhưng từ giữa năm 2022, Công ty Việt Nhật đã tiến hàng thi công xây dựng dự án. Hành vi vi phạm pháp luật này đã bị UBND xã Tân Tiến nhiều lần lập Biên bản vi phạm từ tháng 7.2022 đến nay. Ngày 16.1.2023, UBND huyện Văn Giang đã ra Quyết định xử phạt Công ty Việt Nhật số tiền 140 triệu đồng. Theo đại diện UBND xã Tân Tiến cho biết đã yêu cầu dừng thi công và cử người liên tục giám sát, nhưng thời điểm ngày 2.2.2023 phóng viên có mặt tại dự án vẫn ghi nhận công nhân đang làm việc, máy cẩu đang vận hành. Còn phía chủ đầu tư, ngày 12.1.2023, Công ty Việt Nhật đã có Công văn số 01/BC-VN với nội dung thừa nhận việc tiến hành xây dựng khi chưa hoàn thành thủ tục cấp phép là vi phạm so với quy định của pháp luật và cam kết khắc phục. |
* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân kính đề nghị Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo làm rõ, xử nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm. Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.