Thứ hai 25/11/2024 21:58

Cần cơ chế thúc đẩy, tạo “bước nhảy” cho điện sinh khối tại Việt Nam

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng sản xuất năng lượng sinh khối nhờ các nguồn tài nguyên sinh khối sẵn có. Tuy nhiên, việc khai thác các nguồn tài nguyên sinh khối này còn nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia, để thúc đẩy nguồn năng lượng xanh, sạch này tăng trưởng mạnh mẽ, cần nhiều giải pháp thiết thực hơn, đặc biệt là cơ chế, chính sách.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Để giải quyết những thách thức cho ngành năng lượng này, đồng thời tạo điều kiện cho cả khu vực nhà nước và tư nhân tham gia phát triển năng lượng sinh học một cách bền vững, đóng góp quan trọng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tham vọng tại hội nghị COP26 vừa qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cùng tổ chức hội thảo trực tuyến: Kinh nghiệm phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam, chiều 25/11.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển điện sinh khối, tuy nhiên, việc khai thác các nguồn tài nguyên sinh khối này còn những bước hạn chế nhất định. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích nhằm thu hút các nhà đầu tư, nhưng cho đến nay tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện sinh khối vẫn còn rất nhỏ trong tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện tại Việt Nam. Do vậy, để phát triển mạnh mẽ nguồn điện sinh khối, Việt Nam cần những giải pháp tốt hơn để khuyến khích các nhà đầu tư.

Ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phát biểu tại hội thảo trực tuyến

Chia sẻ thêm về cơ hội cho nguồn năng lượng sinh khối tại Việt Nam, ông Nathan Moore - Giám đốc dự án "Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM)" của GIZ tại Việt Nam cho hay, với bối cảnh nền kinh tế nông nghiệp đang phát triển nhanh, Việt Nam đang có nguồn năng lượng sinh khối đa dạng và rất lớn. Trong đó có những nguyên liệu còn lại sau thu hoạch và sau chế biến như bã mía, trấu, rơm rạ và các sản phẩm phụ trong nông nghiệp và công nghiệp.

“Những nguồn năng lượng sinh khối này của Việt Nam có thể chuyển đổi thành nguồn năng lượng sạch. Nhất là trong sản xuất điện và nhiệt thông qua những công nghệ chuyển đổi khác nhau, tuỳ thuộc vào nguồn nguyên liệu và quy mô từng dự án. Những công nghệ này đã đến giai đoạn chín muồi có thể sử dụng và tạo ra cơ hội đầu tư rất hấp dẫn, để có thể tận dụng được nguồn năng lượng sinh khối này, kể cả những phương án để thay thế cho năng lượng hoá thạch” - ông Nathan Moore nhấn mạnh.

Đánh giá về thực trạng phát triển nguồn năng lượng sinh khối tại Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng – Bộ Công Thương cho biết, ở Việt Nam, các dạng sinh khối chính hiện nay gồm trấu, rơm, bã mía, sắn, phế thải, nhiên liệu gỗ... Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng sinh khối hiện chủ yếu là gỗ củi (hơn 50%), trấu (21%), bã mía (9%)... cho đun nấu tại gia đình, các lò đốt sinh nhiệt.

“Trong năm 2020, công suất lắp đặt toàn quốc đạt gần 75.000 MW, nhưng điện sinh khối công suất lắp đặt ghi nhận chiếm chưa đến 1%, điện năng thương phẩm đưa lên lưới chỉ hơn 0,1%. Đây là con số rất nhỏ so với tiềm năng phát triển của điện sinh khối của Việt Nam” – ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện tiềm năng này được bổ chia đều 3 miền, tại các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, khu vực Tây Nguyên, vùng Nam bộ. Và tiềm năng sản xuất điện từ trấu đến năm 2035 khoảng 370 MW; điện gỗ củi hơn 3.000 MW; điện từ bã mía khoảng 470 MW...

Thời gian qua, năng lượng sinh khối đã được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, phê duyệt Chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu; trong đó, sinh khối và khí sinh học là một trong những phương án nhằm mục tiêu giảm phát thải nhà kính. Tuy nhiên, điện sinh khối vẫn ở mức khiêm tốn là do những khó khăn trong việc kiểm soát nguồn nhiên liệu cung cấp cho nhà máy.

Cụ thể như khả năng cung cấp nhiên liệu thiếu ổn định và bền vững; giá nhiên liệu thay đổi theo mùa vụ. Ngoài ra, vốn đầu tư ban đầu khá lớn là một trong các trở ngại lớn nhất; cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn các nhà đầu tư; thiếu kinh nghiệm phát triển, kỹ sư và nhân công lành nghề các dự án nhiên liệu sinh học...

Do đó, để năng lượng sinh khối thực sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, theo đại diện Viện Năng lượng, cần tăng cường hơn nữa các cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư quan tâm hơn tới phát triển điện sinh khối, điện rác để vừa thân thiện môi trường, đảm bảo cung cấp điện.

Tạo cơ chế khuyến khích đầu tư

Cũng tại hội thảo, ông Mathias Eichelbronner, chuyên gia quốc tế về năng lượng sinh khối đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn năng lượng này tại một số quốc gia trên thế giới. Theo ông Mathias Eichelbronner, hiện nhiều nước trong khu vực đã có mức giá ưu đãi FIT với điện sinh khối rất tốt như Thái Lan, Malaisia... Việt Nam cũng đã có cơ chế giá FIT, tuy nhiên vẫn là chưa đủ để khuyến khích loại hình năng lượng này phát triển.

