Cần khuôn khổ pháp lý vững chắc để thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Stuart Livesey, Giám đốc quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) tại Việt Nam (đơn vị đang phát triển Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn).
Ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam? Đặc biệt, ông có kỳ vọng gì khi Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt?
Chúng tôi nhìn nhận Việt Nam là thị trường có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất trong khu vực ASEAN, và chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng Chính phủ trong việc cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững từ nguồn năng lượng xanh này cho Việt Nam.
Với mục tiêu này, cùng với sự hỗ trợ rất nhiều từ phía các cơ quan Nhà nước và các đối tác, chúng tôi đã triển khai kế hoạch phát triển Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (Dự án La Gàn) một cách chuyên nghiệp, bài bản và chặt chẽ thông qua việc thành lập Công ty Phát triển dự án điện gió La Gan tại tỉnh Bình Thuận công suất 3.5 GW. Đến nay, Dự án La Gàn đã hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi và được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đề xuất đưa dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Ông Stuart Livesey, Giám đốc quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) tại Việt Nam |
Bên cạnh đó, về Quy hoạch điện VIII, có thể khẳng định, khi Việt Nam phê duyệt Quy hoạch điện VIII, sẽ là chất xúc tác cho hành trình khai phá tiềm năng điện gió ngoài khơi. Như vậy, Việt nam có thể phát triển theo một định hướng rõ ràng và ổn định. Chúng tôi thực sự rất mong muốn được chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của chúng tôi từ các quốc gia khác nhau ở châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ để hướng tới mục tiêu cùng nhau phát triển ngành năng lượng tái tạo. Và chúng tôi sẵn sàng đồng hành với Chính phủ Việt Nam để thực hiện tốt nhất điều này.
Từ Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) vừa được diễn ra mới đây, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp từ hội nghị đối với sự phát triển của lĩnh vực năng lượng tái tạo?
Các chia sẻ và thảo luận tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 của VPEG vừa qua rất hữu ích và tôi vô cùng yên tâm khi thấy Thứ trưởng Đặng Hoàng An thay mặt Bộ Công Thương, cùng với các đại diện khác trong VEPG, đang tích cực tìm cách tương tác nhiều hơn với các nhà phát triển, nhà đầu tư, đơn vị học thuật và các tổ chức khác. Đây là một cách tiếp cận rất hợp lý để hướng tới nhiều nhóm đối tượng hơn trong một lĩnh vực cụ thể để nắm bắt nhiều thông tin phong phú hơn, giúp đưa ra các chiến lược và quyết định phù hợp.
Tôi thực sự thích ý tưởng về “các nhóm công tác kỹ thuật” và tôi nghĩ nó mang lại cho chính phủ nhiều cơ hội để tìm kiếm thông tin và ý kiến chi tiết hơn không chỉ từ các đơn vị phát triển dự án như chúng tôi mà còn từ các chuyên gia khác trong ngành năng lượng tái tạo trên toàn thế giới. Cá nhân tôi thực sự thích các mục tiêu do VEPG đề ra và mong muốn được chứng kiến các tiến triển trong năm nay để đạt được các mục tiêu này.
Thời gian tới, định hướng phát triển của La Gàn là gì nhằm hướng đến mục tiêu phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam?
Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), với tư cách là nhà phát triển và nhà đầu tư chính của dự án điện gió ngoài khơi La Gàn do Copenhagen Offshore Partners (COP) quản lý việc phát triển tại Việt Nam, cam kết tập trung chủ yếu vào đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng kèm theo, để đáp ứng nhu cầu năng lượng một cách bền vững cho Việt Nam.
Cho đến hiện tại, chúng tôi muốn tiếp tục duy trì các đối thoại hiện có với các cơ quan nhà nước để hỗ trợ Việt Nam xây dựng tiền đề cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Thật sự rất đáng mừng khi thấy các cơ quan Nhà nước và các bộ, ban ngành của Chính phủ Việt Nam tham gia cùng với các nhà phát triển để cố gắng tìm kiếm thông tin về quá trình phát triển điện gió ngoài khơi ở các thị trường khác, rút ra được những kinh nghiệm tốt hoặc chưa tốt như mong đợi trong quá trình phát triển dự án để giúp Việt Nam đạt được tham vọng phát triển điện gió ngoài khơi.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông có kiến nghị gì để góp phần hình thành nên một ngành năng lượng bền vững tại Việt Nam hay không?
CIP/COP rất sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam trong hành trình đó để đảm bảo khi Việt Nam bắt đầu tiến trình phát triển điện gió ngoài khơi, Chính phủ sẽ nắm bắt được nhiều thông tin, kiến thức liên quan nhất có thể để định hướng phát triển đúng đắn. Do đó, chúng tôi mong đợi một khuôn khổ pháp lý vững chắc và các cơ chế hỗ trợ tốt sẽ được ban hành dành cho ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam, việc này có thể mang lại cho các nhà đầu tư sự yên tâm khi đầu tư vào ngành công nghiệp còn mới này và thúc đẩy Dự án La Gàn cũng như các dự án khác có khả năng giúp Việt Nam đạt được cam kết đầy tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi mà Thủ tướng đã tuyên bố tại COP26.
Vì vậy, chúng tôi thực sự đón chờ nội dung hoàn chỉnh của Quy hoạch điện VIII định hướng cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và hy vọng sẽ cho phép thực hiện loạt dự án thí điểm đầu tiên đã được lựa chọn kỹ và được hỗ trợ thông qua cơ chế giá ưu đãi (FiT), đặt nền tảng vững chắc cho điện gió ngoài khơi của Việt Nam trong tương lai khi ngành này vẫn tiếp tục phát triển.
Xin cảm ơn ông.