Thứ hai 25/11/2024 07:15

Cần làm gì để chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là một trong những hình thức gian lận thương mại rất phổ biến tại Việt Nam.

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng

Theo đánh giá từ lực lượng Quản lý thị trường, từ cuối năm 2021, khi đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc được xây dựng hàng rào, các đối tượng vận chuyển buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng chuyển dần sang đường chính ngạch. Trong đó, các đối tượng lợi dụng chính sách xuất, nhập như: khai báo không hết, khai báo không đúng, lợi dụng kiểm tra ngẫu nhiên hàng hóa để đưa hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vào thị trường Việt Nam.

Đáng chú ý, kể từ ngày 8/1/2023 khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero-Covid, hoạt động kinh tế, thông thương ngày càng thuận lợi, song, đi cùng với đó là tình hình hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có diễn biến gia tăng trở lại. Trên thực tế, thay vì bỏ tiền đầu tư phát triển thương hiệu, xây dựng sản phẩm chất lượng, uy tín, các đối tượng sản xuất, làm nhái các sản phẩm, thương hiệu có sẵn trên thị trường đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.

Các sản phẩm sách, đồ chơi trẻ em thật - giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được trưng bày, giới thiệu tại "Tuần lễ nhận diện sách giáo dục và đồ chơi an toàn cho trẻ em"

Đơn cử, Tập đoàn LEGO tại Việt Nam là doanh nghiệp chuyên sản xuất dòng sản phẩm đồ chơi lắp ghép, tuy nhiên, ông Đỗ Việt Tùng - Trưởng Phòng đối ngoại của Tập đoàn LEGO tại Việt Nam - cho biết, trong quý 1/2023, doanh nghiệp đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và tháo gỡ 5.339 đường dẫn sản phẩm xâm phạm sở hữu trí tuệ trên 4 sàn thương mại điện tử lớn gồm: Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.

Đáng chú ý, sau khi LEGO ra mắt sản phẩm mới (Wildflower - Hoa dại), 1-2 tháng sau hàng tương tự (không phải của LEGO) đã xuất hiện trên thị trường, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp cũng như quyền và lợi ích của người dùng. Ông Đỗ Việt Tùng chia sẻ, hàng năm, Tập đoàn LEGO cho ra đời hàng ngàn mẫu sản phẩm đồ chơi các loại. Tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm của LEGO được phân phối thông qua hệ thống MyKingdom.

Để phân biệt hàng chính hãng và hàng vi phạm, người tiêu dùng cần nhìn logo LEGO in trên mỗi bao bì sản phẩm. Logo LEGO đã đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường Việt Nam và thị trường Trung Quốc. Do vậy, khi sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các đối tượng sẽ thiết kế mẫu logo, bao bì tương tự, na ná giống nhau, như LEBO, LEDUO, LB+.....

Tăng cường sự phối hợp

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 4.712 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt vi phạm hành chính trên 43,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 45,5 tỷ đồng.

Trên thực tế, hiện nay, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là một trong những hình thức gian lận thương mại rất phổ biến tại Việt Nam. Nguyên nhân chính do vị trí địa lý Việt Nam khá thuận lợi, có đường biên giới dài, giáp ranh với nhiều quốc gia. Mặt khác, do bộ phận người tiêu dùng còn dễ "bằng lòng" với hàng hoá nên đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng có cơ hội sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Dù đạt được kết quả ấn tượng, song, công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của lực lượng Quản lý thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong đó, nguyên nhân khách quan và chủ quan như phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp, tinh vi; cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Ngoài ra, hạn chế về nguồn lực, nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi còn nhiều hạn chế.

Đại diện từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quang - trợ lý Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan thực thi dán tem chống hàng giả trên từng sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng làm giả luôn cả tem chống hàng giả.

