Cần chính sách vượt trội để khu vực tư nhân vươn tầm
Yếu do thiếu động lực
Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện có khoảng 940.000 doanh nghiệp, trong đó đã xuất hiện một số tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup, Massan, Sun Group, Vietjet, Thaco… cùng với đó là khu vực kinh tế tập thể và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50,4% GDP, khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 85% lao động, đóng góp tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo, giảm chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn.
Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện có khoảng 940.000 doanh nghiệp, trong đó đã xuất hiện một số tập đoàn tư nhân lớn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tuy nhiên, theo PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương: Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với 5 thiếu, bao gồm: Thứ nhất, thiếu động lực phát triển.
'Tình trạng doanh nghiệp không muốn lớn hoặc chỉ phát triển đến một mức độ nào đó thì bán cho nước ngoài, hay tư duy ngắn hạn, trong nhiều trường hợp là vi phạm luật, cạnh tranh không lành mạnh' – ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Thứ hai, thiếu nội lực, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là thiếu vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, nhân lực chất lượng cao và thông tin thị trường.
Thứ ba, thiếu định hướng phát triển dài hạn, kể cả từ phía nhà nước lẫn doanh nghiệp. Thứ tư, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu vực nhà nước với chiến lược phát triển quốc gia. Thứ năm, thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả.
'Tất cả những điều đó đang khiến khu vực kinh tế tư nhân hoạt động với hiệu quả thấp, năng lực cạnh tranh không cao, nội lực hội nhập quốc tế thấp, không vươn tầm ra được khu vực và quốc tế, trong nhiều trường hợp còn thua ngay trên sân nhà, năng lực đổi mới thấp' – PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn khẳng định.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển kinh tế 2 con số giai đoạn 2026-2030, đồng thời đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng nêu rõ, kinh tế tư nhân được xác định là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế".
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất, rất cần có những chính sách vượt trội, tạo thuận lợi cho khu vực này phát triển. Đây chính là thời điểm không thể chậm trễ, nhằm khắc phục những thiếu hụt của khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời khơi dậy sức mạnh của khu vực này, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030-2045.
Cần có những chính sách vượt trội nhằm tạo đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh minh hoạ |
Đổi mới tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân
Theo chia sẻ của PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho rằng, cần có những giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra, bao gồm: Đổi mới tư duy, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam, tạo đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế tư nhân; Thiết kế các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả theo từng nhóm đối tượng trong khu vực kinh tế tư nhân.
Để phát triển kinh tế tư nhân, cần thiết kế các cơ chế, chính sách để kết nối khu vực kinh tế tư nhân với chiến lược phát triển của quốc gia, các chương trình phát triển quốc gia, kết nối doanh nghiệp kinh tế tư nhân và khu vực nhà nước với khu vực FDI.
Cùng với đó, tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chung đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện hoạt động thuận lợi cho doanh nghiệp; Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi, thúc đẩy liên kết của các hiệp hội doanh nghiệp.
Trong các nhóm giải pháp trên, Phó trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đặc biệt chú ý đến vấn đề đổi mới tư duy, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường.
'Bởi chỉ khi tư duy được đổi mới và có sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, chúng ta mới có thể có được các cơ chế, chính sách thực sự phù hợp và thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân' – ông Nguyễn Hồng Sơn thông tin thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Sơn, cần đổi mới tư duy bởi lâu nay chúng ta đang nhìn khu vực tư nhân như là một khu vực yếu kém có nhiều khó khăn cần tháo gỡ hơn là nhìn khu vực này như là một khu vực đầy tiềm năng và cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để vươn lên bứt phá mạnh mẽ.
Đặc biệt, để tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân, cần tiếp tục khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế, có vai trò đặc biệt quan trọng với tăng trưởng. Cùng với đó, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân phát triển bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.
Song song với đó, cần tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cụ thể hơn cần có cuộc cách mạng về minh bạch hóa, số hóa, thông minh hóa, tự động hóa trên cơ sở áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để xóa bỏ sự chồng chéo, không thống nhất, mâu thuẫn trong quy định của các luật có liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính không cần thiết, nhằm tạo sự tin tưởng, khát vọng vươn lên và hành động mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới.
PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương: Đây chính là thời điểm không thể chậm trễ, nhằm khắc phục những thiếu hụt của khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời khơi dậy sức mạnh của khu vực này, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030-2045. |