“Việc đầu tư sản xuất điện từ bã mía giúp chi phí sản xuất mía đường ở Thái Lan thấp hơn chi phí ở Việt Nam, bởi lẽ họ dùng bã mía để sản xuất điện, sẽ giảm chi phí năng lượng của họ. Như vậy, với mỗi tấn đường sẽ lợi thế hơn về giá bán. Tuy nhiên, mức FIT của Việt Nam mới chỉ 8,47 cent/kWh, thấp hơn so với nhiều nước như Thái Lan, Malaissia, Philippines”, ông Mathias nói.

Ông Mathias bày tỏ quan điểm, với mức giá ưu đãi thấp, sẽ khó để các ngân hàng cấp vốn, bởi nhiều rủi ro trong đầu tư. Thị trường tài chính là rất quan trọng, nó phải gắn với cơ chế giá FIT. Vì nếu giá FIT không thực sự tốt thì thị trường tài chính không có đủ đòn bẩy, khuyến khích các ngân hàng sẵn sàng cung cấp nguồn vốn.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị, giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề còn khó khăn, thúc đẩy phát triển điện sinh khối tại Việt Nam

Không chỉ với giá FIT, ông Mathias cũng nhấn mạnh vấn đề về hiệu suất các dự án, như có thể có được bao nhiêu năng lượng từ 1 tấn bã mía? Liệu có đảm bảo hiệu quả chi phí hay không? Đó là điều cần cân nhắc!

Chia sẻ từ chuyên gia của GIZ, cơ chế giá FIT ở Việt Nam hiện tại chưa đủ hấp dẫn và chỉ có thể khuyến khích những công nghệ điện sinh khối có hiệu suất chưa cao. Việt Nam phải tính tới giai đoạn 10-20 năm tới, với những công nghệ hiện đại hơn, công suất lớn hơn để đáp ứng hiệu quả đầu tư. Để vượt được Thái Lan, Nam Phi, Brazil..., phải có những "bước nhảy" lớn hơn, hàng chục năm về công nghệ.

Theo đó, Việt Nam cần có những cơ chế khuyến khích cho những công nghệ mới, để tiến tới số giờ vận hành, công suất cao hơn dựa trên số bã mía ít hơn. Một điểm nữa được các chuyên gia nhận định là chi phí vận hành điện sinh khối còn cao, nên cần có cơ chế để bù đắp do ảnh hưởng của lạm phát, thay thế phụ tùng, thiết bị.

Chia sẻ tại hội thảo, nhiều đại diện các địa phương như Phú Yên, Hậu Giang cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn trong việc giá điện sinh khối còn thấp hơn so với các dạng năng lượng khác, chi phí đầu tư lớn trong khi thời gian xây dựng kéo dài hơn so với điện mặt trời.

Ngoài ra, điện sinh khối cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành như Công Thương, Nông nghiệp, bởi sản xuất điện sinh khối liên quan nhiều đến vùng nguyên liệu, tính ổn định của vùng nguyên liệu. Đặc biệt, trong các hỗ trợ người dân về vùng nguyên liệu, các địa phương cũng khuyến nghị hỗ trợ về cơ giới hóa, hoàn thiện thể chế về sản xuất hữu cơ tuần hoàn, có pháp lý để thúc đẩy theo hướng xã hội hóa. Có như vậy mới tận thu được các phụ phẩm trong nông nghiệp.

Sinh khối bền vững là nguồn năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng đáp ứng phục vụ cho tốc độ phát triển kinh tế nhanh cũng như phù hợp với mục tiêu biến đổi khí hậu của Việt Nam. Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị, giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề còn khó khăn, thúc đẩy phát triển điện sinh khối, góp phần hiện thực hoá các dự án sinh khối mới tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển một nền năng lượng các bon thấp.

Đỗ Nga

Tin cùng chuyên mục

Công ty Điện lực Bạc Liêu tập trung đầu tư vào hạ tầng lưới điện

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Lai Châu chấp thuận chủ trương đầu tư Trạm biến áp 220kV gần 430 tỷ đồng

Nga và OPEC hợp tác nhằm ổn định thị trường dầu mỏ

5 trụ cột giúp Việt Nam chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện

Hai doanh nghiệp lớn bắt tay hợp tác phát triển hệ thống trạm sạc xe điện toàn quốc

Cơ chế điều hành giá xăng dầu sẽ được quy định ra sao?

Tổng Giám đốc EVNNPC làm việc với UBND tỉnh và PC Sơn La

Quy định thương nhân phân phối không mua bán xăng dầu lẫn nhau: Không làm mất tính cạnh tranh trên thị trường

Công ty Thủy điện Quảng Trị: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi số

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11

Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt chính cho EU lần đầu kể từ năm 2022

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Những góc khuất cần nhìn nhận sau đề xuất thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau

Làm lợi 1,43 tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng

Khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu qua Ukraine

Vì sao xăng sinh học RON 92 E5 vẫn gặp thách thức tại thị trường Việt Nam?

Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế và kỳ vọng

Vì sao châu Âu vẫn quan tâm đến khí đốt Nga?