Sản phẩm sách giáo dục in lậu bị lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện

Ông Quang thông tin, Nhà xuất bản Giáo dục hiện có 2 hệ thống tem chống giả. Trên nguyên lý in bằng laze, tem chống hàng giả được in sắc nét. Nếu dùng kính lúp có độ phóng đại cao, người tiêu dùng vẫn có thể nhìn rõ thông tin, hình ảnh và đường nét mô tả trong tem. Thứ hai, là dùng tem bằng kỹ thuật số, giống thẻ cào, khi cào lớp phủ bạc, sẽ hiện ra một dãy số. Gõ dãy số đó lên hệ thống, khách hàng sẽ có câu trả lời sách thật hay sách giả.

Phòng, chống và ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ chính của lực lượng Quản lý thị trường trong những năm qua, theo bà Vũ Thị Minh Ngọc - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Quản lý thị trường), công tác này sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của lực lượng trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới.

Song song với kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường cũng phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Hải quan, Biên phòng, Công an... tiến hành kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bà Vũ Thị Minh Ngọc cũng cho hay: "Hiện nay, chúng tôi đang trình Chính phủ Đề án nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính. Nếu được phê duyệt, Đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lực lượng Quản lý thị trường trong thực thi nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại”.

Trước đó, để bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng và thương hiệu của các doanh nghiệp đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam, Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai các biên bản ghi nhớ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đại diện các thương hiệu nổi tiếng đến từ nhiều quốc gia như: Tập đoàn P&G (Hoa Kỳ), Tập đoàn SCHOTT AG (Đức), Đoàn công tác thuộc Hiệp hội công nghiệp vòng bi thế giới; Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào về công tác dán nhãn hàng hóa; Đại sứ quán Ý và Tập đoàn Luxottica, Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ và LEGO Việt Nam về sở hữu trí tuệ.

Bà Vũ Thị Minh Ngọc - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Quản lý thị trường): Để công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà sản xuất và nhà tiêu dùng. Trong đó, Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra xử lý; nhà sản xuất phối hợp tốt với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm và chủ động tuyên truyền cho người tiêu dùng cách nhận diện phân biệt hàng thật - hàng vi phạm; còn người tiêu dùng thì phải tỉnh táo trong việc lựa chọn, mua và sử dụng những sản phẩm chính hãng, chất lượng cao, nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trang Anh
Bài viết cùng chủ đề: Quản lý thị trường

Tin cùng chuyên mục

Hưng Yên: Xử lý 24 vụ vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, nộp ngân sách hơn 400 triệu đồng

Hà Nội: Xử phạt 22 vụ vi phạm an toàn thực phẩm trong tháng 10 năm 2024

Yên Bái: Gian nan xử lý vi phạm hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử

TP. Hồ Chí Minh: Thu giữ lô nước hoa trị giá gần 1,2 tỷ đồng nghi giả mạo tại Namperfume

Lai Châu: Tập trung kiểm tra, ổn định hàng hóa tiêu dùng dịp cuối năm

Bắc Giang: Xử phạt hộ kinh doanh bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tạm giữ 160 sản phẩm thuốc lá điện tử nhập lậu

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện hơn 2.100 vụ buôn lậu và gian lận thương mại

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều cửa hàng bất chấp kinh doanh thuốc lá điện tử trái phép

Nam Định: Tạm giữ 200 áo phao không rõ nguồn gốc bán trên TikTok Shop

Hà Giang: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Hà Nội: Xử lý 2.295 vụ việc gian lận thương mại trong tháng 10 năm 2024

Bà Rịa - Vũng Tàu: Kiểm tra tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn

Cục Quản lý thị trường Bắc Giang công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ

Bắc Giang: Xử phạt hộ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Hà Nội: Quản lý thị trường thu giữ hàng trăm sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu

Tổng cục Quản lý thị trường tuyển dụng công chức năm 2024

Tập huấn, hướng dẫn kê khai tài sản, thu nhập tại Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh

Hà Nội: Xử lý cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử có dấu hiệu nhập lậu tại quận Hoàn Kiếm

Quản lý thị trường cả nước kiểm tra trên 61.000 vụ việc trong 10 tháng năm 2024