Cần đẩy nhanh giải ngân và thanh toán cho các dự án vốn vay ODA
TP. Hồ Chí Minh đã ứng trước tiền ngân sách giải quyết tạm thời việc chậm thanh toán cho nhà thầu trong dự án đường sắt đô thị |
Theo Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, ông Konaka Tetsuo, Quốc hội Việt Nam đã ra quyết định về mức trần giới hạn tỉ lệ nợ công (65% GDP) tại Nghị quyết Quốc hội năm 2012. Từ năm 2015, Chính phủ đã đặt mức giới hạn vay tối đa trong 1 năm đối với các dự án vốn vay ODA căn cứ theo Luật ngân sách Nhà nước. Thêm vào đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn (MPIP) tăng cường kiểm soát nợ công ở mức cao hơn... những điều này đã phẩn nào dẫn đến việc chậm thanh toán cho các dự án vốn vay ODA, trong đó có các dự án của JICA.
Trước thực tế này, Chính phủ Nhật Bản cùng với các nhà tài trợ lớn khác đã có các cuộc đối thoại cấp cao với Chính phủ Việt Nam. Từ phía Chính phủ Nhật Bản vẫn đang tiếp tục đề nghị Việt Nam phân bổ thêm ngân sách cho một số dự án hiện đang thiếu vốn như Dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh hay một số dự án khác do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ quản- ông Konaka Tetsuo cho hay.
Ông Konaka Tetsuo cho biết thêm một ví dụ điển hình về sự chậm trễ thanh toán là dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh tuyến số 1 mà phía JICA hỗ trợ. Sau nhiều lần báo động về tình trạng chậm tiến độ, TP. Hồ Chí Minh đã ứng trước tiền ngân sách lần thứ 3 để giải quyết tạm thời việc chậm thanh toán cho nhà thầu. Việc ứng trước lần thứ 4 (khoảng 5 tỷ yên) cũng đã được UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận và hy vọng có thể giải quyết được sớm khoản chậm thanh toán 270 triệu yên (tính đến thời điểm cuối tháng 3/2018).
Phía JICA cho rằng việc ứng vốn của TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời. JICA đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục rà soát các thủ tục để nhanh chóng đưa ra những quyết định về việc phân bổ ngân sách cho các dự án vốn vay ODA và đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các các dự án.
Ngoài ra, để thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị liên quan về thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Theo đó, đối với các dự án đang triển khai, các chủ dự án cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 – 2020 và năm 2018; đồng thời phối hợp với các nhà tài trợ thường xuyên đánh giá tình hình thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra thực địa, giám sát để xác định, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Song song đó, TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các đơn vị đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền triển khai các thủ tục điều chuyển vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương từ các dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn, trong đó ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc Hiệp định trong năm kế hoạch. Đối với các dự án mới, các chủ dự án cần hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng dự án trước khi ký kết Hiệp định; đồng thời phối hợp với các nhà tài trợ và các sở, ngành liên quan lựa chọn theo lĩnh vực, dự án phù hợp với nguyên tắc bảo đảm hiệu quả dự án và lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực mà khu vực tư nhân chưa có khả năng, công nghệ để đầu tư, cân nhắc mức ưu đãi của nguồn vốn nước ngoài.
Ngoài ra, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng đánh giá tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2018 và lập dự toán năm 2019; xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước giai đoạn 2019 – 2021; đồng thời lập kế hoạch vay, sử dụng và trả nợ vốn ODA, vốn vay ưu đãi năm 2019 và kế hoạch giai đoạn 2019- 2021.